Đối thoại, giải đáp chế độ, chính sách cho người lao động

Sáng 24-4, tại huyện Đan Phượng, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng tổ chức buổi đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề 'Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động'.

Trong chương trình, các chuyên gia đã cung cấp những kiến thức mới liên quan đến chế độ, chính sách và pháp luật lao động; đồng thời giải đáp những điều đang còn băn khoăn, vướng mắc cho đoàn viên, người lao động. Từ đó, giúp người lao động chủ động giải quyết các vấn đề xảy ra trong lao động, kịp thời ứng phó, thích ứng, giải quyết các khó khăn, thách thức...

Các chuyên gia giải đáp những thắc mắc của người lao động.

Về câu hỏi người lao động đã đóng bảo hiểm y tế 5 năm liên tục nhưng không may mắc bệnh hiểm nghèo, chữa bệnh đúng tuyến, có được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh và các bồi dưỡng bằng hiện vật không, bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, với người đã có thời gian 5 năm đóng bảo hiểm y tế liên tục, trong một năm đã chi quá 6 lần tháng lương cơ sở thì sẽ được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh đúng tuyến do bảo hiểm y tế chi trả.

Về nguyên tắc bồi dưỡng bằng hiện vật, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi nêu, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng. Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Bà Lan Chi cho biết thêm, trong trường hợp này, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau: Mức 1: 13.000 đồng; mức 2: 20.000 đồng; mức 3: 26.000 đồng; mức 4: 32.000 đồng. Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng.

Ngoài ra, quy định hiện hành khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế hoặc tiếp xúc với các nguồn gây bệnh truyền nhiễm.

Như vậy, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể cũng như bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/doi-thoai-giai-dap-che-do-chinh-sach-cho-nguoi-lao-dong-664494.html