Đối thoại 2.000 đồng

Giữa tháng 9, ngay sau khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) tái khởi động việc thu phí tác quyền trên tivi trong phòng khách sạn, Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng ngay lập tức có văn bản phản ứng, tiếp tục từ chối yêu cầu trên. Đại diện Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng tuyên bố, nếu không đối chất sòng phẳng, minh bạch với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn, mà áp đặt thu phí một chiều như thời gian qua thì VCPMC sẽ không thu được một đồng phí nào.

Ảnh minh hoạ.

Trước đó, sự việc trên đã ầm ĩ trên báo chí từ tháng 5.2017. Cục Bản quyền đã phải yêu cầu VCPMC dừng thu, đồng thời xác định các tác phẩm âm nhạc được khai thác, sử dụng của tác giả hoặc chủ sở hữu là hội viên của VCPMC. Trung tâm cũng phải xây dựng biểu mức tiền quyền tác giả/tác phẩm được khai thác, sử dụng, sau đó tiến hành đàm phán để nhận được sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Vậy nhưng, trao đổi với nhiều chủ khách sạn Đà Nẵng cho hay, ngoài cuộc làm việc năm 2013 do Sở Du lịch chủ trì, VCPMC từng thông tin về việc thu tác quyền thì 4 năm qua, không có bất kỳ một cuộc đối thoại nào nữa. “Chỉ có văn bản, thông báo chuyển về một chiều như vậy” - một chủ khách sạn cho hay. Thậm chí, khi sự việc gây nhiều tranh cãi vào 3 tháng trước, phía VCPMC cũng chỉ mở cuộc họp nội bộ, trao đổi với các nhạc sĩ hay làm việc với Cục Bản quyền.

Trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng khẳng định quan điểm, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết và bắt buộc phải làm, nhưng không thể bảo hộ một cách không rõ ràng làm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác mà cụ thể ở đây là các khách sạn. “Chúng tôi không ngại thực hiện nghĩa vụ và tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên chúng tôi có quyền từ chối những quy định không rõ ràng, hiểu mập mờ về Luật” - Hiệp hội khẳng định. Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng kiến nghị Sở Du Lịch làm việc với Hội Nhạc sĩ Việt Nam để có văn bản trả lời những thắc mắc của Hiệp hội.

Trong một trao đổi với báo chí, VCPMC cho rằng, với mức phí tạm thời là 25.000đ/năm đối với 1 tivi, tính ra các doanh nghiệp chỉ phải đóng 2.000đ/tháng, số tiền này không hề lớn. Vậy nhưng, dù là phí 2.000 đồng thì vẫn cần đối thoại.

THÙY TRANG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cau-chuyen-quan-ly/doi-thoai-2000-dong-566197.ldo