'Đòi lại' vỉa hè và bài toán dân sinh

Ở hầu hết các cổng bệnh viện, trường học, những ngã ba, ngã tư, gầm cầu, nơi tiện người qua lại… đều có hàng quán mọc lên.

Ở hầu hết các cổng bệnh viện, trường học, những ngã ba, ngã tư, gầm cầu, nơi tiện người qua lại… đều có hàng quán mọc lên. Nhiều người trong số đó có hoàn cảnh, số phận đáng thương nhưng cũng không ít người đã kiếm bạc triệu mỗi ngày vì… chiếm nơi công cộng thành sở hữu riêng. Việc “đòi lại” vỉa hè đang khiến nhiều người dân lo lắng và không ít chuyên gia băn khoăn rằng cùng nỗ lực chỉnh trang đô thị cũng nên tính toán đến bài toán việc làm cho người dân.

Nhỏ nhoi những phận người

Bưng suất cơm đựng hộp nhựa, người phụ nữ vừa nhai vừa nhắc khách ngồi gọn gàng rồi một tay rót nước. Chốc chốc bà lại quài tay ra sau đấm vì mỏi lưng, xong lại rổn rảng cười: “Cái lưng lại đòi tiền ấy mà!”. Đó là hình ảnh về bà Nguyễn Thị Tới, 62 tuổi, với gần 30 năm “ăn cơm bụi uống nước lề đường”. Ngần ấy thời gian, bà Tới đã gánh chịu đủ nhọc nhằn, bụi bặm, nắng mưa để chắt chiu những đồng tiền lẻ. Trước khi làm nghề bán nước chè, bà Tới đã từng làm nghề tạp vụ trong một cơ quan nhà nước. Sau này chồng mất, thấy việc bán nước chè hè phố cũng… kiếm ăn được nên bà quyết định ngồi ở ngã ba phố Hai Bà Trưng - Triệu Quốc Đạt, vừa gần tòa án, vừa gần bệnh viện. “Dù biết bán trên hè phố là không đúng, thường bị các chú công an phường đuổi nhưng vì khó khăn đành phải chịu. Nếu có tiền thuê sạp bán hàng thì u (bà Tới xưng là u với người trẻ tuổi) đã thuê rồi. Chồng mất sớm, nay phải phụ đứa con gái nuôi cháu ngoại, cũng rất hoàn cảnh”, bà Tới chia sẻ.

Vỉa hè luôn đông đúc người buôn bán vặt. Ảnh: H. Đông

Qua trò chuyện, bà Tới cho biết mình đã chuyển vị trí bán hàng đến 3 lần, quanh khu vực này và chỉ cách nhau vài chục mét. Khách đến với bà thường là người nhà thăm bệnh nhân, người đi nghe tòa xử án và khách ở một số cơ quan lân cận. Ngồi ở vị trí này, bà cũng nhìn thấy hàng trăm người già khác với gánh hàng mưu sinh, cũng khổ sở, lưng còng và trên khuôn mặt họ những nếp nhăn nhọc nhằn chằng chịt. Hiện nay, mỗi ngày làm việc từ sáng sớm đến chừng tám giờ tối, trừ chi phí bà cũng để ra được 200 ngàn đồng. Với số tiền ấy phải tằn tiện lắm mới đủ sinh hoạt, thêm nữa, bà lại bị bệnh tật hành hạ, nếu không cố gắng bám hè phố thì chẳng biết làm gì để sống. Cũng theo bà Tới, cái nghề “ngồi lê hè phố” tưởng dễ dàng nhưng thật ra có vô vàn khó khăn. Ngoài chuyện tìm được một chỗ có thể bán được, ít bị công an đuổi, ít ảnh hưởng đến giao thông là điều cực khó. Thêm nữa, quá nhiều người nghèo khổ cũng chọn bán trà đá để kiếm ăn nên cũng phải cạnh tranh nhau. Bà Tới vui vẻ nói: “Đầu tư ít vốn thật, chỉ bộ ấm đun nước, hai cái phích, thùng xốp đựng đá, hơn chục cái chén. Sang hơn thì có hộp kẹo lạc, gói thuốc, mấy cái ghế nhựa. Đôi khi để đỡ tốn, u cho khách ngồi lên miếng xốp bọc ni-lông, cái đó vừa gọn vừa êm. Thế vẫn chưa đủ đâu, còn phải “đầu tư” nụ cười nữa. Người bán hàng mà không có cái duyên thì khó bán hàng lắm. Nụ cười, sự đon đả hút khách đấy”.

