Doanh thu toàn ngành du lịch đã đạt 16,5 tỷ USD

Trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, du lịch đã góp phần giúp cho nền kinh tế Việt Nam trụ vững và phát triển.

Ngành du lịch của Việt Nam đóng góp trực tiếp khoảng 6,6% GDP và đóng góp gián tiếp 13% GDP của cả nước, mức đóng góp bình quân của ngành du lịch là 10% GDP. Theo số liệu thống kê được cung cấp bởi ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch, tính đến hết tháng 11/2016, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã đạt con số hơn 9 triệu lượt, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái; khách du lịch nội địa tăng 57%, tổng mức thu của toàn ngành là 368.600 tỷ đồng, tương đương 16,5 tỷ USD.

Cũng theo Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, mục tiêu của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu thu hút 17 triệu lượt khách quốc tế/năm, đến năm 2030 mục tiêu đạt 30 triệu lượt khách quốc tế/năm.

Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang chuẩn bị trình Chính phủ một số chính sách phát triển ngành du lịch, trong đó có chính sách về phát triển cơ cấu hạ tầng như sân bay, bến cảng, đường sá, cải thiện cơ sở hạ tầng ở các cửa khẩu. Về chính sách thu hút đầu tư, Bộ đang trình Chính phủ ban hành Quyết định về Khu Du lịch quốc gia, trong đó được ưu đãi miễn giảm hoặc chậm nộp tiền thuê đất, giá điện nước được giảm trong vòng 3 năm đối với các đơn vị gặp khó khăn; phát triển du lịch cộng đồng, hỗ trợ các gia đình làm du lịch cộng đồng bằng việc cho vay vốn ưu đãi từ 10-20 triệu đồng để họ tham gia cơ sở cộng đồng, với điều kiện đáp ứng một số tiêu chuẩn cần thiết.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ xem xét điều chỉnh giảm mức thuế đối với việc sử dụng đất du lịch có hệ số sử dụng đất thấp; giảm 50% tiền thuê đất đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu ở Khu Du lịch quốc gia; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm và miễn thuế 5 năm đối với nơi khó khăn; cơ sở lưu trú được giảm tiền thuê đất nếu diện tích trên 2 ha và mật độ xây dựng dưới 25%; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 5% đối với kinh doanh du lịch và dịch vụ; miễn thuế nhập khẩu đối với phương tiện vận tải phục vụ du lịch; giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị chuyên dụng cho các khách sạn từ 3-5 sao trong nước không sản xuất được; thực hiện rộng rãi chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng, mở cửa hàng hoàn thuế cho khách du lịch. Đặc biệt, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đang đề nghị điều chỉnh giá điện phục vụ ngành du lịch bằng với giá sản xuất”.

Theo bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), AmCham rất vui mừng khi biết rằng Chính phủ Việt Nam gần đây đã phát hành thị thực một năm cho du khách Mỹ tới Việt Nam. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề xuất Chính phủ cung cấp cả hai loại thị thực, một loại có thời hạn 1 tháng, chi phí thấp hơn cho du khách ngắn hạn, đồng thời vẫn duy trì loại thị thực mới một năm đối với doanh nhân và khách du lịch dài ngày hơn.

Trong Báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam Thường niên 2016 Hà Nội, ông Kenneth M Atkinson Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam, cho rằng việc tạo ưu đãi thị thực không chỉ quan trọng đối với thúc đẩy du lịch mà còn đối với môi trường kinh doanh và sự phát triển của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Chúng tôi cho rằng việc tạo những ưu đãi thị thực cần được mở rộng cho các đối tác đầu tư và thương mại quan trọng cũng như công dân của các quốc gia mà Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do. Chúng tôi hiểu rằng sẽ có những băn khoăn về việc “có đi có lại” trong ưu đãi thị thực. Tuy nhiên, nếu chỉ chăm chăm chú ý tới vấn đề này sẽ chỉ là vấn đề “lợi bất cập hại”. Chúng tôi kêu gọi mạnh mẽ Chính phủ phải quyết đoán và ủng hộ tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực càng sớm càng tốt để khuyến khích thương mại, đầu tư và du lịch, ông Kenneth M Atkinson kiến nghị.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/doanh-thu-toan-nganh-du-lich-da-dat-165-ty-usd-post215436.info