Đổi mới hình thức tổ chức lễ tri ân và trưởng thành

Sở GD&ĐT An Giang xây dựng hướng dẫn thực hiện đổi mới hình thức tổ chức lễ tri ân và trưởng thành, lễ ra trường.

Theo đó, lễ tri ân và trưởng thành dành cho học sinh lớp cuối cấp THPT; lễ ra trường dành cho học sinh lớp cuối bậc mầm non, cấp tiểu học và THCS. Tùy vào điều kiện của từng đơn vị có thể tổ chức có cả sự tham gia của học sinh ở các khối lớp, còn lại nhằm tạo sức lan tỏa trong công tác giáo dục.

Vận dụng hình thức tổ chức từ các mô hình điểm hoạt động ngoại khóa do Sở GD&ĐT triển khai, chỉ đạo thực hiện tại một số đơn vị (từ năm học 2014 - 2015 đến nay), như mô hình điểm giáo dục môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nước sạch - vệ sinh môi trường; ngày hội gia đình yêu thương...;

Đặc biệt, lồng ghép tổ chức lễ tri ân và trưởng thành, lễ ra trường vào ngày hội gia đình yêu thương thành một hoạt động, đảm bảo vừa có phần “Lễ” vừa có phần “Hội” sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Mọi nội dung trong Lễ phải được tổ chức trang trọng, hướng đến học sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo hạn chế các hoạt động hành chính, báo cáo thành tích, ý kiến chỉ đạo của đơn vị; tập trung tổ chức các hoạt động thực tế, có ý nghĩa, có sự tham gia của cả học sinh, phụ huynh và giáo viên (phần “Hội”); tạo nên những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng, đầy cảm xúc cho người tham dự; phần “Hội” được tổ chức trước hoặc sau phần “Lễ”.

Thông báo cho học sinh việc viết thư cho ông, bà, cha mẹ, thầy, cô hoặc những người có công ơn nuôi dưỡng, chăm sóc các em trước ngày tổ chức Lễ ít nhất 3 tuần.

Tạo điều kiện cho học sinh tự thực hiện video clip về kỷ niệm của tập thể lớp, có sự kiểm duyệt nội dung, hình ảnh của giáo viên chủ nhiệm, có thể sử dụng trình chiếu cho học sinh xem trước giờ vào Lễ.

Lựa chọn và tập dượt kỹ các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm, hoạt cảnh phục vụ trong Lễ. Thiết kế góc triển lãm hình ảnh của trường, lớp có kèm các thông điệp truyền thông về tình cảm gia đình, danh ngôn về cuộc sống, tình bạn để người xem nhìn lại những khoảnh khắc đẹp của các em học sinh, nghiên cứu thêm về “nghệ thuật sắp đặt” để có những góc triển lãm phong phú, sinh động, bắt mắt, tạo cảm xúc cho người xem (có thể tổ chức hội thi nhỏ về nội dung này).

Thiết kế các hoạt động giao lưu, trò chơi dân gian, trò chơi vận động đảm bảo có sự tham gia của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh...

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/doi-moi-hinh-thuc-to-chuc-le-tri-an-va-truong-thanh-2422755-v.html