Đời vui là khi ta gặp nhau…

“Tôi thì không sợ cô ấy tật nguyền, vì mình cũng có trẻ trung đẹp đẽ gì đâu”, anh Lâm cười. "Chỉ sợ cô ấy không ưng, mình cũng “ở giá” suốt đời.

Chị khiếm thị nên cũng không mong gì có được mái gia đình nhỏ như bao người. Nhưng duyên trời dun rủi, chị gặp anh Cao Văn Lâm, một Việt kiều Campuchia nhưng đã về Kà Tum - Tây Ninh sinh sống từ năm 12 tuổi. Càng vui hơn, ở tuổi 40 chị được làm mẹ một bé gái. Anh năm đó cũng đã 60.

Chị kể: “Nào giờ mình quanh quẩn ở nhà, làm vài việc nội trợ do bị mù từ năm lên sáu, sau chứng “bịnh ban” chứ không phải mù bẩm sinh. Cứ nghĩ là nhỏ sống nhờ cha mẹ, cha mẹ chết thì… chết theo luôn cho khỏi phiền anh em. Ba mất từ lúc mình 15 tuổi, mẹ thì giờ bảy mươi rồi nhưng vẫn còn khỏe. Anh chị em lập gia đình riêng. Lúc còn khỏe thì mẹ đi làm thuê, mình ở nhà. Vài năm nay mẹ già yếu nên ở nhà nhận mít về lột múi cho cơ sở mít sấy, mình cũng phụ được. Vợ chồng mình quen nhau do anh ấy là người bỏ mối mít cho mình. Duyên nợ tự tới vậy thôi. Đó là năm mình 39 tuổi”.

Trong khi vợ trò chuyện với khách, anh Lâm vẫn lo bán vé số. Từ ngày sống với nhau, để “chim liền cánh”, anh chị sắm một thùng loa kẹo kéo đi bán vé số. Trời phú cho chị chất giọng khá mượt mà, không học hành gì mà ca tới đâu là “ăn đờn” tới đó. Mỗi ngày anh chở chị rong ruổi khắp nẻo đường để bán hết 300 tờ vé số. “Ba trăm ngàn, nghe nhiều chứ không bao nhiêu đâu em, nào tiền xăng xe, cơm nước, sữa cho con gái. Nhà tính ra bốn người, hên thì bán hết, có bữa cũng “ôm” mấy chục vé, nợ một khúc nhỏ nhỏ”, chị cười.

Anh chị luôn có nhau trên từng bước đường đời

“Tắt loa đi anh, nói chuyện chơi chút. Mơi giờ bán được nhiều rồi à?”, chị vừa ngồi xuống bàn, kêu hai dĩa cơm, vừa nhắc chồng. 9g30, anh chị mới có bữa sáng sau khi đã bán mấy chục tờ vé số. Anh lau muỗng nĩa ân cần đặt vào tay vợ, nhắc “nước tương bên phải, canh bên trái”. Anh còn gọi vói vào trong quầy “một dĩa không khổ qua nghen” vì chị không thích khổ qua xào.

“Hai dĩa cơm mà chỉ sáu ngàn thôi cô. Giá này đỡ cho người nghèo dữ lắm”, anh vui vẻ nói. Nghe tôi hỏi về con gái, gương mặt anh dãn ra, nụ cười như tỏa nắng: “Nó là cục vàng của tụi tui đó! Con gái mà nghịch ngợm còn hơn con trai. Ban ngày ở nhà với ngoại, tối ba mẹ đi bán khoảng hơn một tiếng đồng hồ, từ 7-8 giờ thì chở nó theo. Ra quán, mẹ chưa hát nó đã cầm micro á lố a lô mời bà con mua ủng hộ vé số cho ba mẹ con có tiền mua sữa, mua bánh, mua đồ chơi cho con. Thấy nó dễ thương, khách hỏi mấy tuổi, nó nói: “Hơn ba tuổi rồi”. Mẹ nó bảo: “Mới hơn hai tuổi mà”. Nó trả lời ngay: “Nói vậy cho mau lớn để đi làm phụ ba mẹ”. Có khách thấy thương, cho tiền cho bánh, nó luôn nói: “Để con hỏi mẹ coi có chịu không” làm ai cũng khen”.

