Đối ngoại bất nhất, Mỹ lún sâu thêm vào khủng hoảng Triều Tiên

Theo các chuyên gia, Mỹ thiếu chính sách nhất quán với nhiều vấn đề nhưng thông điệp mâu thuẫn trong vấn đề Triều Tiên rất nguy hiểm bởi nguy cơ tính toán sai lầm quá cao.

Các quan chức cấp cao chính phủ Mỹ hôm 9/8 gửi đi những thông điệp bất nhất về Triều Tiên sau khi Tổng thống Trump làm choáng váng cả đối thủ lẫn đồng minh với lời đe dọa trút "hỏa lực và cuồng nộ" lên Bình Nhưỡng, dấu hiệu một lần nữa cho thấy dấu hiệu của chia rẽ sâu sắc tại thượng tầng chính trị Mỹ.

Các cố vấn của tổng thống nhanh chóng giải thích lời cảnh báo dữ dội của ông Trump bằng những phát ngôn khác biệt, nếu không nói là hoàn toàn đối lập nhau.

Đối nhau chan chát

Ngoại trưởng Rex Tillerson đã phải đóng vai trò người hạ nhiệt, khi khẳng định với báo giới rằng ông không thấy có lý do gì để chiến tranh nổ ra vào thời điểm hiện tại. Ông kêu gọi Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.

"Tôi nghĩ người Mỹ có thể kê cao gối mà ngủ ngon và không phải lo lắng về tuyên bố (của Tổng thống Trump) vài ngày trước", ông Tillerson phát biểu sau khi trở về từ chuyến công tác tại châu Á.

"Tổng thống Trump đơn giản là gửi thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên bằng thứ ngôn ngữ duy nhất mà Kim Jong Un hiểu bởi Kim dường như không hiểu được ngôn ngữ ngoại giao", ông Tillerson bình luận.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis phát ra thông điệp khác, dù không khoa trương như ông chủ Nhà Trắng, nhưng để ngỏ khả năng trả đũa khốc liệt nhằm vào Bình Nhưỡng. Ông cảnh báo Triều Tiên đang đánh bạc với "sinh mệnh của đất nước và tính mạng của người dân" nếu không chịu "lùi bước".

Ngoại trưởng Rex Tillerson(phải) và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ảnh: Getty.

"Cần lưu ý rằng các lực lượng đồng minh sở hữu năng lực phòng thủ cũng như tấn công mạnh mẽ, chính xác và kỹ càng nhất thế giới", ông Mattis tuyên bố. "Quân đội Triều Tiên sẽ bị đè bẹp và thất bại hoàn toàn trong bất cứ cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột nào mà họ khơi mào".

Nhà Trắng cũng gửi những thông điệp mâu thuẫn về việc liệu chính quyền Mỹ có đàm phán trực tiếp với chính phủ Bắc Triều Tiên hay không.

Phó tổng thống Mike Pence bác bỏ khả năng này. Trong khi Ngoại trưởng Tillerson nói đàm phán trực tiếp có thể diễn ra với điều kiện Triều Tiên thể hiện thiện chí qua việc dừng các vụ thử tên lửa. Ông không nói rõ Bình Nhưỡng phải ngừng thử tên lửa trong bao lâu.

Chính sách bất nhất quá nguy hiểm với vấn đề Triều Tiên

Lời đe dọa về "hỏa lực và cuồng nộ" của ông Trump đã không nhận được sự cố vấn từ cả Ngoại trưởng Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mattis. Những phát ngôn mâu thuẫn sau đó của hai quan chức hàng đầu này một lần nữa phản ánh cuộc đấu đá nội bộ bên trong chính quyền Trump.

Trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định quan điểm của chính quyền là thống nhất, các nhà phân tích nhận định có sự thiếu nhất quán trong các thông điệp được đưa ra.

"Tôi nghĩ họ thiếu một chính sách nhất quán", Ellen L. Frost, chuyên gia chính trị châu Á từ tổ chức nghiên cứu East - West Center trụ sở tại Hawaii, cho biết. "Tôi thậm chí còn không chắc là ông Trump quan tâm tới việc cần phải có chính sách thống nhất đối với bất cứ vấn đề nào".

"Rõ ràng là Washington không có một chiến lược truyền thông phối hợp chặt chẽ về vấn đề Triều Tiên", Evan Mederios, cố vấn các vấn đề Châu Á cho cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết.

Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis trong cuộc họp nội các ngày 12/6. Ảnh: Reuters. 

Tuy nhiên, một số người chỉ coi các bình luận của ông Trump là một kiểu khoa trương quen thuộc mà tổng thống từng áp dụng, không những với đối thủ mà cả các đồng minh như Đức, Canada và Mexico. Khác biệt ở chỗ Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Thủ tướng Canada Justin Trudeau chắc chắn không đáp trả bằng lời đe dọa phóng tên lửa vào Guam như cách mà Triều Tiên đã đáp trả ông Trump.