Ở cửa Siêu thị bách hóa Thanh Xuân, người ta vẫn quen với hình ảnh một bà già hơn 80 tuổi với chiếc cân nhỏ hành nghề cân trọng lượng cho người qua đường. Bà tên Bùi Thị Hạnh, quê ở Thái Bình, bố mẹ mất sớm, kể từ đó nỗi truân chuyên cứ bủa vây, đến nỗi bà trôi đến “bến nước mười ba” vẫn không hết khổ. Người chồng thứ nhất bỏ đi, để lại con nhỏ, bà ôm con ra Hà Nội kiếm sống rồi được nhận vào làm một công ty may. Tại đây, bà đã gặp một người tốt bụng, hai người đến với nhau. Hạnh phúc ngắn ngủi, chồng thứ mất, bà quần quật làm nghề bán rong ở khắp các con phố, hè phố ở Hà Nội để nuôi hai con. Đã thế, số tiền để dành dụm, mua một miếng đất cắm dùi ở con ngõ sâu ở quận Thanh Xuân cũng bị lừa mất. Khoảng bảy năm nay, lưng còng, tóc bạc, sức yếu, bà mua chiếc cân điện tử, ngồi ở chỗ đông người qua lại, đầy bụi và khói xe chờ khách ghé qua.

Ước mơ

Thật khó thống kê có bao nhiêu người mưu sinh hè phố với cả nghìn hình thức ở phố phường Hà Nội. Ở hầu hết các con phố, các cổng bệnh viện, trường học, những ngã ba, ngã tư, gầm cầu, nơi tiện người qua lại… đều có hàng quán mọc lên. Từ một mẹt xôi nếp, một bàn vé số, một quầy nước chè nhỏ nhoi hay chỉ một mét vuông diện tích để đặt cái cân điện tử, chiếc bơm xe… cũng đủ để nuôi một gia đình mấy người. Không chỉ cái nghèo, cái khổ xua họ ra hè phố, không ít người thậm chí coi hè phố là chốn để làm giàu. Nhưng nói gì thì nói, đã phải cày cục “buôn thúng bán mẹt” nơi hè phố bụi bẩn thì chẳng có gì là sướng. Đa số những người được hỏi đều cho biết, vì chưa (hoặc không biết) làm gì mới phải ra nơi gió bụi mưu sinh. Họ đôi khi còn bị “dẹp” bởi cán bộ công an phường. Nhưng bị bắt, bị phạt rồi đâu lại vào đấy, nhiều người đã bám trụ đến mấy chục năm. Bà Hạnh với chiếc cân điện tử là một thí dụ. Lẽ ra ở cái tuổi của bà là phải được nghỉ ngơi, được hưởng phúc nhờ con cháu nhưng đến giờ vẫn phải vất vả kiếm cơm thật khiến người khác mủi lòng. “Nếu được dựa vào chồng con thì đâu còn phải chịu khổ”. Ngay cả bà Tới, là người phụ nữ mạnh mẽ, trải qua mất mát lớn rồi gắng gỏi gửi ước mơ về cuộc sống nơi… hè phố. Đơn giản chỉ là cần đủ cơm ăn áo mặc, có chút tiền chữa căn bệnh kinh niên. Thế nhưng, trời nắng còn đỡ, gặp ngày mưa, không bạt che bà phải xếp lại đồ rồi “ù té” ra một mái hiên nào đó đứng cho đỡ ướt.

Vỉa hè dành cho người đi bộ đoạn qua số nhà 64 Đội Cấn chỉ bằng 1 gang tay. Ảnh: Thanhnien.vn

Chung nỗi khổ, chị Đặng Thị Hồng (quê ở Quảng Nhân, Quảng Xương, Thanh Hóa) cũng lê bên chân tập tễnh, hàng ngày dọn quầy bán nước chè ở hè phố đoạn cầu vượt Ngã Tư Sở. Có chồng và hai con gái nhưng chị không được nhờ chồng, bởi anh ta thường rượu chè, gái gú, hay đánh đập vợ con. Không thể sống nổi, chị Hồng mang hai con gái ra Hà Nội mưu sinh. Đứa lớn 18 tuổi, thi thoảng đi dọn nhà thuê kiếm tiền, đứa thứ hai 15 tuổi có thể đỡ đần mẹ đun, xách nước. Ba mẹ con thuê nhà theo ngày, mỗi ngày 30 nghìn đồng. Chị Hồng tính: “Như thế tiết kiệm hơn, bởi mỗi tháng chỉ hết 900 nghìn đồng. Nếu thuê “nguyên căn” thì phải hơn triệu cơ”.

