Đổi mới phương án tuyển sinh 2017: Thí sinh có nên lo lắng?

“Phương thức tuyển sinh 2017 ứng dụng khảo thí hiện đại và CNTT, tránh được tính chủ quan người chấm và khắc phục tối đa hạn chế của người chấm, vừa giám sát khách quan lại vừa kiểm tra và đảm bảo tiến độ”, GS Sái Công Hồng cho hay.

Sáng 8/9, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Phương án tuyển sinh 2017” với sự tham gia của: Ông Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; Bà Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng THCS, THPT Nguyễn Tất Thành; TS. Sái Công Hồng – Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội.

Vừa qua, trong dự thảo tuyển sinh 2017 báo cáo Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã đưa ra phương án mở rộng việc đánh giá toàn diện học sinh bằng việc áp dụng công nghệ thông tin để ra đề trắc nghiệm tổng hợp kiểm tra kiến thức bao quát.

Tất cả chỉ còn 5 bài thi: Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Trừ văn là vẫn thi bằng hình thức tự luận, còn tất cả các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Điều này đã gây ra không ít băn khoăn, lo lắng cho thí sinh cũng như phụ huynh. Qua buổi tọa đàm trực tuyến, các vị khách mời đã giải đáp những thắc mắc ấy.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao phải xây dựng phương án tuyển sinh 2017?, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay: "Năm 2015 là năm đầu tiên chúng ta áp dụng và tổ chức thi THPT quốc gia tại 38 cụm thi trong cả nước và đạt được những thành công nhất định. Năm 2016 chúng ta tiếp tục tổ chức thi tại tất cả các tỉnh thành và được đánh giá là kỳ thi thành công.

Tuy nhiên, kỳ thi 2016 còn một số bất cập tồn tại như: Tổ chức 2 cụm thi với số lượng ngày thi quá nhiều: 4 ngày 8 môn, gây mệt mỏi. Đề thi chưa thực sự đảm bảo khách quan. Công tác chấm thi cũng chưa tốt nên cần tiếp tục cải thiện để có một kỳ thi nghiêm túc, độ tin cậy cao".

Về vấn nạn thí sinh ảo, để khắc phục tình trạng này trong 2 năm vừa qua, PGS.TS Đỗ Văn Dũng đồng ý với ý kiến, nhiều trường còn vất vả bởi thí sinh ảo: "Các trường ĐH muốn chống ảo phải coi thí sinh là khách hàng, phải làm tốt công tác truyền thông, phân tích dữ liệu trong phạm vi của mình, đảm bảo chất lượng để khi ra trường các em có việc làm.

Nói về những đổi mới trong kỳ thi sắp tới năm 2017, GS. Sái Công Hồng phân tích: "Có thể thấy, xu thế của thế giới hiện nay có thiên hướng đánh giá năng lực, dịch chuyển môn thi sang bài thi tổ hợp để giảm hướng học lệch, học tủ của học sinh.

Trước kia chúng ta tổ chức thi từ 4 môn xuống 6 môn rồi lại quay về 4 môn nên học sinh học lệch cao. Trong phương án Bộ đề xuất cho năm 2017 chúng ta thi trong 2 ngày rất nhẹ nhàng, thời lượng thi hình thức trắc nghiệm chỉ 90 phút. Ngoài ra, chúng ta áp dụng được lý thuyết khảo thí hiện đại với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).

Đối với thi ứng dụng khảo thí hiện đại và CNTT chúng ta tránh được tính chủ quan người chấm và khắc phục tối đa hạn chế của người chấm, vừa giám sát khách quan lại vừa kiểm tra và đảm bảo tiến độ".

Trấn an thí sinh thi năm tới, về những thay đổi liên tục của tuyển sinh, thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: "Kỳ thi không thể thay đổi trong hết một năm mà chúng ta phải thực hiện từng bước, có lộ trình. Chúng ta đã chuẩn bị cho sự thay đổi trong 3 năm nay và rất chủ động. Chúng ta có thông báo cụ thể với thí sinh như 2015 dùng tổ hợp xét tuyển truyền thống với 60% xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Năm 2015 còn 50% và năm 2017 chỉ còn 25%. Bộ có những bước đi để thực hiện lộ trình phù hợp".

Hoàng Thanh

?

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/doi-moi-phuong-an-tuyen-sinh-2017-thi-sinh-co-nen-lo-lang-post208469.info