Đổi máu lấy hải sâm

Có rất nhiều vụ ngư dân Việt Nam ra Thái Bình Dương đánh bắt hải sâm bị tàu tuần tra nước ngoài đuổi bắt, bắn vào tàu hoặc bị mất tích do thiên tai. Thông tin trên báo chí ở các quốc đảo Micronesia, Tân Thế Giới còn mô tả lại những tai nạn thương tâm do ngư dân tháo chạy nên bị sốc độ sâu.

Bài 1: Chạm mặt thổ dân ở Papua New Guinea

Bài 2: Liều mạng giữa đại dương

Chết vì sốc nước

Ngày 31-3-2017, tờ báo Les Nouvelles ở đảo Noumeá đã đăng bài viết với nội dung phản ánh một ngư dân Việt Nam tên Phạm Tấn Phương đi trên tàu cá của Quảng Ngãi đã bị tê bại do bị sốc độ sâu. Theo bài báo miêu tả, khi các ngư dân đang đánh bắt trộm hải sâm ở độ sâu 70m thì phát hiện tàu tuần tra của nước sở tại nên rút nhanh các ngư dân lên để bỏ chạy. Theo kinh nghiệm, nếu thợ lặn đang ở dưới mực nước sâu ngoi lên thì phải lên chậm để giảm dần áp lực. Có khi mất 15 phút mới lên được tàu. Nhưng do ngư dân này phóng lên quá nhanh để chạy trốn nên bị tê bại và có khả năng dị tật vĩnh viễn.

Ngư dân Nguyễn Hưng từng đi trên tàu ra Thái Bình Dương đánh bắt cho biết, đó là một trong rất nhiều nguy hiểm mà các ngư dân phải đối mặt. Có nhiều ngư dân đang ngụp lặn và bị rút nhanh lên tàu để thuyền trưởng cho tàu chạy trốn, các ngư dân chứng kiến thợ lặn đau đớn tận xương tủy. Lúc đó, các ngư dân đành phải lấy thuốc ra tự tiêm nhiều mũi cho thợ lặn. Thông thường, ngư dân lặn bị tiêm theo kiểu đó, nếu thoát bại liệt thì sau này cũng mau bị mục xương.

Ngư dân Phạm Tấn Phương bị tê bại vì sốc độ sâu tại Tân Thế Giới. Ảnh: Ngọc San

Trong các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, các ngư dân sợ hãi nhất là đối với Papua New Guinea, cụm từ mà ngư dân diễn tả lại khi gặp cảnh sát của các nước này nghe ớn lạnh xương sống. Các ngư dân cho biết: “Người mình đây mà họ thọc mũi súng vô ầm ầm giống như thọc bị gạo. Có lúc, họ bắn cả băng đạn nổ điếc tai, nghe lạnh gáy”.

Từ đầu năm đến nay, các ngư dân liên tục chứng kiến cảnh chở xác ngư dân bị nạn từ Thái Bình Dương trở về đất liền, trong đó có những con tàu bị đạn bắn chi chít. Đó là tàu cá QNg 96677 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mười, ở huyện đảo Lý Sơn. Ngư dân Trần Văn Định trên tàu tử vong bị đạn bắn thẳng vào đầu. Các ngư dân thường khai báo với các cơ quan chức năng bị cướp biển tấn công ở khu vực Biển Đông. Nhưng phần lớn các vụ việc này xảy ra ở khu vực Nam hoặc Tây Thái Bình Dương và ngư dân bị dính đạn khi xảy ra các cuộc truy đuổi.

Mới đây nhất là vào ngày 15-4, tàu cá BĐ 97703 TS của ông Nguyễn Đại, ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chở xác ngư dân Trần Xuân Hạnh, SN 1982, quê ở huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh về đất liền. Các ngư dân khai báo với BĐBP Quảng Ngãi nguyên nhân chết do lặn hải sâm quá sâu, khu vực hành nghề ở quần đảo Trường Sa. Nhưng khi phóng viên tìm cách tiếp cận 2 đồng hương của nạn nhân cùng đi bạn trên tàu thì họ tỏ ra lúng túng. Khi các ngư dân đã về đến Hà Tĩnh, phóng viên điện hỏi về tọa độ đánh bắt thì cả 2 ngư dân đều hốt hoảng, có người cho biết, đang lặn thì bị lực lượng chức năng nước ngoài ra đuổi, sợ họ thu tàu nên kéo lên nhanh quá, cuối cùng sốc nước chết.

