Doanh thu an ninh đám mây tăng gấp 8 lần nhờ...WannaCry

Giá trị thị trường giải pháp an ninh đám mây dự đoán sẽ tăng từ 1.6 tỷ năm 2016 lên hơn 12.6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024 do sự gia tăng các cuộc tấn công mạng và xu thế phát triển điện toán đám mây.

Nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tăng

Con số trên được đưa ra trong bản báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Mỹ Hexa Research. Cũng theo báo cáo, an ninh cho dịch vụ email, web cùng với quản lý truy cập trên Cloud đang là nhu cầu lớn nhất của các tổ chức.

Trong năm 2016, các dịch vụ quản lý tài khoản, truy cập đem lại nguồn thu lớn nhất cho các doanh nghiệp trong giải pháp an ninh đám mây (Cloud security market – CSM) với hơn 287 triệu đô la. Ngoài ra, những vụ tấn công vào dữ liệu trong năm 2017 cũng làm gia tăng nhu cầu bảo vệ dữ liệu trên toàn cầu.

Hexa Research dự báo thị trường CSM tăng trung bình gần 130%/năm (Nguồn: hexaresearch)

Theo báo cáo trên, các tổ chức, doanh nghiệp lớn vẫn đang là đối tượng khách hàng chính của CSM khi đem lại 58.5% giá trị cho thị trường. Bên cạnh đó, doanh số từ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tăng lên do những doanh nghiệp này ngày càng quan tâm hơn đến an ninh mạng. Nhiều gói dịch vụ nhỏ phù hợp cho nhóm doanh nghiệp này đã được đưa ra trong năm 2016.

Tính theo nhóm ngành, nhóm tài chính ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn nhất với giá trị gần 257 triệu đô la Mỹ. Theo sau là nhóm ngành công nghệ thông tin và truyền thông. Báo cáo cũng cho thấy, đầu tư của chính phủ các quốc gia cho bảo vệ dữ liệu cũng đang tăng mạnh.

Những năm gần đây, khu vực Bắc Mỹ vẫn là thị trường hàng đầu của CSM. Năm 2016, nguồn thu từ thị trường này đạt gần 600 triệu đô la Mỹ. Xếp sau Bắc Mỹ nhưng thị trường Châu Âu được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh sau những ảnh hưởng do các vụ tấn công bằng mã độc giữa năm 2017. Doanh thu từ Châu Á Thái Bình Dương cũng được mong đợi sẽ tăng mạnh với những khách hàng tiềm năng từ Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ.

WannaCry – Kẻ cười, người khóc

Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của CSM đến từ xu hướng sử dụng điện toán đám mây ngày càng phổ biến và việc nguy cơ tấn công mạng đang là vấn đề nhức nhối toàn cầu.

Cuộc tấn công bằng mã độc WannaCry tháng 5 năm 2017 ảnh hưởng tới hơn 300.000 máy tính trên 150 nước và làm tê liệt hoạt động của hàng loạt các tổ chức như hệ thống Y tế Quốc gia Anh, bộ Nội vụ Nga, công ty vận chuyển FedEx... Chỉ một tháng sau, mã độc Petya lại lây nhiễm trên hàng nghìn máy tính.

WannaCry là thảm họa với người này nhưng lại đem đến cơ hội cho người khác. (Ảnh minh họa)

Trong khi rất nhiều người “phát khóc” vì mã độc thì các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và giải pháp an ninh mạng lại được hưởng lợi từ điều này. Báo cáo của Hexa Research cho thấy không chỉ các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng buộc phải tính đến bài toán an toàn thông tin.

So với lưu trữ tập trung, điện toán đám mây có ưu thế về chi phí và giảm thiểu nguy cơ mất dữ liệu. Do đó, Cloud đã trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng khó lường và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Những con số thống kê gần đây cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của thị trường điện toán đám mây. Thị trường Cloud đã đạt được mức 148 tỷ đô la vào năm 2016 và tăng trung bình 25% mỗi năm theo số liệu từ Synergy Research Group. Báo cáo kết quả kinh doanh quý II năm 2017 của Microsoft cũng cho thấy, các sản phẩm điện toán đám mây đạt 7.4 tỷ đô la Mỹ, đóng góp hơn 30% doanh thu của gã khổng lồ công nghệ này.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng của thị trường điện toán đám mây cũng khiến những kẻ tấn công chuyển hướng chú ý. Báo cáo An ninh mạng phiên bản 22 của Microsoft vừa được công bố, cảnh báo tần suất và độ phức tạp của các cuộc tấn công mạng nhắm tới Cloud đang gia tăng. Theo số liệu trong báo cáo trên, từ quý 1/2016 tới quý 1/2017, số vụ tấn công vào tài khoản người dùng đám mây trên nền tảng Microsoft đã tăng 300%.

Trong nghiên cứu "Chỉ số sẵn sàng cho Điện toán Đám mây 2016 tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương" do Hiệp hội Điện toán Đám mây châu Á thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng thứ 14, xếp ngay sau hai quốc gia có nền công nghiệp phát triển bậc nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc.

Tại sự kiện Cloud8 Day lần VII tổ chức tại TP.HCM tháng 5.2017, các chuyên gia công nghệ Việt Nam và thế giới cũng đánh giá cao tiềm năng phát triển thị trường điện toán đám mây Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đặc biệt lưu ý những nguy cơ về an toàn thông tin mà các tổ chức, doanh nghiệp Việt phải đối mặt.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/doanh-thu-an-ninh-dam-may-tang-gap-8-lan-nhowannacry-c7a564964.html