Nói về bản thân, anh Lâm thật thà: “Hồi trẻ cũng quen cô này cô nọ nhưng ai cũng ngại mình… nghèo nên chuyện không đến đâu. Chục năm qua, từ hồi làm nghề mua mít trái, bỏ cho người lột rồi bán cho cơ sở mít sấy, tôi gặp cô Hiền, thương cổ tật nguyền mà siêng năng. Rồi… cái gì tới là tới”. “Mình đâu có tính lấy chồng, quen người lớn hơn mình “quá trời tuổi” càng không nghĩ tới.

Nhưng rồi nghe giọng nói chắc nịch, nghe tiếng máy xe nổ nằng nặng, mình biết người này đàng hoàng, chịu làm lụng. Thêm mẹ mình nói vô: “Cái thằng bỏ mối mít nó hỏi thăm con hoài, hỏi tuổi tác, hỏi chồng con, hỏi đời sống… coi bộ nó được, con chịu lấy không?”. Mình biết nói gì bây giờ? Có chồng con ai không muốn, nhưng tật nguyền sẽ là gánh nặng cho người ta, nếu có con cũng không chăm sóc được đàng hoàng. Vì vậy, mình trù trừ tới nửa năm”, chị Hiền chia sẻ.

“Tôi thì không sợ cô ấy tật nguyền, vì mình cũng có trẻ trung đẹp đẽ gì đâu”, anh Lâm cười. "Chỉ sợ cô ấy không ưng, mình cũng “ở giá” suốt đời. Ai dè cô ấy ưng, còn sinh cho mình đứa con. Sáu chục tuổi mới làm cha, vui mà cũng… khờ lắm! Không biết mặc tã cho con thế nào, không biết con khóc là đòi ăn hay đòi ngủ, không phân biệt được đâu là khăn sữa, đâu là khăn lót mông, giặt quần áo con thì cứ vặn vắt ào ào… May có mẹ vợ chăm cháu nhiệt tình chứ vợ chồng tôi, đứa mù, đứa lóng ngóng. Giờ tôi chỉ cầu trời cho khỏe mạnh vài chục năm nữa để nuôi con gái đến tuổi trưởng thành, không dám mơ gì thêm nữa”.

Chị Hiền bảo, chắc vợ chồng chị có duyên với những con số nên mới hơn một năm “vào nghề” mà đã ba lần bán vé trúng “giải an ủi”, sáu lần trúng giải nhất và mới hôm kia “phải hai con số không ngồi lộn chỗ là vô đặc biệt rồi. Những người trúng số coi vậy mà tử tế lắm, cứ chờ gặp vợ chồng chị để “cho chút đỉnh”. Tiền bán hàng ngày thì chi dùng, phần đó chị bỏ ống, phòng khi trái gió trở trời…”.

Anh chị ăn sáng xong, tiếng loa thùng lại vang lên, người phụ nữ mập mạp xù xì thế mà giọng ấm mượt lạ kỳ. Những Đôi mắt người xưa, Hai mùa mưa, Chuyện tình không dĩ vãng… vang lên. Người qua đường ủng hộ không ít. Tôi lấy hai vé, nhận lời chúc may mắn của anh chị, hẹn: “Nếu từ giải tư trở lên thì ngày mai gặp nhau”. Hết khách, anh dìu chị lên xe, chiếc xe gắ n máy cà tàng phình phịch phun khói. Phía sau là chiếc loa thùng cao ngang tầm lưng cho chị dựa, phía trước là tấm lưng nồng mùi mồ hôi quen thuộc, đời chị an vui từ khi anh chị có nhau.

Thùy Phương

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/tam-su/hon-nhan/doi-vui-la-khi-ta-gap-nhau-81278/