Đổi mới giáo dục: Hành trình ươm mầm xanh, hé lộc biếc

GD&TĐ - Nhìn lại 5 năm vừa qua, cả xã hội cùng hàng triệu nhà giáo, học sinh, sinh viên hòa chung trong không khí đổi mới giáo dục: Thay đổi từ nhận thức, quyết liệt trong hành động và sức mạnh từ sự đồng lòng đã đem lại niềm tin, sức sống cho những mầm xanh đổi mới.

Xây nền móng cho đổi mới

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được công bố vào tháng 9/2013. Ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI với nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu CNH - HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, để có được Nghị quyết của Trung ương, trước đó một thời gian đủ dài, toàn ngành Giáo dục, từ người lãnh đạo cao nhất đến hàng triệu giáo viên, học sinh từ thành phố đến vùng sâu, vùng xa… đã bắt tay làm rất nhiều việc, tạo hình hài cho đổi mới.

Trong đó có thể nói đến việc áp dụng mô hình giáo dục mới theo hướng phát triển năng lực và hình thành phẩm chất người học như: Phương pháp “Bàn tay nặn bột”; Mô hình Trường học mới Việt Nam (VNEN) với định hướng lấy học sinh làm trung tâm; Chương trình tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục; Mô hình trường học gắn kết với sản xuất, kinh doanh tại địa phương giúp gắn kết nhà trường, gia đình và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục, đồng thời góp phần phân luồng học sinh sau THCS.

Ngành Giáo dục cũng thực hiện thay đổi cách dạy, cách học và cách kiểm tra đánh giá ở tiểu học; giao quyền chủ động và hướng dẫn nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch dạy học và thực hiện chương trình giáo dục một cách linh hoạt, gắn với các di sản văn hóa, lịch sử và thực tiễn địa phương; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống; tiếp tục tổ chức Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học (VSEF)...

Đặc biệt, việc triển khai không chỉ ở những nơi có điều kiện thuận lợi, các thành phố lớn mà ngay cả các vùng rất khó khăn và kết quả đều rất tốt. Quá trình thực nghiệm đó chính là cơ sở vững chắc để ngành Giáo dục đề xuất với Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Triển khai quyết liệt đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Tháng 9/2013, sau thời gian dài chuẩn bị và xin ý kiến, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được công bố. GS Hoàng Tụy khẳng định: “Tôi đồng ý với nhận xét của một số thức giả lâu nay thường quan tâm tới giáo dục: Đây là Đề án đổi mới giáo dục tốt nhất từ trước đến nay”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận luôn nhấn mạnh: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa kế thừa, củng cố, phát huy các thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc; đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tế đất nước, địa phương. Những hạn chế, thách thức của giáo dục phải được nhận thức sâu sắc, có giải pháp hữu hiệu và lộ trình khắc phục, vượt qua để đưa sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới.

Trong nhiều lần quán triệt Nghị quyết 29 tại cơ sở, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đều phân tích những khó khăn, trở ngại, nhưng cũng đồng thời khẳng định phải triển khai quyết liệt công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Một ví dụ sinh động thường được người đứng đầu Ngành chia sẻ: Giáo dục đào tạo như một đoàn tàu khổng lồ mà hành khách là hơn 20 triệu học sinh - sinh viên, hơn 2 triệu thầy, cô giáo, nếu lái không khéo mà tăng tốc đột ngột hay vào cua gấp là dễ xảy ra tai nạn. Để đổi mới cả đoàn tàu đang chuyển động không thể dừng riêng toa tàu nào. Đổi mới phải từ thầy, cô giáo, nhà trường, được bổ sung liên tục, từ từ, không được tạo sốc, tạo phản ứng trái chiều trong xã hội...

Công cuộc đổi mới lần này cần phải nhận được sự tin tưởng, niềm tin từ mọi phía, sự kiên định từ những cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên. Bộ trưởng khẳng định: Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức trước mắt, nhưng nếu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức được đúng và đầy đủ tinh thần của công cuộc đổi mới, chúng ta sẽ thành công.

Cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện từ đổi mới Chương trình, SGK

Ngày 28/11/2014, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Là đơn vị chủ trì thực hiện Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết đã tìm hiểu khoảng 40 chương trình các nước để tham khảo những tinh hoa của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, đánh giá lại một cách nghiêm túc chương trình và nội dung giáo dục hiện nay…

Theo đó, Chương trình, sách giáo khoa mới sẽ lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự học của học sinh; tăng cường tương tác trong dạy và học giữa thầy với trò, trò với trò và giữa các thầy cô giáo. Các cấp học sẽ có một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Nhà trường, giáo viên sẽ lựa chọn những bộ sách phù hợp.

Tháng 8/2015, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố lấy ý kiến nhân dân. Nhìn chung, các ý kiến đều cơ bản nhất trí với nội dung Dự thảo và cho rằng Dự thảo đã quán triệt các quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Chương trình tổng thể đã kế thừa và phát huy những ưu điểm của Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, đồng thời tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển.

Chương trình mới được xây dựng theo hướng chuyển từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; đã cụ thể hóa mục tiêu giáo dục toàn diện và hài hòa Đức –Trí - Thể - Mỹ thành mục tiêu của từng cấp học và nêu được những biểu hiện chủ yếu về phẩm chất và năng lực cần có ở học sinh từng cấp học... Sau khi Hội đồng quốc gia thẩm định, Chương trình tổng thể sẽ được phê duyệt làm cơ sở xây dựng chương trình môn học.

