Đổi mới tư duy phát triển công nghiệp quốc gia

Sáng nay (10/3), Hội thảo quốc tế Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035 đã diễn ra tại Hà Nội.

Cần thay đổi lớn về tư duy, tôn trọng quy luật của cơ chế thị trường, thống nhất ban hành một chính sách công nghiệp tổng thể, khả thi và dài hạn là yêu cầu của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tại cuộc hội thảo về đề án về chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được tổ chức sáng nay (10/3) tại Hà Nội. Đây được đánh giá là vấn đề then chốt nhằm sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hội thảo quốc tế chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035.

5 trụ cột phát triển công nghiệp quốc gia sẽ được xây dựng gồm:

- Tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, ổn định và minh bạch;

- Nguồn nhân lực công nghiệp có chất lượng cao;

- Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học và công nghệ;

- Đổi mới, lấy khu vực tư nhân là một động lực quan trọng;

- Đa dạng hóa nguồn lực tài chính, phát triển hạ tầng công nghiệp.

Đây cũng chính là nội dung xuyên suốt trong đề án phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2025. Theo các nhà phân tích, đó sẽ là đường hướng để Việt Nam xây dựng những chính sách tập trung hơn, cụ thể hơn cho phát triển công nghiệp và đặc biệt là sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp cũng như tăng năng suất lao động. Đây cũng là ý kiến đóng góp của nhiều giáo sư, chuyên gia kinh tế đến từ nhiều trường đại học quốc tế.

Không chỉ là năng suất, một vấn đề cũng được nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm tại hội thảo đó là xây dựng nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng cho phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, để làm được điều này cần thay đổi trong công tác đào tạo, tức là học đi đôi với hành, gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp.

Không thể phát triển công nghiệp theo kiểu nhiều mũi nhọn mà cần định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng khi định hướng rõ ràng sẽ tập trung xây dựng cơ chế ưu tiên cho những ngành được quy hoạch có lợi thế, tránh trường hợp ưu tiên giàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm.

Cũng tại hội thảo, nhiều kinh nghiệm phát triển công nghiệp được đưa ra bàn thảo như kinh nghiệm phân bố nguồn lực hợp lý ở Nhật Bản, nâng mức hỗ trợ cho khoa học công nghệ của Trung Quốc, hay dựa vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để phát triển công nghiệp ở Đài Loan.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Đề án phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2025 phải tạo lập môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động. Đây sẽ chính là vấn đề quan trọng nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng công nghiệp vài năm gần đây tuy có tăng chút ít nhưng lại giảm so với giai đoạn cách đây 10 năm. Hiện công nghệ trong công nghiệp của Việt Nam vẫn chậm hơn so với các nước từ 2 đến 3 thế hệ.

Theo VTV

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/doi-moi-tu-duy-phat-trien-cong-nghiep-quoc-gia-142354/