Đổi thay trên quê hương Thừa Thiên - Huế

(VOV) - 35 năm qua, đặc biệt là hơn 20 năm đổi mới, Thừa Thiên- Huế đã phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân ngày càng khởi sắc.

10h30’ ngày 26/3/1975, sau khi tiến vào đánh tan quân địch tại thành phố Huế, quân ta đã cắm lá cờ Giải phóng lên Cột cờ Phu Văn Lâu, đánh dấu thời khắc lịch sử Thừa Thiên- Huế hoàn toàn giải phóng. Đến Huế những ngày này, đâu đâu cũng thấy băng rôn, khẩu hiệu chào mừng 35 năm thành phố giải phóng. Phía bên kia Thành Nội, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên cột cờ Phu Văn Lâu. Nơi đây, 35 năm trước, người dân thành phố Huế đã vô cùng sung sướng và tự hào khi chứng kiến Quân giải phóng cắm lá cờ cách mạng lên đỉnh kỳ đài. Thực hiện chỉ đạo của Khu ủy Trị Thiên, từ những ngày đầu tháng 3/1975, quân và dân Thừa Thiên-Huế đã nổi dậy khắp nơi, từ Phú Lộc đến Phong Điền. Ngày 25/3/1975, các cánh quân của ta từ nhiều hướng đã tiến vào giải phóng thành phố Huế, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch. Chiến thắng rực rỡ của quân và dân Thừa Thiên-Huế đã kết thúc 21 năm sống dưới ách nô lệ của đế quốc Mỹ. Ông Huỳnh An, ở phường Thuận Hòa, thành phố Huế, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân Khu Trị Thiên, Tỉnh đội trưởng Thừa Thiên nhớ lại: “Xuân 1975, tôi được phân công trực tiếp chỉ đạo và tổ chức cho Trung đoàn 6 đánh chiếm làng Điền Môn, rồi tổ chức vượt sông Dương Hòa tiến về đánh thành phố Huế, chiếm Tòa tỉnh trưởng, Đài phát thanh, Bưu điện; sau đó tiến qua cầu Phú Xuân treo cờ Giải phóng lên Cột cờ Phu Văn Lâu, báo cho đồng bào cuộc kháng chiến của quân và dân Thừa Thiên-Huế hoàn toàn giải phóng”. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, quân và dân Thừa Thiên-Huế tập trung xây dựng, củng cố và bảo vệ Chính quyền cách mạng. Là một tỉnh khó khăn nhất nước, nhưng Thừa Thiên-Huế cũng là địa phương sớm nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh. Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Đại hội Đảng bộ Thừa Thiên-Huế lần thứ XII, nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng nhanh, toàn diện với tốc độ luôn đạt mức gần 13%, cao hơn so với trung bình của cả nước. Không riêng thành phố Huế và các huyện vùng ven, mà các vùng đầm phá, nông thôn, miền núi của tỉnh cũng đã có sự khởi sắc toàn diện, đời sống nhân dân ngày một đi lên. Đến nay, Thừa Thiên-Huế đã có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh với Quốc lộ 1A, 49A, 14B, đường Hồ Chí Minh; cảng Chân Mây là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây; các Khu kinh tế Chân Mây, Lăng Cô, Khu công nghiệp Phú Bài, Tứ Hạ, Phong Thu; các cụm điểm công nghiệp, du lịch đã và đang triển khai thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Tất cả tạo cho Huế một diện mạo mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế đang tiếp tục vươn lên, phấn đấu xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và là thành phố trực thuộc Trung ương. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: “Trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2010, Thừa Thiên-Huế tiếp tục phấn đấu để tốc độ tăng trường GDP 12%, thu ngân sách trên 3.000 tỷ, để khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì nguồn thu phải 5.000 tỷ. Hiện nay Thường vụ tỉnh ủy đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Những mục tiêu, định hướng trong Báo cáo Chính trị nhất định Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế sẽ đạt được”. Phát huy những thành quả đã đạt được của thế hệ cha anh đi trước, tuổi trẻ Thừa Thiên-Huế hôm nay đang nỗ lực hết mình cống hiến cho quê hương, đất nước. Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Văn Hùng bày tỏ: “Tuổi trẻ Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục phát huy tinh thần Tiến công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường, nguyện cùng với Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên- Huế xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”. Kỷ niệm 35 năm giải phóng Thừa Thiên-Huế, sáng 26/3, tại Quảng trường Ngọ Môn, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã diễn ra Lễ mít tinh với sự tham gia của hơn 10.000 cán bộ, các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh./. Kim Thu

Nguồn VOV: http://vovnews.vn/home/doi-thay-tren-que-huong-thua-thien--hue/20103/138927.vov