Đối thoại gỡ khó cho doanh nghiệp FDI thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội

Chế độ, hồ sơ nghỉ ốm đau, thai sản đối với người lao động; việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người nước ngoài; tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội… đây là những vấn đề doanh nghiệp FDI quan tâm đặt ra tại Hội nghị đối thoại về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày 16/12.

Bức tranh thực tế về những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được VCCI đưa ra qua cuộc khảo sát thực hiện trong tháng 10 và 11/2016 cho thấy, còn đến 31,8% doanh nghiệp không đồng ý rằng ngành Bảo hiểm xã hội “nhiệt tình giải quyết khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn đầy đủ dễ hiểu”; 32,4% không đồng ý ngành Bảo hiểm xã hội “giải quyết thủ tục hành chính đúng quy định, nhanh chóng, linh hoạt”. Có tới 54% số doanh nghiệp có thời gian giải quyết bảo hiểm xã hội dưới 50 giờ/năm – thấp hơn so với số giờ trung bình mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam tuyên bố đã đạt được năm 2016 là 48,5 giờ/năm; trong đó chỉ có 20% số doanh nghiệp đạt dưới 20 giờ/năm; 34% số doanh nghiệp mất 30 – 50 giờ/năm. Còn 46% số doanh nghiệp phải mất trên 50 giờ/năm để giải quyết thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội; trong đó có 22% số doanh nghiệp mất từ 51-70 giờ và còn 24% số doanh nghiệp phải dành trên 70 giờ/năm cho bảo hiểm xã hội. Kết quả này cho thấy mặc dù cải cách thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội đã được doanh nghiệp đánh giá cao, đem lại thuận lợi lớn cho doanh nghiệp và người lao động, nhưng số thời gian thực tế mà nhiều doanh nghiệp phải dành cho thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội còn cao, đòi hỏi ngành Bảo hiểm xã hội cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa với kế hoạch cải cách thủ tục hành chính của mình.

Gỡ khó cho doanh nghiệp FDI trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, các doanh nghiệp ở miền Nam có số giờ trung bình để hoàn thành các thủ tục bảo hiểm xã hội nhiều hơn cả: 25,8% số doanh nghiệp mất 70 giờ; 34,8% mất từ 51 – 70 giờ. Dường như các doanh nghiệp có đông lao động mất nhiều thời gian cho việc giải quyết các thủ tục hành chính của bảo hiểm xã hội hơn, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày tập trung đông lao động nữ, cần nhiều thời gian hoàn thành các biểu mẫu, hồ sơ khai báo lao động, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội ngắn hạn như ốm đau, thai sản.

Bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao, Công ty Canon Việt Nam cho biết, Khoản 1, Điều 2, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có biến động lao động thường xuyên, để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh phát sinh, mùa vụ..., việc quản lý sổ bảo hiểm xã hội sẽ gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm gia tăng chi phí và nhân lực của doanh nghiệp để xử lý. Thông thường phải mất 1 tháng người lao động mới được cấp sổ bảo hiểm xã hội, trong khi có người chỉ làm việc trong thời gian rất ngắn, có thể nghỉ việc trước khi họ nhận được sổ bảo hiểm xã hội. Nếu người lao động chỉ làm việc chưa được một tháng đã nghỉ thì người sử dụng lao động phải chịu rủi ro rất lớn do không thể báo tăng, giảm số lượng người lao động trong 1 tháng với cơ quan bảo hiểm. Bà Huyền kiến nghị cần bỏ đối tượng này và cho phép người sử dụng lao động chi trả thêm cùng một lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tương tự như quy định tại khoản 3, Điều 186 Bộ luật Lao động 2012.

