Đối thoại với DN Nhật Bản về lĩnh vực thực phẩm

Ngày 15/3, Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM đã tổ chức buổi đối thoại giữa các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản và đại diện các cơ quan chức năng của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến thực phẩm.

Ảnh: VGP/Lê Anh

Tại buổi đối thoại, ông Motohisa Nakagawa, Trưởng ban môi trường kinh doanh, Hiệp hội DN Nhật Bản tại TPHCM cho biết, các DN Nhật Bản đang gặp khó khăn liên quan đến lĩnh vực thực phẩm khi thông quan như yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật đối với thực phẩm chế biến; chậm trễ trong việc cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm; quy định trưng bày thực phẩm trong các cửa hàng tiện lợi...

Phản ánh từ một số DN Nhật Bản khi làm thủ tục thông quan cho rằng, dù là mẫu thực phẩm dùng cho mục đích nghiên cứu phát triển nhưng nếu vượt quá lượng nhất định thì vẫn phải tiến hành thủ tục kiểm tra chính thức.

Chẳng hạn trong nghiệp vụ của một công ty vận tải lớn, khi mẫu thực phẩm trên 5 kg, họ vẫn yêu cầu khách hàng tiến hành thủ tục kiểm tra, bởi trong quá trình làm việc với hải quan, hải quan yêu cầu kiểm tra hàng nếu trọng lượng trên 5 kg. Do đó, công ty tự đưa thành mức tiêu chuẩn mà trong luật không quy định.

Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, phía hải quan không có quy định về khối lượng hàng mẫu kiểm tra. Ông Trần Duy Minh, Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng cho rằng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đều thống nhất, việc kiểm tra hàng mẫu không thể quy định về khối lượng vì thực tế mỗi loại hàng mẫu cần một khối lượng nguyên liệu khác nhau.

Điều quan trọng nhất là những tài liệu, giấy tờ của DN nhập khẩu cần chứng minh rõ ràng được lô hàng nhập về để làm mẫu thử nghiệm và cam kết của DN không tiêu thụ, lưu hành sản phẩm trên thị trường.

Hay những vướng mắc mà các DN Nhật Bản đang gặp phải là việc cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho các nhân viên làm việc tại cửa hàng thời gian kéo dài có khi tới 3 tháng mà vẫn chưa được cấp. Trong khi đây là một trong những điều kiện quan trọng để các cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, để được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm thì cán bộ công nhân viên phải tham dự và thi đỗ kiểm tra sát hạch, trong vòng 10 ngày kể từ khi các cơ sở nộp đơn đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền của Bộ NN&PTNT, cơ quan này sẽ lập kế hoạch để xác nhận kiến thức và thông báo cho các cơ sở ngày giờ tiến hành kiểm tra xác nhận kiến thức.

Tuy nhiên, hiện tượng mà DN phản ánh có thể là do một số chi cục tại địa phương khi nhận được đơn nhưng chậm triển khai. Chính vì vậy, DN có thể kiến nghị trực tiếp lên lãnh đạo Sở NN&PTNT địa phương tại nơi DN hoạt động.

Ngoài ra,một số DN Nhật Bản cũng phản ánh, trong quá trình các cơ quan chức năng kiểm tra các cửa hàng của DN đã lưu ý nếu trưng bày hàng thực phẩm và hàng phi thực phẩm cạnh nhau thì không được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.

Các DN Nhật Bản cho rằng, đối với những hàng hóa bán ở cửa hàng tiện lợi và siêu thị thì hầu hết hàng hóa thực phẩm và phi thực phẩm đều được đóng gói sạch sẽ và kỹ thuật đóng gói hiện nay được nâng cao nên bảo đảm đóng kín, cho dù hàng hóa đặt cạnh nhau cũng không phát sinh vấn đề vệ sinh.

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), khẳng định hàng thực phẩm và hàng phi thực phẩm vẫn được để cạnh nhau. Tuy nhiên lưu ý các DN, theo quy định tại Điều 19 Luật An toàn thực phẩm, các cửa hàng cần để hàng hóa phi thực phẩm có nguy cơ mất an toàn cách xa thực phẩm nhằm bảo đảm chung về an toàn thực phẩm cho cửa hàng.

Việc đẩy mạnh phát triển các cửa hàng tiện lợi hiện đại nằm trong định hướng phát triển của Bộ Công Thương, và Bộ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển, song song với đó là bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và người dân.

Lê Anh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doanh-nghiep/doi-thoai-voi-dn-nhat-ban-ve-linh-vuc-thuc-pham/300826.vgp