Đổi mới của tư lệnh ngành giáo dục có tạo bước đột phá?

Hàng loạt động thái mới của ngành giáo dục đang được dư luận đặc biệt quan tâm và kỳ vọng vào sự quyết tâm đổi mới của vị Tư lệnh ngành. Song, bên cạnh đó cũng còn rất nhiều điều lo ngại.

Miễn thi là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực?

Trong nỗ lực “lột xác” một cách toàn diện, bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) đã đưa ra dự thảo đề án quy định sẽ có 20% học sinh tại mỗi sở giáo dục địa phương được miễn thi tốt nghiệp. Giải thích về điều này, Thứ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, đây là số học sinh khá, giỏi. Miễn thi vì, các em thi là đỗ, tiết kiệm được 20% chi phí phòng thi, cán bộ coi thi... Các quy định trong dự thảo này đang được bộ GD&ĐT lấy ý kiến từ xã hội, nếu nhận được sự đồng thuận thì có thể, năm 2014 sẽ thay đổi cách thi, cách công nhận tốt nghiệp THPT.

Phương pháp này được xem là sẽ giảm áp lực thi cho thí sinh và giảm chi phí cho xã hội, tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều nhà giáo dục lo ngại vì dễ xảy ra tiêu cực. Hiệu trưởng một trường THPT ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho rằng, 20% là một con số khá lớn. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu cụ thể để tránh tình trạng những em học chưa tốt “chạy” vào chỉ tiêu 20% này.

Trao đổi với PV, ông Đào Trọng Thi, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục – Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, bộ GD&ĐT cần có cơ chế rõ ràng để tránh tiêu cực. Theo ông, bất cứ một chính sách nào, dù chuẩn chỉnh tới đâu nhưng nếu người thực hiện cố tình “lách”, làm sai thì đều xảy ra tiêu cực. Vị cựu Giám đốc Đại học Quốc gia nhìn nhận một cách khá đa chiều rằng, năm nào tỉ lệ thi tốt nghiệp cũng đạt hơn 95%, thậm chí có năm lên tới 98%, vậy tại sao chúng ta bắt tất cả học sinh phải thi?

Nhiều phụ huynh học sinh mong muốn được gặp Bộ trưởng.

“Theo tôi, không chỉ 20% mà có thể tới 50% học sinh khá giỏi được miễn thi. Tuy nhiên, dư luận xã hội rất lo ngại chuyện miễn thi sẽ xảy ra tiêu cực. Có những em học không tốt nhưng “chạy” để được miễn thi. Vì thế, bộ GD&ĐT phải đưa ra những tiêu chí, quy định chuẩn để lấy đó làm căn cứ. Bên cạnh đó, chính các em học sinh và phụ huynh trong trường cần nâng cao tính chủ động. Mọi người có thể so sánh, thậm chí khiếu nại với những trường hợp không xứng đáng được phép miễn thi để đấu tranh cho quyền lợi của mình. Điều này tạo nên sự giám sát gắt gao khiến nhà trường và giáo viên không thể làm ẩu, thiên vị”.

Còn TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) thì không đồng tình với quy định miễn thi 20%. Theo TS. Lâm, làm như vậy là không công bằng, thay vào đó bộ GD&ĐT hãy trả xét tốt nghiệp cho các trường theo định mức, theo tiêu chuẩn của Bộ, để vai trò các trường được chủ động hơn. Nếu các trường được chủ động mới có thể đánh giá đúng học trò, từ đó học sinh buộc phải học toàn diện, buộc phải rèn luyện toàn diện.

Chị Nguyễn Hương Trà (Đống Đa, Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo ngại việc miễn thi sẽ là một mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực phát triển. Chị cho biết, sẽ hỏi kỹ điều này, nếu có cơ hội được gặp Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trong ngày ông tiếp dân.

Đừng để việc tiếp dân... nhạt dần

Một trong những nỗ lực của Tư lệnh ngành giáo dục được dư luận xã hội quan tâm là việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ tiếp công dân ít nhất mỗi tháng một ngày (ngày 25) tại trụ sở Bộ ở Hà Nội và cơ quan đại diện của Bộ tại TP.HCM. Dư luận xã hội hết sức quan tâm, bởi đây là trường hợp xưa nay hiếm.