"Điều này diễn ra ngày càng nhiều trong mọi vấn đề mà Washington phải đối phó, nhưng không thể gửi đi những thông điệp bất nhất như vậy trong vấn đề Triều Tiên, bởi vì nguy cơ tính toán sai lầm là quá cao", Mederios nhận định.

Ông Frost thì nhận định những phát ngôn "quá khích" của tổng thống chỉ là chiêu thể hiện vị thế chính trị mà cuối cùng lại khiến cho ông Tillerson và Mattis phải đi sau diễn giải.

Không thể gửi đi những thông điệp bất nhất như vậy trong vấn đề Triều Tiên, bởi vì nguy cơ tính toán sai lầm là quá cao

Evan Medrios

Dù đang trong kỳ nghỉ 17 ngày tại câu lạc bộ golf ở New Jersey, ông Trump vẫn gây chú ý bằng cách lên Twitter dẫn lại bản tin về lời đe dọa của mình, và khoe khoang rằng ông đã ra lệnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

"Hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ phải dùng tới sức mạnh này", ông viết. "Nhưng chúng ta sẽ luôn có  lực lượng hạt nhân mạnh nhất thế giới".

Những lời đao to búa lớn của ông Trump gây quan ngại cho không chỉ các đối thủ như Nga và Trung Quốc, mà cả các đồng minh thân cận như Hàn Quốc và Nhật Bản. Các chuyên gia e ngại cuộc khẩu chiến, nếu vượt ngoài tầm kiểm soát, sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thực sự.

Canh bạc khổng lồ

Đáp trả lời đe dọa của Tổng thống Trump, Triều Tiên cảnh báo sẽ biến nước Mỹ thành "sân khấu trình diễn chiến tranh hạt nhân", và bất kỳ cuộc tấn công nào của Washington nhằm vào các mục tiêu tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng đều sẽ bị đáp trả "tàn nhẫn".

Trong một tuyên bố, Triều Tiên cho biết quân đội nước này đang hoàn tất kế hoạch phóng 4 tên lửa tầm trung tới khu vực gần đảo Guam, nơi đặt căn cứ quân sự chiến lược của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, nhằm biến nơi đây thành "biển lửa".

Cuộc đấu khẩu ngày càng gay gắt đẩy Washington vào thế khó trong việc giải quyết bế tắc đã đeo bám nước Mỹ suốt 3 đời tổng thống và càng đáng quan ngại hơn sau khi Triều Tiên thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Một số chuyên gia cho rằng ông Trump đưa ra những lời đe dọa như vậy nhằm thúc đẩy Trung Quốc nỗ lực hơn trong việc ngăn chặn chiến tranh, song cũng có thể khiến Bắc Kinh phật lòng và những sự nhượng bộ mới đây từ Trung Quốc sẽ biến mất.

Các chuyên gia đánh giá những lời đe dọa của Tổng thống Trump sẽ chỉ khiến Triều Tiên cứng rắn hơn và không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. Ảnh: Reuters.

Dưới sự kêu gọi của Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết trừng phạt mới nhắm vào Triều Tiên với sự đồng thuận tuyệt đối. Mặc dù Nga và Trung Quốc ủng hộ nghị quyết, không ai biết họ sẽ thực thi lệnh trừng phạt sát sao đến mức nào.

Cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Alexander Vershow đánh giá đe dọa quân sự sẽ chỉ càng khiến Triều Tiên thêm cứng rắn, và càng khó khiến Trung Quốc tiếp tục ủng hộ nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

"Nếu phi hạt nhân hóa vẫn là mục tiêu, thì cách duy nhất để đạt mục tiêu đó là thông qua sức ép tăng cường của Trung Quốc", ông Vershbow nói. "Bởi vì không có lựa chọn quân sự nào khả thi, phương án hành động duy nhất là chiến lược ngăn chặn và răn đe dài hạn".

Theo ông, như vậy có nghĩa là phải chấp nhận cái điều không thể chấp nhận: Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân. Cho đến nay thì Tổng thống Trump vẫn tỏ rõ ông không chấp nhận điều này.

Tillerson ngày 9/8 nhấn mạnh ông đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp ngoại giao, cho biết chiến lược tăng cường sức ép ngoại giao và kinh tế lên Bình Nhưỡng của ông đang phát huy tác dụng.

"Tôi nghĩ trên thực tế thì sức ép đó đang bắt đầu hiệu quả. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao những phát ngôn từ Bình Nhưỡng ngày càng lớn tiếng và đe dọa hơn", ông nói.

Tuy nhiên, chuyên gia Medeiros nghi ngờ những lời cảnh báo của ông Trump kết hợp với lệnh trừng phạt có thể đưa Bình Nhưỡng quay lại bài đàm phán.

"Đó là câu hỏi chiến lược lớn. Trump tính toán rằng điều đó là có thể. Nhưng đây là canh bạc khổng lồ. Tôi không chắc là Trung Quốc có ủng hộ điều này hay không", ông đánh giá.

Duy Anh - Ngụy An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doi-ngoai-bat-nhat-my-lun-sau-them-vao-khung-hoang-trieu-tien-post770447.html