Đối phó Trung Quốc, Mỹ có thể xây đảo nhân tạo ở Biển Đông

VietTimes -- Mỹ chắc chắn phải điều chỉnh định hướng chiến lược, bồi đắp đảo của riêng mình trên Biển Đông. Thực hiện một đòn chiến thuật quyết liệt như vậy là phản ứng mà Trung Quốc phải hiểu thông điệp. Sau tác động phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực, đây là thời điểm hoàn hảo để tiến hành chiến thuật này.

Tàu sân bay trọng tải 97.000 tấn USS George Washington đến thành phố cảng phía đông nam Hàn Quốc Busan

Phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế gia tăng áp lực lên Mỹ nhiều hơn lên Trung Quốc, Washington phải có những hành động kiên quyết tiếp theo để ủng hộ quyết định có tính khẳng định này của Tòa án The Hague.

Nếu Mỹ không hành động kiên quyết, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục làm suy yếu uy tín của Mỹ, phá hoại trật tự dựa trên luật pháp quốc tế mà Mỹ đáng tìm mọi cách để duy trì.

Phương án nào giúp Mỹ có thể hành động có hiệu quả? Trước hết cần phải hiểu rất sâu sắc chiến lược của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, một số nhà chiến lược cao cấp đã được mô tả những hành động xâm lấn chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là "chiến thuật cắt lát salami". Trên trang The Interpreter, cố vấn Derek Lundy hùng hồn giải thích chiến thuật này có nghĩa là gì. Cho đến hiện này, thuật ngữ "chiến thuật salami” được chấp nhận rộng rãi khi mô tả cách tiếp cận vấn đề của Trung Quốc trên Biển Đông.

Tuy nhiên, điều này rõ ràng gây tranh cái. Từ góc nhìn logic khách quan có thể thấy: Trung Quốc không sử dụng chiến thuật salami trong mọi động thái trên Biển Đông, mà là một chiến lược hoàn toàn khác. Nhận định này là thách thức sự nhất trí của cộng đồng và đòi hỏi sự giải thích thỏa đáng.

Từ những phân tích logic, có ba điều kiện tiên quyết thể hiện cho một chiến lược salami:

- Diễn ra tranh chấp lợi ích chiến lược giữa hai hoặc nhiều hơn các chủ thể đối lập

- Chủ thể gây hấn phải có hành động khiêu khích, được điều chỉnh dưới ngưỡng giới hạn chấp nhận được của các chủ thể đối lập.

- Sự lựa chọn giải pháp quân sự phải có hiệu quả, được giới hạn rõ ràng và không có sự leo thang tình huống đến mức nghiêm trọng.

Những tình huống sự cố diễn ra trên Biển Đông không có 3 điểm tiên quyết này.

Thứ nhất: Trung Quốc là quốc gia đưa ra những yêu sách về “đòi hỏi chủ quyền” ngang ngược trên hầu hết diện tích Biển Đông, Mỹ tuyên bố không có tranh chấp chủ quyền trên vùng nước này. Những mối quan tâm hàng đầu của Mỹ được đặt ra là quyền tự do “hàng hải” và tuân thủ các quy định của Luật pháp quốc tế. Không có bất cứ một “lát cắt” nào trong các tuyên bố này – Bắc Kinh tuyên bố có cái gọi là "chủ quyền không tranh cãi” trên toàn bộ Biển Đông và tiến hành những bước đi chiến lược để hiện thực hóa tuyên bố đó.

Khác với chủ đề đã được phân tích, chiến dịch phong tỏa Berlin thời Chiến tranh Lạnh, khu vực mà Liên Xô công khai tiến hành “cắt' một mảnh địa chính trị có ảnh hưởng. So sánh hành động này với những động thái trên Biển Đông rõ ràng là khá khác nhau. Một so sánh khác hiện nay là vấn đề quần đảo Senkaku. Washington tuyên bố rõ ràng cam kết liên minh với Nhật Bản bao gồm các quần đảo, do đó vấn đề các đảo đang tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư cũng đáp ứng tiêu chí hàng đầu này và nằm trong quyền bảo hộ của Mỹ.

Bãi cạn Cỏ Mây ( tiếng Philipine là Ayungin)

Tàu hải cảnh Trung Quốc trên khu vực bãi cạn Bãi Cỏ Mây, nơi có chiếc tàu đổ bộ cũ nát Sierra Madre’ cố thủ với 11 lính thủy đánh bộ của Philipines

Tàu đổ bộ Sierra Madre’

Với tiêu chí thứ hai, có khá ít bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tính toán cẩn thận và có giới hạn. Chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo cho thấy Trung Quốc không cần quan tâm đến việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào? Dường như Bắc Kinh tin tưởng rằng Washington sẽ nhường lại không gian chiến lược này. Đây không phải là lát cắt salami nhưng là một thách thức rõ ràng, giới hạn duy nhất ở đây là sự thách thức sức mạnh Mỹ, không phải sự phẫn nộ của người Mỹ.

Có rất nhiều ví dụ khác để so sánh. Hành động khiêu khích của Triều Tiên thường được cho là thiếu tính toán, nhưng các động thái được tiến hành rất cẩn trọng. Bình Nhưỡng tiến hành những hành động nhưng chỉ trong phạm vi lôi kéo được sự chú ý của thế giới, không đủ nghiêm trọng để gánh chịu một phản ứng quyết liệt có tính hủy diệt.