Thành công từ kỳ thi đổi mới

Chọn thi cử là khâu đột phá trong đổi mới giáo dục, ngành Giáo dục quyết định tổ chức kỳ thi “hai trong một” với kết quả thi được sử dụng vào hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh.

Kỳ thi có nhiều thay đổi có lợi cho thí sinh và gia đình như: Giảm áp lực, giảm tốn kém, chỉ phải thi một đợt duy nhất, khoảng cách đến điểm thi gần hơn khi 38 cụm thi quốc gia và 61 cụm thi tỉnh được tổ chức...

Ngay khi quyết định Kỳ thi THPT quốc gia 2015 được công bố, GS Hoàng Tụy đã ngay lập tức có lời động viên: “Xin chúc mừng Bộ GD&ĐT đã đạt được quyết định sáng suốt về một kỳ thi duy nhất từ năm 2015 trở đi. Theo tôi, đây là một thắng lợi không nhỏ trên con đường cải cách giáo dục”.

Kỳ thi THPT quốc gia 2015 diễn ra thành công. Chính phủ đã họp và đánh giá cao nỗ lực cố gắng quyết tâm đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương về giáo dục.

Trong đó, nêu rõ việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua có nhiều kết quả đáng được ghi nhận, khắc phục được nhiều vấn đề tồn tại từ trước, hạn chế được chi phí xã hội đáng kể, giảm bớt các phiền hà.

Sau khi kỳ thi hoàn tất, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả kỳ thi, nghe ý kiến để hoàn thiện phương án thi THPT quốc gia năm 2016.

Nền giáo dục đã có những chuyển biến tích cực

Nhìn lại sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, ngày 5/11/2015, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2011 - 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định:

“Nền giáo dục đã có những bước phát triển tích cực, nhất là những kết quả đạt được trong đổi mới chương trình giáo dục của các cấp học và trình độ đào tạo; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực của học sinh; đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính và tăng cường cơ sở vật chất cho giáo dục…”.

Cùng đó, giáo dục mũi nhọn và đại trà có sự khởi sắc rõ nét. Từ năm 2011 - 2015, các đội tuyển học sinh quốc gia của Việt Nam liên tiếp đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế, thành tích năm sau cao hơn năm trước.

Đã xuất hiện nhiều học sinh giỏi quốc gia, quốc tế ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 2015 được đánh giá là năm có kết quả cao nhất về thành tích thi Olympic khu vực và quốc tế so với các năm trước đây chúng ta tham dự: 7 đoàn học sinh tham dự đoạt 12 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc, 6 Huy chương Đồng và 3 Bằng khen. Học sinh Việt Nam cũng ghi dấu ấn tại các cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế.

Đặc biệt là thành tích của học sinh Việt Nam tại chương trình đánh giá của Chương trình đánh giá năng lực học sinh quốc tế (PISA): Năm 2012, học sinh Việt Nam xếp thứ 17 về môn Toán, thứ 8 về môn Khoa học, thứ 19 về kỹ năng đọc trong số 65 quốc gia tham dự.

Tháng 5/2015, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế công bố bảng xếp hạng, trong đó học sinh Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên nhiều nước phát triển. Từ thành công này, chuyên gia thế giới nhận định: Giáo dục Việt Nam là ngọn lửa cho sự hy vọng!

Nhìn lại 5 năm qua, ngành Giáo dục đã hoàn thành phần lớn nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội. Một số nhiệm vụ là công việc lâu dài, nhưng đã có chuyển biến như xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý dạy thêm, học thêm.

Việc phát triển trường chuyên, tổ chức thi THPT quốc gia, đánh giá học sinh tiểu học có chuyển biến tích cực. Đổi mới Chương trình, sách giáo khoa cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo tiến độ...

Sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua luôn bắt đầu từ sự đổi mới nhận thức. Bên cạnh việc giữ lại những nề nếp tốt đẹp, ta cũng phải mạnh dạn đổi mới những điều không phù hợp.

Lãnh đạo ngành Giáo dục luôn nghiêm túc, thận trọng, thực sự cầu thị lắng nghe ý kiến đóng góp từ nhiều phía, có trách nhiệm khi đưa ra quyết định, không chỉ với sự nghiệp chung mà còn với từng học sinh trên cơ sở thảo luận những góp ý, cân nhắc nhiều khía cạnh để tạo ra sự đồng thuận trong những công việc ngành Giáo dục đã và đang làm.

Công việc mà ngành Giáo dục đang triển khai khó khăn nhất là thói quen cũ liên quan đến nhận thức và tư duy, trước hết là của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, sinh viên và xã hội.

Thời gian qua, toàn xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh, sinh viên đã có nhiều thay đổi về tư duy, nhận thức và cách tiếp cận với giáo dục.

Cả xã hội quan tâm đến đổi mới, cùng chung không khí đổi mới, tham dự tích cực vào đổi mới giáo dục. Nhiều người dân, phụ huynh gửi email đến Bộ trưởng phản ánh những điều họ cảm nhận, những đề xuất, kiến giải cho ngành hoặc đưa ra những góp ý chân tình…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-giao-duc-hanh-trinh-uom-mam-xanh-he-loc-biec-1621198-bt.html