Đối thoại hay độc thoại?

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, vừa diễn ra từ ngày 3 đến 5/6 tại Singapore gần như bị bao trùm bởi vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đang bị các nước coi là một quốc gia đang quân sự hóa ồ ạt ở Biển Đông, đe dọa an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, trưởng đoàn Trung Quốc - Đô đốc Tôn Kiến Quốc - luôn nói rằng không phải như thế và ông quy chụp Mỹ mới là nhân tố nguy hiểm ở Biển Đông. Theo ông này, liên minh và hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực đã gây bất ổn ở châu Á. Mỹ đã quyết định “phá hoại con đường hòa bình của Trung Quốc vì lợi ích ích kỷ” và đã theo đuổi “tâm lý bên này được lợi bao nhiêu thì bên kia cũng thiệt bấy nhiêu” hơn là “hợp tác cùng có lợi”. Ông cáo buộc Mỹ xúi giục các nước nhỏ gây rắc rối chống các nước lớn và “đơn phương quân sự hóa Biển Đông”, gieo mối bất hòa giữa các quốc gia châu Á hòa hợp. Và ông Tôn Kiến Quốc cũng không quên kêu gọi mô hình mới không có Mỹ cho an ninh châu Á để thúc đẩy hòa bình trong khu vực.

Ông Tôn Kiến Quốc một mực giọng điệu bảo vệ những hành động trên Biển Đông của Trung Quốc. Không những thế, ông còn “rào trước” rằng Trung Quốc sẽ không công nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền. Lý do là: “Tòa trọng tài này không có quyền phán xét Trung Quốc. Do đó, quyết định phân xử sẽ không ràng buộc Trung Quốc”. Về những tranh chấp trên Biển Đông, ông Tôn tiếp tục luận điệu giải quyết song phương, không chấp nhận đa phương và có sự trung gian của quốc tế. Bài phát biểu còn có câu nói đáng lưu ý, thể hiện rõ thái độ thiếu thiện chí, sẵn sàng bất chấp hậu quả: “Chúng tôi không gây rắc rối nhưng chúng tôi không sợ rắc rối”.

Ông Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.Ảnh: EPA/TTXVN

Theo nhận định của giáo sư Rory Medcalf - Hiệu trưởng trường An ninh Quốc gia thuộc Đại học Quốc gia Australia và là một trong những người nghe bài phát biểu của ông Tôn Kiến Quốc, giọng điệu của ông này chủ yếu là để cho người dân Trung Quốc nghe vì một phần bài phát biểu của ông được phát trực tiếp trên sóng quốc gia Trung Quốc.

Sau bài phát biểu, ông Tôn Kiến Quốc nhận được rất nhiều câu hỏi. Cũng như những gì đã thể hiện ở Đối thoại Shangri-La năm ngoái, ông lại tiếp tục né tránh, hỏi chỗ này đáp chỗ kia. Khi giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia hỏi về trách nhiệm của Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, ông Tôn lại đổ cho Philippines vi phạm thỏa thuận song phương vì kiện mà không được Trung Quốc đồng ý. Khi một giáo sư Nhật Bản hỏi Trung Quốc đã làm gì để xây dựng niềm tin với các nước, ông Tôn lại né câu hỏi bằng cách than phiền các nước nhỏ gây hấn với Trung Quốc. Còn nhớ năm ngoái, ông Tôn Kiến Quốc đã viện cớ không có đủ thời gian trả lời hết câu hỏi rồi quay ra đọc một bài viết sẵn, phớt lờ các câu hỏi về Biển Đông. Qua hai Đối thoại Shangri-La gần đây nhất, có thể nói không oan rằng Trung Quốc đến Shangri-La không phải để “đối thoại” và lắng nghe mà là để “độc thoại”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng phớt lờ quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông và đưa ra một quan điểm đối lập hẳn với phía Trung Quốc về tương lai của châu Á. Ông Carter nói về “mạng lưới an ninh dựa trên nguyên tắc” bao gồm mọi quốc gia trong khu vực phối hợp với nhau và với Mỹ để bảo vệ tự do cho các thành viên khu vực, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia thành viên, bảo vệ giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế. Theo ông Carter, Trung Quốc đang “chơi theo luật của riêng mình” và kết quả là đang xây dựng một “Vạn lý Trường thành tự cô lập” bằng cách đe dọa trật tự ở châu Á, làm xói mòn thay vì cải thiện vị trí chiến lược của khu vực này.

Trong Đối thoại Shangri-La năm trước đó, cả ông Ashton Carter và Tôn Kiến Quốc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bình tĩnh và mong muốn hòa bình chung. Ông Tôn mong có “cộng đồng chung vận mệnh”, ông Carter muốn “phát triển và thịnh vượng cùng nhau”. Tuy nhiên, cũng như Đối thoại Shangri-La năm nay, dù cách diễn đạt giống nhau nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều không thực sự lắng nghe nhau hay có dấu hiệu tỏ ra hiểu mối lo ngại của bên kia. Việc không chịu nghe và hiểu nhau chứng tỏ các bên không còn tin tưởng nhau và đó là một nhân tố rủi ro cơ bản dẫn tới tính toán sai lầm.

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông gia tăng, đối thoại là điều cần thiết đối với các nước châu Á - Thái Bình Dương để tìm biện pháp an toàn ngăn chặn và quản lý căng thẳng, xung đột. Trước khi Đối thoại Shangri-La ra mắt năm 2002, diễn đàn an ninh đa phương duy nhất trong khu vực là Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) nhưng chủ yếu lại là “sân chơi” của các ngoại trưởng và không tập trung vào vấn đề quốc phòng, an ninh. Vì thế, Đối thoại Shangri-La đã nhanh chóng trở thành một cuộc đối thoại ngày càng quan trọng và thu hút dư luận. Mục đích của Shangri-La là sử dụng đối thoại để tăng cường xây dựng niềm tin, thúc đẩy hợp tác an ninh thực tiễn.

Thế nhưng, thực tế vài đối thoại Shangri-La gần đây cho thấy các quốc gia dường như không còn muốn nói chuyện với nhau tại diễn đàn. Nếu không là các màn chỉ trích, cãi vã nhau như năm ngoái thì cũng là phép cộng của các màn “độc thoại” như năm nay. Và nếu đại diện của quốc gia nào cũng chỉ đến Shangri-La với tâm thế như đại diện của Trung Quốc, tức là chỉ trình bày quan điểm của mình mà không tiếp thu, lắng nghe và coi trọng phản ứng người khác thì Shangri-La sẽ không còn là diễn đàn để đối thoại.

Thùy Dương

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/doi-thoai-hay-doc-thoai-20160612155928076.htm