Đội tàu vỏ thép Quảng Nam xuất quân, thẳng tiến Hoàng Sa, Trường Sa

Sáng 6/2, tại cảng cá An Hòa, xã Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam), hàng chục tàu vỏ thép làm lễ xuất quân khai thác thủy hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ngư dân treo nhiều khẩu hiệu như: Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Buổi làm lễ có 22 tàu của ngư dân huyện Núi Thành...

An tâm tàu vỏ thép

Mới sáng sớm, hàng trăm ngư dân các xã vùng biển huyện Núi Thành, Quảng Nam đồng loạt lái tàu về cập cảng An Hòa, xã Tam Giang, làm lễ xuất quân đánh bắt hải sản và bám biển vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Trên những chiếc tàu ghi nhiều khẩu hiệu “Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam” hay “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”, khẳng định chủ quyền, khẳng định niềm tin mãnh liệt vào lãnh thổ quê hương và mong một năm thắng lợi mới trên bến cảng.

Đoàn tàu vỏ thép của ngư dân Quảng Nam xuất quân khai thác thủy sản trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Buổi làm lễ có 22 tàu của ngư dân huyện Núi Thành, trong đó 6 tàu vỏ gỗ và 16 tàu vỏ thép. Số tàu này được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Anh Dương Văn Hải (43 tuổi, xã Tam Giang) cho biết, trước đây anh sử dụng tàu vỏ gỗ khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ. Sau khi Nghị định 67 ra đời, anh bán tàu vỏ gỗ và được vay vốn đóng tàu vỏ thép hơn 18 tỷ đồng. Tàu mang số hiệu Qna 90848 với công suất trên 800 CV, hành nghề chụp mực.

Theo anh Hải, tàu vỏ thép có nhiều ưu điểm, tốc độ nhanh hơn, mỗi khi sóng gió, bão tố an toàn hơn tàu vỏ gỗ rất nhiều.


Ngư dân đưa lương thực, nhu yếu phẩm lên tàu chuẩn bị xuất quân.

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo, xã Tam Quang, chủ tàu Qna 91944 hành nghề lưới vây cũng chia sẻ, ông được nhà nước cho vay tiền đóng con tàu vỏ thép hơn 15 tỷ đồng. “Tàu vỏ thép máy móc hoàn toàn mới, di chuyển nhanh. Chuyến biển kéo được dài ngày hơn tàu vỏ gỗ”, ông Tạo tâm sự.

Hoàng Sa, Trường Sa thẳng tiến

Trong ngày xuất quân, nhiều tàu đến dự lấy hên. Những tàu đã chuẩn bị đầy đủ đã nhanh chóng rời bến trong buổi sáng. Ông Huỳnh Văn Khôi, xã Tam Giang, cho hay, ông được vay vốn 18 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép. Tháng 2/2016, ông ký hợp đồng với doanh nghiệp khởi công, cuối năm đã hoàn thành.

“Đây là chuyến biển đầu tiên, tôi cùng 10 thuyền viên thẳng tiến vùng biển Hoàng Sa đánh bắt, hi vọng vụ cá Bắc đầu năm thuyền tôi gặp nhiều may mắn”.


Ngư dân Anh Dương Văn Hải làm lễ cúng xuất quân, cầu mong các thuyền viên mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn trên biển.

Theo ông Khôi, ngoài việc đánh bắt hải sản đem về nguồn thu thì sự có mặt của ngư dân nhằm khẳng định chủ quyền biển đảo. “Gian khó đến mấy chúng tôi cũng tiếp tục bám biển, giữ vùng chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Có tàu vỏ thép, ngư dân yên tâm bám biển dài ngày, nó còn đem lại nguồn lợi hải sản đánh bắt lớn hơn tàu vỏ gỗ. Đồng thời được trang bị nhiều máy móc hiện đại như máy dò cá, máy định vị…”, ông Khôi cho biết.

Chia sẻ niềm vui có tàu vỏ thép, ngư dân Bùi Thế Cả, chủ tàu QNa 91045 TS phấn khởi nói, trước đi đánh bắt bằng tàu gỗ thì mã lực chỉ có 6-7 hải lý/giờ nhưng nay tàu vỏ thép di chuyển đến 10 hải lý/giờ và công suất của tàu mới này lên đến 822CV. “Chúng tôi được chính quyền tạo điều kiện để có thể đóng tàu mới vươn khơi bám biển. Ngư trường đánh bắt là biển Hoàng Sa, Trường Sa nên cần có một phương tiện chắc chắn để có thể yên tâm ở dài ngày trên biển”, ngư dân Cả nói.


Tàu vỏ thép được trang bị nhiều máy móc hiện đại.


Thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Nam Trung ương phân bổ đóng mới 92 tàu cá đến nay có 59 tàu được vay vốn.


Ngư dân treo nhiều khẩu hiệu khẳng định Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Theo Ban chỉ đạo 67 tỉnh Quảng Nam, thực hiện chính sách phát triển thủy sản, Quảng Nam được Trung ương phân cấp đóng mới 92 tàu cá có công suất từ 400CV trở lên, trong số đó có 60 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composite và 30 tàu vỏ gỗ.

Sau 2 năm triển khai, đến nay các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký hợp đồng tín dụng cho 59 hồ sơ vay vốn của ngư dân, trong đó có 2 tàu vỏ composite và 33 tàu vỏ thép. Tổng số vốn được các chi nhánh ngân hàng thương mại cam kết cho vay là hơn 660 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 516,4 tỷ đồng.

Trong số 37 tàu cá đã được ngành thủy sản tỉnh cấp phép đi vào sản xuất trên các vùng biển xa có 15 tàu vỏ thép giá trị hơn 225 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có thêm 4 trường hợp ngư dân đang đóng tàu vỏ thép nhưng chưa được chi nhánh ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng cho vay vốn đóng tàu.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/doi-tau-vo-thep-quang-nam-xuat-quan-thang-tien-hoang-sa-truong-sa-post186335.html