Cuối cùng là tiêu chí thứ 3, không giống như nhiều điểm nóng khác, lựa chọn giải pháp quân sự của Mỹ trên Biển Đông hầu như không có hạn chế. Từ những lý do nào đó, nếu Mỹ nhận thức chương trình bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc là nguy cơ đe dọa trực tiếp, Washington có thể tiến hành những biện pháp khiến những đảo nhân tạo này gặp khó khăn nghiêm trọng nếu đưa vào khai thác sử dụng. Hơn nữa, mục tiêu này có thể đạt được mà không cần phải tiến hành một cuộc xung đột mở rộng, mặc dù phản ứng của Trung Quốc sẽ là leo thang căng thẳng.

Ngược lại với Biển Đông là vấn đề Ukraine, ví dụ tốt nhất về chiến thuật salami. Mọi nỗ lực của NATO nhằm đẩy sự hiện diện quân sự của Nga khỏi Ukraina đòi hỏi một sự leo thang tình huống dẫn đến một cuộc xung đột, kéo theo một nguy cơ đe dọa bùng nổ chiến tranh và không có sự chắc chắn rằng mục tiêu cốt lõi có thể đạt được.

Trong khuôn khổ những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông có nhiều điểm khác biệt với khái niệm được công nhận "chiến thuật salami". Sử dụng khái niệm này sẽ dẫn đến việc tiến hành những chính sách đáp trả không hiệu quả. Từ đó cho thấy, nhận thức về chiến lược của Trung Quốc trong châu Á Thái Bình Dương cần xem xét lại.

Khu vực tranh chấp trên Biển Đông từ góc độ của Philipines

Có một nhận biết khá đơn giản về các chiến lược mà các cường quốc thường sử dụng, ngắn gọn như sau: Mỹ sử dụng chiến thuật poker, Nga sử dụng chiến thuật cờ vua và Trung Quốc – Chiến thuật cờ vây.

Chiến thuật Poker dựa trên những sự thật mơ hồ và thông tin không đầy đủ. Người Mỹ kết thúc kỷ nguyên hạt nhân một cách có lợi dựa trên chiến thuật này. Tại châu Âu, Mỹ thuyết phục Liên Xô rằng Washington có con át chủ bài trong túi (vũ khí hạt nhân) và sẽ làm tất cả để bảo vệ châu Âu. Tuyên bố có vẻ đáng tin cậy. Hơn tất cả, nguy cơ mất Tây Âu đặt ra một mối đe dọa hiện hữu, Mỹ có thể tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân nhằm ngăn chặn khả năng này. Để gửi đi một thông điệp, Mỹ giả vờ lên đạn với việc triển khai máy bay ném bom và các đơn vị tên lửa. Tình huống đặt cược quá cao và người Nga cuối cùng đã hạ bài.

Nhưng chiến thuật này không hiệu quả ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Thật khó để nhồi nhét một ý tưởng rằng quá trình mở rộng vùng “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông lại đặt ra một đe dọa hiện hữu với Mỹ, hành động răn đe ngoài khơi xa không giống như con át chủ bài.

Những hành động của Nga là chiến thuật cờ vua và chiến thuật salami là dành cho người chơi cờ vua. Đây là một trò chơi chặt chẽ mà người chơi chiếm được ưu thể dựa trên việc di chuyển các vị trí, mở rộng không gian hoạt động dưa trên những tổn thất của đối thủ.

Trên Biển Đông, Trung Quốc không chơi poker và cờ vua, họ đang chơi cờ vây. Phần lớn các tuyến biên giới đất liền của Trung Quốc đã được giải quyết và Bắc Kinh đang mở rộng biên giới lãnh thổ của mình bằng những đảo nhân tạo trên Biển Đông. Với mục tiêu phi đối xứng mà những hành động Trung Quốc hướng tới (lãnh thổ đạt được) và Mỹ (bảo toàn trật tự hiện có), phương pháp tiếp cận “phản ứng linh hoạt" của Washington có vẻ không hiệu quả.

Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc đang phong tỏa bằng lực lượng hải cảnh

Bãi cạn Scarborough

Bằng cách nào Mỹ có thể phản ứng hiệu quả với những hành động bá quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một cách tốt nhất mà không cần tới một cuộc chiến tranh giành quyền bá chủ?

Mỹ chắc chắn phải điều chỉnh định hướng chiến lược, bồi đắp đảo của riêng mình trên Biển Đông. Chiến thuật này có nhiều ưu điểm để thay thế với những định hướng hành động đang được thực hiện và cũng là lựa chọn duy nhất có khả năng có được hiệu quả lâu dài. Thực hiện một đòn chiến thuật quyết liệt như vậy là phản ứng duy nhất mà Trung Quốc phải hiểu.

Trong lớp sóng dồn dập đang lan tỏa từ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế, đây là thời điểm hoàn hảo để tiến hành chiến thuật này. Washington phải tiến hành hoạt động bồi đắp đảo trên danh nghĩa của Philippines, động thái được bảo trợ từ phía Mỹ cho thấy vấn đề Biển Đông được giải quyết theo luật pháp quốc tế.

Đảo Pag-asa thuộc nhóm đảo Kalayaan, nơi duy nhất có người sinh sống, có thể xây dựng và phát triển thành căn cứ, rất gần với đảo Đá Xu Bi

Đảo Thị Tứ có 150 người dân sinh sống

Chắc chắn rằng có nhiều người ủng hộ phương pháp tiếp cận đầu tiên trong khuôn khổ những tuyên bố về đảm bảo “tự do đường không, tự do hàng hải”. Nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Quốc tế đã giải quyết hoàn toàn vấn đề này và Mỹ phải có hành động mạnh mẽ tiếp theo

* Lược thuật bài viết trên trang của Viện Lowy của tác giả Crispin Rovere, đảng viên Đảng Lao động Úc và là cựu ủy viên Ủy ban Chính sách Quốc tế ACT ALP.

TTB

Viettimes.vn

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/quoc-phong/phan-tich/bien-dong-my-co-the-xay-dao-nhan-tao-doi-pho-trung-quoc-68874.html