Một độc giả của báo Nguoiduatin.vn đến tòa soạn để phản ánh những bức xúc của mình về sự việc nghi có sự trù úm học sinh vì không đi học thêm ở một trường THCS điểm thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội. Khi biết thông tin Bộ trưởng sẽ trực tiếp gặp dân vào ngày 25 hàng tháng, chị đã vô cùng vui mừng. “Tôi cảm thấy rất mừng trước động thái này của bộ GD&ĐT. Nó thể hiện nỗ lực và dũng cảm của Bộ trong việc giải quyết những khúc mắc, tồn đọng của ngành giáo dục. Là một phụ huynh, tôi có rất nhiều câu hỏi từ lâu đã gói ghém và mong muốn một ngày được Bộ trưởng giải đáp”, vị phụ huynh cho biết.

Phụ huynh này cho biết, những học sinh trong lớp không đi học thêm thì bị cô giáo không ưa, cho điểm thấp. Bên cạnh đó, cô lại thu tới 500.000 đồng/học sinh để làm kỷ yếu cuối năm cho lớp học. Từng người không đóng tiền đều bị cô gọi lên hỏi lý do. Trong lúc bực bội, cô cấm học sinh viết lưu bút... “Được gặp Bộ trưởng tôi sẽ phản ánh tình trạng này và mong Bộ trưởng sẽ có hướng giải quyết với tình trạng “ép ngầm” học sinh học thêm và chấn chỉnh về tình trạng lạm thu”, vị phụ huynh nói.

Còn phụ huynh Nguyễn Văn Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) thì cho biết: Không kể đến những sách tham khảo tràn lan trên thị trường , ngay chính trong hệ thống sách giáo khoa - nơi được coi là chuẩn chỉnh nhất cũng có những hạt “sạn” không thể chấp nhận. Sách giáo khoa môn Lịch sử 6, có dung lượng rất mỏng (chỉ 84 trang), song “sạn” cần phải nhặt thì lại khá nhiều. Sách đã viết: Đạo quân bộ của Mã Viện lẻn qua Quỷ Môn Quan (Tiên Yên - Quảng Ninh), xuống vùng Lục Đầu (trang 50). Lỗi sai này là nghiêm trọng vì Quỷ Môn Quan thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn”.

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Tiếp công dân là quy định đã có từ lâu, bây giờ Bộ trưởng bộ GD&ĐT thực hiện cũng là điều đáng hoan nghênh. Tôi kỳ vọng, từ những hoạt động này, bộ trưởng sẽ hiểu sát hơn những tâm tư nguyện vọng cũng như bức xúc của nhân dân về ngành. Từ đó giúp Bộ trưởng tìm được những giải pháp phát triển giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, Bộ trưởng rất bận, nên tôi không rõ việc này có thể duy trì được thường xuyên không, hay chỉ được một vài tháng rồi nhạt dần”.

Hiệu trưởng một trường THPT thuộc tỉnh Bắc Giang cũng cho hay: “Tôi rất kỳ vọng vào động thái mới này của bộ GD&ĐT, tuy nhiên tôi cũng mong rằng, sau khi nghe ý kiến của dân, Bộ trưởng không chỉ ngâm cứu mà cần đối thoại thẳng thắn với người dân. Vấn đề nào có thể giải quyết ngay thì làm, hoặc cho người dân một thời gian, phương hướng cụ thể. Nếu chỉ nghe mà không giải quyết thì sẽ làm dân thất vọng”.

Muốn vào nhà, không thể dùng xà beng đục tường

PGS.TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên thứ trưởng bộ GD&ĐT cho hay: “Giảm thi 20% cần phải thực hiện nghiêm túc. Nếu thực hiện được nghiêm túc, sẽ chẳng lo tiêu cực. Chuyện Bộ trưởng tiếp dân cũng vậy. Có khi, tôi cũng xin đăng ký với vai trò một người dân để gặp và hỏi Bộ trưởng những vấn đề đã phản ánh với báo chí nhưng chưa thấy “động đậy”. Tôi muốn biết về đề án đổi mới giáo dục sẽ đổi mới nội dung nào, đổi mới ra sao. Bởi giáo dục có nhiều vấn đề và ta phải tìm vấn đề mấu chốt ưu tiên làm trước. Cũng giống như mình muốn vào nhà thì không thể dùng xà beng đục tường để vào, vì vừa tốn sức mà không được việc. Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế này, đổi mới cũng là một bài toán để làm sao vừa tốn ít kinh phí mà chất lượng lại được đảm bảo”.

Thành Huế

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/doi-moi-cua-tu-lenh-nganh-giao-duc-co-tao-buoc-dot-pha-a122166.html