Tàu thành bia bắn

Ngư dân Phạm Thiện, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có vẻ kiệm lời khi nói về những chuyến biển liều mạng trên đại dương. Năm nay 39 tuổi, anh Thiện từng một lần suýt chết vì lặn sâu. Còn lần thoát chết thứ 2 là cuộc hành trình trên tàu của ông Dũng ra Nam Thái Bình Dương vào giữa năm 2016. Thời gian đầu của chuyến đi, tàu chở anh Thiện cắt qua khu vực tự do hàng hải nên ngư dân không lo lắng. Nếu ngư dân làm nghề đánh lưới thì chỉ vài đêm là không thể chở hết hải sản vì cá ở đây nhiều vô kể. Tàu vào các đảo hoang không một bóng người để lặn. Những hòn đảo này có thảm thực vật và thú rừng rất phong phú. Sau khi lặn bắt hết hải sâm thì tàu phải tiến dần về phía các đảo có dân cư. Trên máy định vị của ngư dân luôn đánh dấu những địa điểm nhiều hải sâm gần các đảo như vùng Bi Smarck, Dolak, Archi... của Papua New Guinea.

Chiếc tàu đưa ông Thiện tiến vào lãnh hải của quốc đảo Papua New Guinea từ thì bất ngờ nhìn thấy tàu tuần tra chở cảnh sát xuất hiện nên bỏ chạy. Tàu tuần tra bắn một loạt đạn chỉ thiên, sau đó nhanh chóng hạ thấp dần mũi súng và bắn thẳng vào mũi tàu, ca bin làm từng mảng gỗ trên tàu bay tung tóe như búa bổ củi. Tàu tuần tra để cho tàu ngư dân chạy, sau đó rượt lên ngang hàng và bắn thêm một loạt đạn nữa vào ca bin bên trái, sau đó vòng sang bên phải xả súng vào buồng lái rồi lại cho tàu tụt lùi theo kiểu vờn mồi.

Tàu của ngư dân đánh cá trái phép bị các nước tiêu hủy. Ảnh: Ngọc San

Các ngư dân có kinh nghiệm nên không chui xuống hầm máy, vì lính trên tàu thường nhắm bắn vào khoang hầm làm chết máy để tàu phải dừng. Tất cả mọi người nhốn nháo và kéo hàng trăm thùng mì tôm, thùng sữa, nước ngọt và hơn 1 tấn gạo quây thành chiến lũy trong ca bin với hy vọng cản được đầu đạn. Khi thấy cảnh sát thổ dân nã súng liên hồi theo kiểu “kết thúc cuộc săn, làm thịt con mồi”, các ngư dân đành lao xuống biển để đầu hàng, có người kịp lật chiếc thúng cho vài người nhảy xuống. Con tàu không một bóng người trôi tự do với đầy vết đạn.

Khi ra Thái Bình Dương khai thác hải sản, nếu tàu ngư dân thoát khỏi tàu tuần tra thì khi trở về và vào Biển Đông tiếp tục đối mặt với tàu tuần tra ở kênh Cu Đất, đó là từ lóng của ngư dân. Nếu hình dung các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei giống như một dãy trường thành bao bọc phía Nam, ngư dân muốn đi xuyên qua vòng cung này để ra Nam Thái Bình Dương thì phải đi qua điểm tiếp giáp giữa các nước, bao gồm: Mindoroc, Panay, Catarduanes, qua các vùng biển Hô Môn, Visayan, Celebes.

Khi đi qua “cửa ải” đầu tiên, rất nhiều tàu cá bị bắt giữ hoặc bị tàu tuần tra truy đuổi bắn chỉ thiên, có khi bắn trực tiếp vào tàu. Mất 5 ngày đêm run rẩy vượt qua kênh Cu Đất, tàu cá mới vào được Thái Bình Dương với diện tích lên tới 161,8 triệu km2, tức rộng gấp 46 lần Biển Đông. Trên đại dương mênh mông, tàu của ngư dân khi bị nạn thì không ai có thể cứu được.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/doi-mau-lay-hai-sam-gah/