Đổi mới đào tạo nghệ thuật theo hướng liên ngành

Trên tinh thần giáo dục khai phóng, vấn đề đổi mới trong đào tạo nghệ thuật bắt đầu từ việc đề cao sự sáng tạo và tự do, xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây, hướng đến sự đồng điệu giữa triết lý nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Đây là những yếu tố cốt lõi của mô hình giáo dục đa ngành, liên ngành, nơi mỗi cá nhân được khuyến khích phát huy mọi khả năng của mình.

Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ tại sự kiện.

Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ tại sự kiện.

Sáng 15/5, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Lễ trao quyết định Bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và ra mắt chương trình đào tạo mới năm 2024.

Là đơn vị đào tạo các chương trình liên ngành, sáng tạo và nghệ thuật của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm nay, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật ra mắt, bắt đầu tuyển sinh thêm 1 chương trình đào tạo bậc sau đại học là công nghiệp văn hóa và sáng tạo; 2 chương trình đào tạo bậc đại học là kiến trúc và thiết kế cảnh quan, cùng nghệ thuật thị giác (với 2 chuyên ngành là nhiếp ảnh nghệ thuật, nghệ thuật tạo hình đương đại).

Phát biểu tại buổi lễ, PGS, TS Nguyễn Văn Hiệu, Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật cho biết: “Bất chấp những gián đoạn lịch sử, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật được ra đời và truyền cảm hứng từ Trường Mỹ thuật Đông Dương giữa bối cảnh khoa học, công nghệ và kinh tế sáng tạo trên đà phát triển. Căn cứ này là tiền đề để tạo nên những nội dung, mục tiêu và triết lý đào tạo mới trong hầu hết các chương trình đào tạo mà nhà trường đang triển khai, tiêu biểu là 3 chương trình mới ra mắt đợt này”.

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt và tuyển sinh 3 ngành đào tạo mới trong năm 2024.

Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội ra mắt và tuyển sinh 3 ngành đào tạo mới trong năm 2024.

Cụ thể, chương trình thạc sĩ công nghiệp văn hóa sáng tạo được định hướng sẽ là bệ phóng cho những nhà nghiên cứu, quản lý và phát triển văn hóa có kiến thức đa dạng, chuyên sâu. Đồng thời, sở hữu các kỹ năng ứng dụng thực tế, cập nhật, tạo ra những giá trị mới và huy động tốt sự tham gia của các bên liên quan.

Chương trình kiến trúc và thiết kế cảnh quan sẽ đào tạo các kiến trúc sư không chỉ giới hạn ở việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà còn có tinh thần khai phóng, hướng đến trách nhiệm đối với môi trường và xã hội.

Chương trình cử nhân nghệ thuật thị giác đào tạo các nghệ sĩ thị giác với năng lực đánh giá, phân tích những khả thể của các ngôn ngữ nghệ thuật mới nảy sinh trong hệ sinh thái nghệ thuật đương đại. Môi trường này cũng sẽ sản sinh ra những giám tuyển, nhà phê bình nghệ thuật, được rèn luyện và va chạm trong các dự án thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Trong khuôn khổ sự kiện, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật công bố quyết định bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở 5 tổ bộ môn cũ, nhà trường tổ chức lại thành 4 khoa, gồm: Khoa công nghiệp văn hóa và di sản; Khoa nghệ thuật và thiết kế; Khoa quản trị và kinh tế sáng tạo; Khoa kiến trúc đô thị và khoa học bền vững. Đội ngũ giảng viên của các khoa đều có trình độ cao, được đào tạo trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Tọa đàm “Giáo dục nghệ thuật theo hướng đa ngành và liên ngành, từ mô hình Đại học Đông Dương” được nhà trường tổ chức bên lề buổi lễ cũng cung cấp cái nhìn toàn cảnh về giáo dục nghệ thuật theo hướng đa ngành, liên ngành. Và tầm quan trọng của mô hình giáo dục này ở hiện tại, đặt trong kết nối với mô hình của Đại học Đông Dương.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-dao-tao-nghe-thuat-theo-huong-lien-nganh-post809402.html