‘Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng’ trước khi nhảy việc

Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi nguồn nhân tài lớn. Vì thế, nhảy việc không còn là một hành động xấu của người lao động, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, nhân viên Việt Nam thường nhảy việc dựa vào mức lương, chế độ đãi ngộ chứ không phải để phát triển sự nghiệp.

Đây là nhận thức sai lầm của người lao động vì trong môi trường cạnh tranh lớn như hiện nay, nếu không giỏi, bạn sẽ bị đào thải. Nếu bạn có thể xác định mục tiêu cũng như định hướng đúng đắn về nhảy việc, bạn sẽ tới đích nhanh hơn.

Vì thế, bạn cần đọc kỹ và tuân thủ những nguyên tắc dưới đây trước khi đưa ra quyết định lớn trong sự nghiệp của bạn:

1. Không nên nhảy việc chỉ vì lương thấp

Mặc dù bạn đang gánh trách nhiệm “cơm, áo, gạo, tiền” cho gia đình trên vai nhưng không nên coi đây là lý do “to lớn” để nhảy việc. Bạn nên cân nhắc và xem xét những cơ hội và rủi ro khi bạn chọn công việc mới. Công việc mới có thể tạo điều kiện cho bạn có mức lương cao hơn, cảm giác chi tiêu thoải mái hơn nhưng bạn có đảm bảo, bạn sẽ luôn luôn hài lòng với sự lựa chọn này hay không? Nếu bạn chỉ quan tâm đến mức lương, bạn chắc chắn sẽ không bao giờ thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Vì bạn sẽ thất vọng về môi trường làm việc gò bó, không có khả năng thăng tiến, đồng nghiệp khó chịu hay sếp “quái tính”… Như vậy, bạn sẽ thường xuyên phải nhảy việc.

Bên cạnh việc xem xét chế độ đãi ngộ, bạn cần quan tâm đến các khía cạnh khác, như danh tiếng của công ty, thực lực của doanh nghiệp, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc, đồng nghiệp, công đoàn…Đây sẽ là những nhân tố quyết định số tiền mà bạn nhận hàng tháng trong tương lai.

2. Không nên nhảy việc vì quan điểm cá nhân

“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” là câu thành ngữ miêu tả hoàn toàn đúng ưu, nhược điểm nhất định của mỗi doanh nghiệp. Dù bạn nhảy đến công ty nào, bạn sẽ gặp phải những vấn đề, chưa nói đến “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.

Bạn có thể không hài lòng với công việc đang làm, không thích đồng nghiệp, thấy sếp kém hơn bạn… Từ đó, bạn sẽ vội vàng đưa ra quyết định chuyển việc. Tuy nhiên, biết đâu bạn sẽ gặp tình trạng tương tự ở nơi làm việc mới. Giống như lý do tiền lương, bạn vẫn nên xem xét các khía cạnh khác để đưa ra sự lựa chọn khách quan.

Cách giải quyết tốt nhất là bạn nên đối mặt với vấn đề này và tìm cách giải quyết triệt để những điều bạn không hài lòng. Bạn nên khéo léo nói chuyện với đồng nghiệp với sếp để tìm được tiếng nói chung nhất. Đây cũng là cách để bạn áp dụng năng lực xử lý vấn đề vào trường hợp thực tế.

3. Nên chọn việc đúng chuyên môn

Tình trạng chung của nhiều người lao động hiện giờ là nhảy việc và nhảy luôn chức vụ, chuyên môn công việc. Bạn đang ở vị trí biên dịch viên dịch thuật và chuyển sang quản lý kinh doanh của một doanh nghiệp. Bạn có thể cho rằng, bạn sẽ tích lũy thêm kiến thức kinh doanh, quản lý, mở rộng mối quan hệ để trở thành người lao động “đa zi năng”. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn giữ tư duy này, nó chỉ khiến bạn nhảy việc nhiều lần hơn người bình thường.

Bạn không nên lựa chọn công việc hoàn toàn khác và không liên quan gì đến những kỹ năng chuyên môn mà bạn đang làm. Bạn cần định hướng rõ ràng con đường sự nghiệp, kiên trì với sự lựa chọn của bản thân để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Đây là cách duy nhất để bạn có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp.

4. Chỉ nên nhảy việc sau 3 năm trở lên

Các nhà khoa học đã nghiên cứu, một người cần khoảng 10.000 giờ để thành thạo một kỹ năng. Vì thế, bạn cần thử sức với công việc khoảng 3 năm trước khi quyết định chuyển việc. Khoảng thời gian này là cần thiết để bạn tích lũy kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và năng lực cạnh tranh.

Ngoài ra, nhà tuyển dụng thường không có ấn tượng tốt với những ứng viên chuyển việc liên tục trong vài tháng hoặc một năm. Họ sẽ coi các ứng viên không có sự trung thành và lòng kiên nhẫn để đóng góp cho doanh nghiệp.

5. Chỉ nên nhảy việc nếu: không có cơ hội phát triển, hoàn thiện kỹ năng, doanh nghiệp có thể phá sản

Linh tính của con người thường rất hữu dụng trong một số trường hợp nếu bạn sở hữu nhiều thông tin chính xác. Bạn nên chủ động khi xác định sự chuyển biến đột ngột trong doanh nghiệp.

Bạn đi làm là để nâng cao kỹ năng, có cơ hội phát triển, xây dựng doanh nghiệp phát triển chứ không phải là “chết cùng doanh nghiệp”.

Hiện nay, các doanh nghiệp ngày càng muốn trọng dụng và đánh giá cao sự trung thành và cam kết của nhân viên. Họ muốn chọn nhân tài nhưng không muốn lãng phí những “kiệt xuất” chỉ chạy theo tiền lương. Vì thế, trước khi quyết định hoặc lập kế hoạch nhảy việc, bạn nên xem xét mọi lý do mà bạn muốn chuyển việc. Dù bạn quyết định như thế nào thì hãy suy nghĩ thật kỹ.

Bạn đọc có thể tham khảo thông tin chi tiết tại mục Kinh doanh

Theo MyLink.vn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/doc-ky-huong-dan-su-dung-truoc-khi-nhay-viec-d39626.html