Đối thoại cấp cao về an ninh lương thực APEC

Trong khuôn khổ tuần lễ APEC Việt Nam 2017 tại Cần Thơ, ngày 25-8, các đại biểu đến từ 21 nền kinh tế APEC tham dự phiên “Đối thoại cấp cao (cấp bộ trưởng) về an ninh lương thực (ANLT) và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự và phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng đoàn của các nền kinh tế APEC tập trung thảo luận, đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong xây dựng và phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ tiên tiến trong sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một thị trường tiêu thụ lương thực toàn cầu bình đẳng dựa trên các quy tắc, thỏa thuận thương mại đa phương.

Bên cạnh đó, các thành viên APEC đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ thông tin trong quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nước, bao gồm cả quản lý nguồn nước xuyên biên giới; đẩy mạnh phát triển nông thôn - đô thị, nỗ lực kết nối với vùng sâu, vùng xa; phát huy vai trò của cộng đồng và doanh nghiệp thông qua mối quan hệ đối tác công - tư trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối khu vực. Các quốc gia thành viên cần tích cực triển khai “Khuôn khổ giảm nhẹ rủi ro thiên tai APEC”, hợp tác xây dựng hệ thống phòng ngừa thiên tai, nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi sau thiên tai, chú trọng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phát triển nông thôn bền vững...

Tại phiên đối thoại, các đại biểu cho rằng, để bảo đảm ANLT dưới sự tác động của BĐKH, các thành viên APEC cần xây dựng cho mình nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với BĐKH bằng các hợp tác trao đổi thông tin về khí hậu giữa các thành viên APEC; chia sẻ kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Đặc biệt, việc hợp tác, chia sẻ, sử dụng nguồn nước hợp lý trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững của các thành viên APEC.

Ngoài tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho sản xuất nông nghiệp, mỗi nền kinh tế APEC cần chú trọng phát triển công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp nhằm rút ngắn thời gian tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với BĐKH diễn ra ngày càng mạnh mẽ, gay gắt. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng hơn đáp ứng nhu cầu đa dạng của cư dân APEC, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, phát triển bền vững trong điều kiện BĐKH…

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/33886502-doi-thoai-cap-cao-ve-an-ninh-luong-thuc-apec.html