Độc đáo Lễ tạ ơn đồng bào dân tộc Chăm

Lễ dựng cột nhà và lễ tạ ơn sau khi hoàn thành ngôi nhà mới là việc rất quan trọng đối với người Chăm Islam tỉnh An Giang.

Nhằm giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc đồng bào Chăm, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức tái hiện Lễ tạ ơn (lễ mừng nhà mới) tại không gian làng dân tộc Chăm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.

Khi dựng cột nhà, gia chủ chọn ngày mà mình thấy thuận lợi nhất, chứ không chọn ngày lành tháng tốt như người Kinh hoặc một số dân tộc khác. Đến ngày dựng cột nhà, khoảng 6 hoặc 7 giờ sáng, gia chủ mời một số thanh niên to khỏe và ông I mầm - đại diện Ban Giáo cả, đến nơi cất nhà.

Nghi thức đọc kinh Sholawat Nabi MohaMach với ý nghĩa cầu mong sự tốt đẹp, an lành đến với gia chủ.

Sau khi cầu nguyện xong, gia chủ mời mọi người cùng dùng những món bánh đặc trưng của dân tộc trong ngày dựng cột như bánh tét, sakigia với ý nghĩa là sự gắn kết bền vững và sung túc bền lâu.

Nhà cửa của người Chăm ở An Giang là loại nhà sàn làm bằng gỗ, mái lợp ngói. Gầm sàn cao để tránh mùa nước nổi. Nhà thường quay xuống sông, kinh, rạch hoặc quay ra đường cái, nhà làm 4 mái, có hiên trước, hiên sau và có hai cầu thang lên xuống hiên . Cầu thang phía sau nhà dành cho phụ nữ đi lại. Cửa ra vào thấp để khách vào nhà hơi cúi đầu để bày tỏ sự tôn kính với chủ nhà.

Làm nhà xong, đồng bào Chăm tiến hành Lễ tạ ơn Kuột san “Ăn mừng nhà mới”. Trong nhà gia chủ trang trí dọn dẹp thật đẹp và chuẩn bị một cái lò bếp, một hủ gạo, một hủ muối và một lu nước để gần cột nhà với ý nghĩa trong bếp nhà luôn luôn lúc nào cũng đầy đủ gạo, muối, nước.

Đến mừng tân gia, mọi người trong làng mang tới chủ nhà những vật phẩm cần thiết cho gia chủ với ý nghĩa thể hiện tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết, cùng chung vui ăn mừng.

Đọc kinh cảm tạ ơn trên đã giúp cho gia đình có được ngôi nhà mới, cầu nguyện cầu phước, cho gia chủ làm ăn phát đạt, gia đình bình an.

Những món bánh truyền thống rất đặc biệt, chỉ sử dụng trong những ngày lễ như: bánh Hapum, Hakalim, bánh Bakigah… được mang ra mời khách.

Các chàng trai cô gái Chăm biểu diễn dân ca, dân vũ trong lễ hội mừng nhà mới.

Lê Phú/Báo Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/dan-toc-mien-nui/doc-dao-le-ta-on-dong-bao-dan-toc-cham-20170925073645880.htm