Cũng theo bà Huyền, Luật bảo hiểm xã hội quy định định kỳ 06 tháng niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu là không hợp lý. Bởi, mỗi người lao động có một mức lương khác nhau, do đó mức đóng bảo hiểm xã hội cũng khác nhau và thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội là thông tin cá nhân riêng của người lao động, không nên công khai. Trong phiếu lương đã đề cập đầy đủ các thông tin về mức đóng của người lao động, người sử dụng lao động, đảm bảo người lao động biết rõ về việc đóng bảo hiểm xã hội của mình. Bà Huyền đề nghị cân nhắc về việc giãn lộ trình áp dụng quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bao gồm: Lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Ở một khía cạnh khác, bà Nguyễn Thị Minh Hương đến từ Công ty TNHH Cedo Việt Nam nêu nhiều khó khăn trong việc chi trả chế độ ốm đau thai sản. Việc chi trả ốm đau thai sản chậm trễ hơn so với năm 2015 vì doanh nghiệp không giữ 2% quỹ lương bảo hiểm xã hội. Theo mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (mẫu C65-HD), khi người lao động đi khám, bệnh viện ghi theo địa chỉ trên thẻ bảo hiểm y tế nhưng cơ quan Bảo hiểm xã hội không chấp nhận thanh toán và yêu cầu ghi theo địa chỉ công ty. Bà Hương đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội và bệnh viện nên thống nhất cách ghi thông tin về địa chỉ trên mẫu C65.

Một số vấn đề liên quan đến mẫu giấy chứng nhận này cũng nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp. Ông Đoàn Chung Hiếu, phụ trách nhân sự Công ty cổ phần Acecook Việt Nam cho biết, khi khám chữa bệnh trái tuyến phải chứng minh làm việc tại doanh nghiệp đó đã gây phiền toái cho người lao động. Doanh nghiệp nêu ví dụ cụ thể về việc người lao động bị tai nạn, phải vào cơ sở y tế bó bột nhưng khi xin mẫu giấy C65, cơ sở y tế này lại không cung cấp.

Chia sẻ với những bức xúc của doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho rằng liên quan đến mẫu Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (mẫu C65) của cơ sở y tế cần thống nhất với Bộ Y tế một số nguyên tắc quy định.

Ông Sơn đề nghị Bảo hiểm xã hội các địa phương kiểm tra xác thực các vấn đề doanh nghiệp nêu. “Tại sao người ta bị tai nạn, vào bó bột, xin giấy C65 ở cơ sở y tế mà cơ sở y tế không cung cấp. Nguyên nhân là do cơ quan bảo hiểm xã hội không có hợp đồng với cơ sở y tế đó hay cơ sở y tế đó không đủ điều kiện khám chữa bệnh? Việc đăng ký chữ ký bác sĩ ký giấy C65 là của cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện, không phải thuộc trách nhiệm của người lao động. Như vậy chưa đăng ký ở đây là gây khó khăn cho người lao động. Trong trường hợp cơ sở y tế đó không đủ điều kiện để đăng ký, phải giải thích cho người lao động”, ông Sơn nêu.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng không thể đổ cho người lao động đi kiểm tra chữ ký, việc kiểm tra, chống tiêu cực và liên thông cơ sở khám chữa bệnh là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội.

Nhiều nội dung doanh nghiệp quan tâm cũng đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp, gỡ khó tại buổi đối thoại. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện đang có hai nguồn quỹ thực hiện chính sách thu nộp của các doanh nghiệp, gây áp lực cho doanh nghiệp. Tổng thu của các doanh nghiệp vào các chính sách là 34,5%, trong đó có chính sách thu về bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Nguồn sẽ bị mất cân đối ngay trong năm nay là ốm đau thai sản, nhưng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đang dương. Bảo hiểm thất nghiệp là 45.000 tỷ đồng, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp 30.000 tỷ đồng. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ nghiên cứu chính sách giảm tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp đối với quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp khoảng 1%, tương đương với 5.400 tỷ đồng/năm, thực hiện trong 3 năm. Nếu quỹ này bắt đầu cân bằng thì tiếp tục trở về thực hiện theo quy định của pháp luật. Đây là vấn đề Chính phủ đã báo cáo Quốc hội để Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến phê chuẩn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong thời gian ngắn hạn.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/doi-thoai-go-kho-cho-doanh-nghiep-fdi-thuc-hien-chinh-sach-bao-hiem-xa-hoi-20161216195806382.htm