Đôi điều về dinh dưỡng và vệ sinh bữa ăn ngày Tết

Vui xuân có những thay đổi đáng kể,vấn đề ăn trong ngày tết không còn là điều tối quan trọng nữa.

Sao lại gọi là ăn tết?

Những năm gần đây- do kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên, một bộ phận người dân có nhu cầu đi chơi, đi du lịch , thưởng ngoạn, đón xuân ở nơi này, nơi khác trong dịp tết. Đáp ứng một phần nguyện vọng đó, chính phủ cũng tạo điều kiện bằng cách cho nghỉ bù, làm bù để có đợt nghỉ tết dài hơn. Đối với những người này, tết không còn là ăn tết nữa mà là nghỉ tết, là vui tết, đi chơi tết, du xuân…những điều ấy cần hơn. Tuy nhiên một bộ phận này không phải là tất cả… Có lẽ trước đây kinh tế còn nghèo nàn, ngày thường bữa ăn của dân ta còn đạm bạc nên những ngày đầu năm mới, gia đình nào cũng thể hiện mong muốn đón một năm mới an nhàn, thịnh vượng, được mặc đẹp, ăn ngon, thể hiện rõ nét hơn cả là chi phí và sự chuẩn bị cho những bữa ăn ngày tết.

Chắc là thế nên khái niệm “ăn tết” đã hình thành và do đó có những câu thăm hỏi như nhà bác, nhà anh ăn tết có to không? Chắc là thế nên ngay cả “những lời tiên tri” của các bác thầy bói xưa kia cũng khẳng định với thân chủ của mình rằng : “số cô không giầu thì nghèo, ngày 30 tết thịt treo trong nhà !”. Hay trong câu “đói ngày giỗ cha, no 3 ngày tết”- một câu nói thể hiện sự tập trung cao độ cho việc đón khách, tiếp khách (trả nghĩa) trong ngày giỗ và thể hiện sự ăn uống đầy đủ, thậm chí dư thừa trong những ngày tết của dân ta…

Ngày nay, nhu cầu đón tết, vui xuân có những thay đổi đáng kể, vấn đề ăn trong ngày tết không còn là điều tối quan trọng nữa, nhiều cơ quan xí nghiệp không phải lo chia thịt, chia gạo cho nhân viên, các nguồn lương thực, thực phẩm từ thành phố đến nông thôn cũng đa dạng, phong phú hơn trước rất nhiều. Có những món trước đây chỉ thấy trong dịp tết (như bánh chưng loại to…) thì nay muốn ăn ngày nào cũng có thể mua được. Thậm chí rất nhiều loại hàng hóa lương thực, thực phẩm của nước ngoài nay muốn ăn đều có thể mua được tại các siêu thị ở các thành phố hoặc các chợ nông thôn…Chính vì vậy, việc ăn tết quá to, quá nhiều so với ngày thường vẫn còn là một vấn đề đáng được quan tâm.

Phải chăng “ăn vào người chứ có mất đi đâu”?

Nếu xét về góc độ tài chính, ngày tết vẫn là những ngày hầu hết mọi gia đình chi phí rất nhiều cho các loại đồ uống, bánh mứt kẹo, thực phẩm…tăng hơn hẳn ngày thường về số lượng, chủng loại và chất lượng. Nếu về thăm một vùng quê nào đó vào những ngày 28, 29, 30 tết ta dễ dàng nhận thấy không khí chuẩn bị tết như rửa lá dong, gói bánh chưng hay mổ bò, mổ trâu, giết lợn v.v…

Khi đi thăm hỏi, chúc tết các gia đình trong thành phố trong những ngày tết ta dễ dàng nhận thấy những gương mặt đỏ bừng, những chai rượu tây đang uống dở hay hàng đống vỏ bia chai, bia lon nơi góc nhà, ngoài sân mà chủ nhân của nó không cố tình giấu giếm. Khi được khuyên hãy tiết kiệm, hay “đừng no dồn, đói góp” cũng đã có những ý kiến biện minh rằng “ăn vào người chứ có mất đi đâu!” Thực ra thì…đúng vậy nhưng cũng không phải vậy”.

Khoa học đã chứng minh được rằng không phải cứ ăn vào bao nhiêu là cơ thể sẽ tiêu hóa, hấp thụ được bấy nhiêu. Khi đã hấp thu rồi thì không phải cứ hấp thu (vào máu) được bao nhiêu thì sẽ sử dụng được từng ấy. Ví dụ: một ngày, một người thường chỉ cần 1,2 mg B1, 1,8 mg B2 và 75 mg vitamin C là đủ, nếu ăn (hoặc uống) vào nhiều thì cơ thể cũng lại thải ra ngoài theo nước tiểu mà thôi. Hoặc như đối với protein (chất đạm), bình thường một người lớn cần từ 1g/kg thể trọng ( khoảng 60g với người nặng 60 kg)- cơ thể sẽ tạo ra một bilan cân bằng (chỉ tiêu hao bằng chừng ấy, không thừa cũng không thiếu.

Nhưng chỉ cần ăn thêm 20g chất đạm một ngày (tương đương một lạng thịt lợn nạc), thì cũng phải mất 6 ngày sau cơ thể mới lập lại được sự cân bằng ni tơ cho sự tăng thêm đó. Do đó trong mấy ngày tết dù ta có ăn tăng thêm nhiều chất đạm bao nhiêu thì cơ thể cũng không hấp thu thêm được là bao.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doi-dieu-ve-dinh-duong-va-ve-sinh-bua-an-ngay-tet-3299693/