Đôi điều về “văn chương online”

QĐND - Cách đây khoảng dăm năm, cả văn giới như lên “cơn sốt” với vi tính, với internet. Lớp nhà văn thuộc thế hệ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ai không biết sử dụng máy vi tính, biết cách gửi e.mail thì coi như là không “tiến kịp thời đại”; lớp nhà văn trẻ 7X, 8X, ai không chơi blog, facebook... thì coi như “người hành tinh khác xuống”. Thậm chí, có nhà văn trong lúc phấn khích đã cảm khái thốt lên rằng, tôi online là tôi tồn tại. Lợi ích của internet đối với người cầm bút là quá rõ!

Từ đó đến nay, hàng loạt các trang web văn học ra đời nhanh chóng như nấm mọc sau mưa. Có trang web do cá nhân hay một nhóm người sáng lập; có trang web là diễn đàn của các cơ quan, đoàn thể chuyên trách về văn học-nghệ thuật ở địa phương và Trung ương... Những trang web này, về cơ bản có cùng chức năng như tra cứu dữ liệu, cập nhật tình hình thời sự của đời sống văn học nước nhà, đăng tải những sáng tác mới của các tác giả, phê bình tranh luận, phản biện các vấn đề văn học… Không nghi ngờ gì nữa, nhờ thế chúng ta đã có một thế giới văn học mạng đang hình thành và phát triển nhanh chóng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài thách thức đối với các trang mạng của các cơ quan đoàn thể chuyên trách về văn học-nghệ thuật.

Thứ nhất là vấn đề chính danh. Như đã nói ở trên, các trang văn học mạng bây giờ vô cùng nhiều, khó có con số thống kê chính xác. Song, không tính những trang web cá nhân, số trang mạng trực thuộc các cơ quan, tổ chức, đoàn thể hiện nay đa phần mới chỉ dừng lại ở những trang tin điện tử chứ chưa thành tờ báo điện tử. Hẳn nhiên sẽ có nhiều bạn đọc thắc mắc rằng, việc này có gì mà quan trọng đến vậy? Xin thưa, sự khác biệt giữa trang tin điện tử và tờ báo điện tử nằm ở hàng loạt các khâu như: Quy mô tờ báo, nhân sự, trách nhiệm pháp lý… và chế độ nhuận bút. Hiện giờ, tuyệt đại đa số các bài đăng trên các trang văn học mạng đều miễn phí. Điều này khiến nhiều người cầm bút không có “động lực thiết thân” khi viết cho báo mạng. Họ thường chỉ gửi những tác phẩm cũ, đã đăng tải cho báo mạng; còn những tác phẩm mới nhất thì dành cho… báo giấy. Do vậy, mặc dù có tiếng là nhanh, hiện đại, cập nhật... nhưng trên thực tế, báo mạng luôn đi sau báo giấy, là "sân sau" chuyên đăng lại những bài báo giấy đã in. Tình trạng này diễn ra phổ biến trong suốt thời gian qua. Chừng nào còn phải sống nhờ báo giấy thì chừng ấy khó có thể nói báo văn học mạng phát triển một cách bài bản, chính thống và khỏe mạnh được. Việc trở thành một tờ báo điện tử chính thức, đồng nghĩa với việc có chế độ nhuận bút (dù còn ở mức độ khiêm tốn) cũng sẽ “động viên” được người cầm bút tìm đến, qua đó các trang văn học mạng từng bước chấm dứt tình trạng “ăn nhờ ở đậu” báo giấy, tiến đến tự nuôi sống chính mình như các trang báo mạng xã hội khác. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, số tờ báo điện tử chuyên về văn học hiện nay ở nước ta mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả trang web chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam cũng mới chỉ dừng lại ở mức này. Hoặc như sau 4 năm hoạt động, với số lượng bạn đọc truy cập đông đảo nhưng mãi gần đây, trang vannghequandoi.vn của “nhà số 4, phố nhà binh” mới được cấp phép chính thức trở thành một tờ báo điện tử. Chừng nào chưa chính danh, tôi nghĩ, các tờ báo văn học mạng khó phát triển bền vững.

Thứ hai là vấn đề cộng tác viên. Dù cho đã trở thành tờ báo điện tử thì các trang văn học mạng vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong việc thu hút bài vở cộng tác, xây dựng đội ngũ cộng tác viên cho riêng mình. Khó khăn trước hết nằm ở khía cạnh tâm lý chung của người viết là đều thích in ở báo giấy hơn báo mạng, ngay cả khi báo mạng trả nhuận bút cao hơn. Cảm giác cầm trong tay một tờ báo-“vật hiện hữu”, ngắm nhìn đứa con tinh thần của mình được hiển hiện bằng những con chữ tươi roi rói vẫn thích hơn nhìn trên một trang mạng điện tử tuy sống động nhưng lại không sờ, nắm bắt được. Tờ báo giấy-mặc dù cũng là một sản phẩm của thời đại công nghiệp-nhưng vẫn có “hồn cốt” hơn so với trang mạng. Ngoài ra, quan niệm lên mạng chủ yếu là đọc tin tức cũng đã ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ công chúng nên đôi lúc khiến họ quên mất rằng, tờ báo mạng cũng rất cần bài vở cộng tác. Đây là hiện tượng rất đáng lưu tâm. Trong thời gian làm quản trị trang vannghequandoi.vn, chúng tôi thấy bình thường một ngày có đến vài nghìn người truy cập với hàng chục bình luận, nhưng cả tháng họa hoằn lắm mới có đôi ba bài gửi đến cộng tác. Trong khi đó, chỉ tính riêng hòm thư điện tử của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, một ngày bình quân đã nhận được hàng trăm bài vở cộng tác (cho báo giấy). Nếu tính cả bài vở gửi theo đường bưu điện truyền thống thì con số cũng xấp xỉ cả ngàn. Cách biệt quá lớn phản ánh rằng, tâm lý người viết vẫn chuộng với báo giấy hơn báo mạng.

Thứ ba là vấn đề thương hiệu. Xét trên các yếu tố lịch sử, danh tiếng, uy tín của đội ngũ biên tập… thì các tờ báo văn học giấy hiện nay hơn hẳn các tờ báo văn học mạng. Trong khi nhiều tờ báo văn học giấy đã là một “giá trị”, một thương hiệu được khẳng định thì các trang văn học mạng lại chưa có được điều này. Mặt khác, một sự thật hiển nhiên là nhiều trang văn học mạng hiện đang tồn tại dựa trên chính uy tín và thương hiệu của báo giấy như vannghequandoi.vn, tapchisonghuong.com.vn… Do vậy, chúng ta không quá ngạc nhiên khi giới cầm bút chuyên và không chuyên trong cả nước chưa mặn mà lắm với những trang văn học điện tử.

Trên đây là ba nguyên nhân chính theo chúng tôi, làm khả năng phát triển của văn học mạng nói chung và các chuyên trang văn học mạng nói riêng bị hạn chế. Trong đó, trở ngại nhất là ở nguyên nhân thứ hai và thứ ba. Việc thay đổi tâm lý của đông đảo người viết, tạo dựng thương hiệu cho trang mạng văn học không phải là công việc một sớm một chiều, mà đòi hỏi thời gian, công sức, tiền bạc và cả sự kiên nhẫn.

Vẫn còn một chặng đường dài phía trước cho các trang văn học mạng!

ĐOÀN MINH TÂM

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/91/68/75/75/75/167044/Default.aspx