Đối thủ chính trị nhờ phép thuật 'trù ẻo' Tổng thống Venezuela Maduro

Ông Liborio Guarulla là đối thủ chính trị nhờ phép thuật ‘trù ẻo’ Tổng thống Venezuela Maduro, theo báo Guardian (Anh), sau khi ông không được cho giữ chức thống đốc bang.

Ông Liborio Guarulla chuẩn bị thực hiện lời nguyền Dabukuri-Ảnh EPA

Ngày 17.5, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro phải đối mặt với một chiến lược phản đối rất “độc lạ”: ông Guarula thực hiện lời nguyền “Dabukuri” để gieo rắc đau thương và mất mát cho chính phủ Tổng thống Maduro. Lời nguyền của bộ tộc của ông cũng có thể được thực hiện để cầu xin sự thịnh vượng, dư dả.

Dùng sức mạnh tổ tiên

Ông Guarulla vẽ sơn lên mặt, đầu đội mũ lông chim, vung một nắm đất vào trong gió tại buổi lễ này ở thành phố Puerto Ayacucho, trong khi xung quanh ông là những người đàn ông thuộc các bộ tộc khác dậm chân và gõ trống.

Ông Guarulla gốc thổ dân Baniwa, nói: “Chính phủ cho rằng họ có quyền cáo buộc chúng tôi, xóa quyền lực chính trị của chúng tôi. Nhưng tôi muốn cho họ biết rằng tôi cũng có quyền lực, và hôm nay, tôi triệu sức mạnh của tổ tiên và của các pháp sư để lời nguyền Dabukuri giáng xuống đầu những kẻ làm điều ác với chúng ta”.

Trước đó ông từng cảnh báo đối thủ về hậu quả của lời nguyền này: “Ta bảo đảm bọn bay sẽ không thể chết mà không bị đau khổ. Ta bảo đảm trước khi chết, bọn bay sẽ phải bắt đầu đau khổ, hồn bọn bay sẽ đi hoang trong những chốn tối tăm nhất, độc địa nhất trướckhi bọn bay có thể nhắm mắt”. Nghi lễ nguyền rủa này kết thúc “cuộc hành quân của các pháp sư”, gồm một loạt hoạt động phản đối chính phủ Maduro.

Đấy là đòn trả đũa của ông Guarulla, vị cựu thống đốc bang Amazonas. Hồi đầu tháng 5, ông trở thành chính khách đối lập thứ hai bị cấm giữ chức trong năm 2017, sau cựu ứng cử viên Tổng thống Henrique Capriles.

Ngày 18.5, ông Capriles nói ông bị cấm xuất cảnh, bị cơ quan di trú tịch thu hộ chiếu tại một sân bay gần thủ đô Caracas, ngay lúc ông chuẩn bị đến trụ sở LHQ ở New York để tố cáo chính phủ Maduro lạm quyền.

Hồi tháng 4, ông Capriles bị cấm sinh hoạt chính trị 15 năm, với lý do khi ông là thống đốc đã có “lem nhem tài chính” liên quan các dự án công ích. Ông nói đấy là cớ đàn áp chính trị. Việc cấm ông Guarulla tuyên thệ khiến bang Amazonas không có đại diện chính trị nào là thổ dân.

Nhưng việc ông quyết định dùng lời nguyền này thành một dạng phản đối chính trị đã bị giáo sư nhân chủng học Daisy Barreto chỉ trích. Ông nói Venezuela chưa hề có một động thái nào để bảo vệ quyền lợi của người dân tộc thiểu số: “Thật đáng xấu hổ khi dùng các biểu tượng văn hóa vì mục đích chính trị. Thật sự không có chính khách nào nổi lên xứng tầm lãnh đạo của người dân tộc. Họ chỉ là những nhân vật chính trị dựa vào gốc gác thổ dân để nhảy dù vào chính phủ”.