Tuy nhiên, với chị Hồng, đó chỉ là bất đắc dĩ chứ ai cũng muốn thuê lấy một căn phòng cho tiện sinh hoạt, đỡ phải nay đây mai đó. “Tính đi tính lại, ba miệng ăn vẫn phải cậy nhờ vào bàn trà đá. Mấy năm trước, tôi bị bệnh u màng tủy, biến chứng sinh ra liệt một chân, tập mãi mới di chuyển được đấy! Nếu không nhờ quầy nước thì chắc ba mẹ con chẳng sống nổi. Giá con tôi xin được một công việc tốt, rồi có tiền đầu tư cho mẹ thuê sạp bán hàng ở chợ có lẽ sẽ ổn định hơn. Giờ tất cả vẫn phải nhờ… khách. Nay thành phố quyết tâm dẹp vỉa hè, thật sự khiến những người dân nghèo như chúng tôi lo lắng…”, chị Hồng buồn bã cho biết.

Đâu là bài toán hợp lý?

Chẳng phải bây giờ việc quản lý vỉa hè mới được làm rốt ráo. Thật ra từ nhiều năm qua, TP. Hà Nội cũng đã triển khai và không thành công, cũng vì liên quan đến vấn đề kinh tế vỉa hè, ảnh hưởng đến nhiều người dân và ý thức của người dân chưa cao. Đó là chưa kể đến sự thiếu kiên quyết, buông lỏng của cơ quan chức năng. Một số phường còn dùng vỉa hè để cho thuê kinh doanh hoặc có sự “bảo kê” của chính các đơn vị quản lý vỉa hè, đường phố…

Đương nhiên cần phải lập lại trật tự vỉa hè, bởi sẽ mang lại nhiều lợi ích: trả lại không gian đi lại cho người đi bộ, tạo bộ mặt phong quang, sạch đẹp cho thành phố và nhất là bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông khi mà người đi bộ không phải đi xuống lòng đường. Bên cạnh đó, cũng giúp lập lại kỷ cương kinh doanh thương mại và xây dựng nề nếp công tác quản lý đô thị. Về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ nên kiểm soát tốt vỉa hè, trả lại không gian thoáng đãng cho đô thị. Nhưng cũng nên tính toán đến việc tổ chức, sắp xếp để người dân thu vén cuộc sống. Bài toán đô thị này luôn là bài toán nhân văn, đòi hỏi các cấp lãnh đạo phải tìm ra giải pháp hợp lý.

Sau đợt ra quân đồng loạt bảo đảm trật tự giao thông, đô thị, xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhiều phường trên địa bàn TP. Hà Nội đã kẻ vạch sơn trắng trên vỉa hè để quản lý. Tuy nhiên, việc kẻ vạch sơn cũng tạo nên nhiều tình huống “dở khóc dở cười”, điển hình xảy ra tại đường Đội Cấn (phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội). Vạch sơn được kẻ trên vỉa hè tuyến đường này cho phép các nhà dân, hộ kinh doanh để xe máy từ mép cửa nhà ra đến vạch kẻ, phần từ vạch kẻ ra đến lề đường dành cho người đi bộ. Theo ghi nhận của PV, phần vỉa hè dành cho người đi bộ trên đường Đội Cấn quá nhỏ, có nơi chỉ còn hơn 1 gang tay (khoảng 30cm) như đoạn qua số nhà 64, 66, 68... Cách đó vài chục mét, đoạn qua số nhà 102, 104..., vạch kẻ sơn để phân định vỉa hè cho người đi bộ cũng chỉ còn 40cm, vướng vào cây cối, cột điện. Trao đổi với PV chiều 14/3 về việc vỉa hè chỉ bằng 1 gang tay, ông Hà Việt Chung, Trưởng công an phường Đội Cấn cho biết, khi triển khai kẻ vạch sơn, do có sự nhầm lẫn nên những vỉa hè không đủ 3,5m cũng được kẻ nên mới xảy ra tình trạng phần vỉa hè dành cho người đi bộ mới nhỏ như vậy. Ông Chung cho biết thêm, sẽ cử lực lượng đi xóa toàn bộ vạch sơn kẻ trước đó do nhầm lẫn.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị nhỏ và vừa - ông Vũ Vinh Phú cũng bày tỏ quan điểm rằng, không nên quá cực đoan, cấm toàn bộ các vỉa hè mà cần xem xét, tính toán những đoạn vỉa hè nào rộng hơn 5m, không ở khu vực nhạy cảm, có thể buôn bán được thì quy hoạch và sắp xếp cho một số hộ kinh doanh nhỏ, kinh doanh có điều kiện về thời gian, vệ sinh kèm theo phí và lệ phí theo đúng quy định hiện hành trong Luật phí và Lệ phí.

Quyết tâm lập lại trật tự vỉa hè cần được người dân ủng hộ, đồng tình và phải được làm bài bản, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Song, bài toán dân sinh cũng cần được nghiêm túc tính đến. Bởi vỉa hè là nơi sinh ra miếng cơm, manh áo của những phận người và nhiều người đã rớt nước mắt vì không còn điều kiện mưu sinh.

Hà Đông

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/doi-lai-via-he-va-bai-toan-dan-sinh-n129268.html