Đời sống công nghệ khác thường ở Triều Tiên

Muốn sử dụng máy tính người dân phải đăng ký với cảnh sát, laptop bị bỏ cổng Internet, máy tính bảng không có Wi-Fi, Bluetooth... là những điểm khác biệt với thế giới ở Triều Tiên.

Internet không dành cho mọi người

Mạng Internet ở Triều Tiên được gọi là Kwangmyong (ngôi sao sáng). Nó được cung cấp miễn phí cho nhu cầu công cộng nhưng thực tế số lượng người sử dụng chỉ khoảng vài nghìn. Chỉ có công dân nước ngoài, chính phủ và một số người quan trọng mới có thể sử dụng mạng Internet có kết nối quốc tế. Internet tại quốc gia này cũng chỉ có duy nhất một nhà cung cấp dịch vụ ISP.

Cấm Facebook nhưng tạo ra một bản sao giống hệt

Từ 2014, các mạng xã hội như Facebook, Twitter đã bị chặn truy cập tại Triều Tiên với lý do được cho là nhằm ngăn chặn việc hình ảnh và thông tin từ quốc gia này được chia sẻ quá nhiều ra thế giới bên ngoài.

Sau khi chặn, tới đầu 2015, một mạng xã hội sao chép lại y nguyên giao diện cũng như các tính năng của Facebook đã xuất hiện tại đây với tên gọi Starcon. Nó cho phép người dùng đăng ký tài khoản thông qua thư điện tử, gửi tin nhắn lên tường của tài khoản bạn bè. Tuy nhiên, độ bảo mật của mạng xã hội này khá kém khi bị một sinh viên đánh sập chỉ ba ngày sau khi hoạt động chính thức.

Chỉ 1 trong 10 người Triều Tiên có smartphone

Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, một người có thể sở hữu tới vài chiếc di động khác nhau thì điện thoại thông minh ở Triều Tiên vẫn còn khá hiếm. Theo nhà mạng Koryolink, thị trường này mới chỉ có 3 triệu thuê bao điện thoại di động. Smartphone ở Triều Tiên cũng bị hạn chế nhiều tính năng cũng như khó được kết nối Internet. Quốc gia này cũng chỉ có hai nhà mạng điện thoại. Trong video, một nhóm khách du lịch tò mò về chiếc điện thoại được bán tại Triều Tiên với những ứng dụng dành riêng cho người dân nước này.

Điện thoại không thể liên lạc quốc tế

Không chỉ kém phổ biến, ngay cả việc sử dụng điện thoại hay smartphone để liên lạc ở Triều Tiên cũng nhiều hạn chế. Họ không thể thực hiện được các cuộc gọi quốc tế. Trong khi đó, ở các quốc gia khác, mọi người có thể mang điện thoại và sim khi đi nước ngoài để sử dụng nhờ tính năng chuyển vùng (Roaming). Theo trang Amnesty, một số người sống tại khu vực biên giới với Trung Quốc vẫn có thể liên lạc được với thế giới bên ngoài bằng cách sử dụng điện thoại và sim từ Trung Quốc. Nhưng đó được cho là hành động vi phạm pháp luật.

Máy tính dành cho người giàu, muốn dùng phải đăng ký

Cũng giống như Internet, máy tính cá nhân không phổ biến ở Triều Tiên và thường chỉ thấy ở các cơ quan, trường học. Người dân muốn dùng phải đăng ký máy tính với cảnh sát để sử dụng giống như đăng ký xe. Máy tính xách tay vẫn được bày bán ở cửa hàng điện tử tại đây, nhưng nó đặc biệt ở chỗ đã bị loại bỏ cổng mạng (LAN Port).

Hệ điều hành máy tính Triều Tiên là bản sao của Apple MacOS

Dù máy tính cá nhân bị hạn chế và không được nhiều người dùng, Triều Tiên vẫn tự mình phát triển một hệ điều hành riêng mang tên Red Star từ năm 2002. Sau những phiên bản đầu được tùy biến lại từ hệ điều hành Windows và ngôn ngữ sử dụng bằng tiếng Anh, phiên bản Red Star 3.0 đã sử dụng ngôn ngữ Triều Tiên.

Dù vậy, điểm khiến nó gây nhiều chú ý là được phát triển dựa trên Linux và có giao diện đồ họa giống hệt với hệ điều hành MacOS nổi tiếng của Apple. So với Windows hay Mac, Red Star bị hạn chế nhiều tính năng. Ứng dụng chủ yếu là soạn thảo văn bản, xem lịch, soạn nhạc và giải trí cơ bản. Hệ điều hành này còn có tính năng ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng USB để trao đổi phim, tài liệu và tin tức bất hợp pháp.

Máy tính bảng cấu hình thấp, không kết nối Wi-Fi, Bluetooth

Tablet cũng không phải là đồ hiếm ở Triều Tiên, thậm chí, họ tự phát triển và sản xuất ra sản phẩm của riêng mình. Nhưng mức giá của nó không hề rẻ so với người dân nếu so với cấu hình và tính năng mà nó đem lại, khoảng 250 - 300 USD. Ngoài việc bị hạn chế trong việc truy cập Internet, chúng có thể còn không được trang bị các kết nối thông dụng cần phải có như Wi-Fi và Bluetooth. Hệ điều hành cũng có thể là các phiên bản cũ kỹ như Android 4.2.

TV không hiếm nhưng người dân không được xem nhiều

Theo Barbara Kemick, tác giả của cuốn sách "Notthing to Envy" về các cuộc phỏng vấn với nhiều người từng rời bỏ Triều Tiên, TV ở Triều Tiên đều được thiết lập sẵn kênh truyền hình và cảnh sát có thể ghé thăm từng hộ gia đình để kiểm tra xem có tự ý điều chỉnh lại hay không. Cũng như Internet và máy tính, việc sử dụng TV có phần hạn chế. Dù vậy, video mới đây từ Jaka Parker, một nhiếp ảnh gia tự do người Indonesia, cho thấy truyền hình ở Triều Tiên vẫn phát cả giải bóng đá UEFA Champions League, nhưng chất lượng hình ảnh khá thấp, nhiễu rất nhiều.

Mỹ Anh

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/doi-song-cong-nghe-khac-thuong-o-trieu-tien-2676645.html