Ông Maduro chỉ trích Tổng thống Mỹ

Theo hãng tin AP ngày 18.5, Tổng thống Maduro kịch liệt chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump can thiệp vào chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Venezuela. Ông nói bằng tiếng Anh: “Về nhà đi, Donald Trump. Hãy ngưng can thiệp và rút bàn tay của ông ra khỏi đây”. Trước đó, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh trừng phạt 8 thành viên Tòa án tối cao Venezuela, cáo buộc họ phá hoại nền dân chủ của nước này.

Hồi cuối tháng 3, Tòa án tối cao Venezuela đã ra phán quyết tước quyền kiểm soát quốc hội của phe đối lập, điều dẫn đến những cuộc phản đối bạo lực chết người và những vụ hôi của suốt hai tháng qua, đến ngày 17.5 đã có ít nhất 46 người chết. Hiện chính quyền Maduro bị các nước láng giềng chỉ trích, phải chịu đựng nhiều sức ép ngoại giao. Ông Trump nói cuộc khủng hoảng ở Venezuela nhiều giàu mỏ có thể khiến nước này bị tê liệt, nghèo đói và bất ổn.

Ông Maduro đang thúc đẩy xử lý khủng hoảng, bằng cách triệu tập một quốc hội đặc biệt để soạn Hiến pháp mới. Phe đối lập phản đối kế hoạch này. Ngày 18.5, nữ công tố viên trưởng Luis Ortega Diaz cũng tuyên bố sẽ không ủng hộ kế hoạch. Từng là người trung thành với chính phủ, bà quyết định thôi ủng hộ sau phán quyết gây tranh cãi của Tòa án tối cao. Bà gọi đó là “sự gãy đổ” trật tự hiến pháp.

Trong thư, bà Ortega Diaz ca ngợi Hiến pháp 1999 là di sản đẹp nhất của cố Tổng thống Hugo Chavez, và là một trong những bản Hiến pháp hiện đại nhất thế giới. Bà nói việc triệu tập quốc hội đặc biệt chỉ càng làm tăng sự loạn lạc của đất nước, chứ không giải quyết được cuộc khủng hoảng. Nhưng ông Maduro nói vẫn tiến hành soạn thảo lại hiến pháp mới.

Vài ngày sau, quốc hội Venezula phải hủy quyết định vì sự phản đối của cộng đồng quốc tế.

+ Venezuela có 38 bộ tộc thổ dân, chiếm 2% tổng dân số. Họ không có đại diện chính trị, tức khác với các bộ tộc ở hai nước láng giềng Brazil và Colombia.

+ Quyền lợi của thổ dân chỉ được đề cập trong Hiến pháp 1999 do cố Tổng thống Hugo Chavez giới thiệu. Lúc đó, thổ dân Venezuela được hứa có quyền sở hữu đất đai, được bảo đảm có đại diện ở chính quyền cấp địa phương, bang và quốc gia.

+ Nhưng năm 2016, 3 nghị sĩ thổ dân Amazon bị cấm tuyên thệ nhậm chức, sau khi chính phủ tuyên bố họ gian lận mới trúng cử.

+ Khi ấy, hội đồng bầu cử hứa điều tra cáo buộc và tổ chức bầu cử lại. Nhưng chính quyền không ra tuyên bố nào thêm, 3 nghị sĩ này vẫn chưa được tuyên thệ.

+ Các bộ tộc thổ dân sống xa thành thị, bị cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng tác động mạnh nhất.

Đầu tháng 5, chính quyền thành phố Manaus (Brazil) tuyên bố tình trạng khẩn cấp, sau khi 355 thổ dân Warao chạy trốn việc thiếu lương thực, thuốc men trầm trọng, từ Venezuela đi xe đò 1.000km đến Manau và sống trong lều dã chiến.

Kim Hương (theo Guardian)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/doi-thu-chinh-tri-nho-phep-thuat-tru-eo-tong-thong-venezuela-maduro-63483.html