Dollar - sức ép còn tăng

Sau một thời gian dài trượt giá không phanh, không ai còn tự tin dự đoán mức đáy của USD, bất chấp những động thái cứu giá mới đây của Nhà Trắng.

dl311 Kỷ nguyên của Bush “con” được gắn liền với những cuộc viễn chinh, nhưng nổi tiếng hơn đó là sự đi xuống kỷ lục của USD. Có người nói khó khăn của nền kinh tế hôm nay chẳng qua là hệ quả tất yếu của cao trào kinh tế thời Clinton, là hệ quả của giai đoạn hậu dot.com. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, nguyên nhân chính là tại Nhà Trắng chi tiêu quá phóng túng. Thâm thủng ngân sách tăng lên gấp đôi, vượt quá 700 tỉ trong vòng 3 năm qua. Con số này tương đương với 5% GDP của nền kinh tế lớn nhất hành tinh này. Dưới thời Bush, Nhà Trắng của những người Cộng hòa luôn cứng rắn trước những thỏa ước môi trường quốc tế, song trong nước lại kiên định với việc bảo vệ nguồn dự trữ dầu tự nhiên. Không bị ràng buộc trong các cam kết của Nghị định thư Kyoto nên tiêu thụ dầu mỏ nước này tăng đột biến, nhưng sản xuất trong nước lại không được đẩy lên khiến thị trường dầu liên tục tăng giá. Việc tăng giá của dầu mỏ, bước đầu tưởng như không ảnh hướng lắm tới kinh tế quốc dân, nhưng dần già, lạm phát làm suy giảm sản xuất, tệ hơn cả là sự đổ vỡ của hệ thống tài chính với những khoản tín dụng khó đòi. Từ nhìn nhận vấn đề này Nhà Trắng đang bơm tiền để cứu nền kinh tế, hi vọng về lâu dài, việc bơm tiền sẽ vực dậy sản xuất và từ đó chặn đà đi xuống của USD. Nhưng trước mắt, việc bơm tiền vào lưu thông cũng là lúc những hi vọng về một tương lai mới cho đồng “đô” tắt ngấm. Nhưng đó chưa phải là tất cả, đồng USD mất giá trong giai đoạn này còn nhuốm mầu của cuộc chiến thương mại toàn cầu. Người ta ước tính, kể từ khi Bush nắm quyền, nước Mỹ mất tới cả triệu việc làm trước chính sách “săn đầu người” của Trung Quốc và các nước đang phát triển. Thâm thủng thương mại của Mỹ so với Trung Quốc năm qua lên tới 250 tỉ USD, một con số mà những người lạc quan nhất về tương lai của USD cũng chẳng dám chắc về thời kỳ hưng thịnh mới của đồng “bạc xanh” này. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng như hầu hết các nền kinh tế mới cũng đang đối mặt với lạm phát. Trước sức ép của giá cả, Bắc Kinh cũng như chính phủ của nhiều nước đang bỏ ngỏ khả năng thả nổi tỉ giá và đây cũng sẽ là áp lực lớn nữa để ép giá USD trên bình diện thương mại toàn cầu. Tương lai lên giá của USD vẫn còn mịt mù khi nền kinh tế Mỹ vẫn chưa tìm ra động lực mới. Chính vì thế, người ta khuyên rằng, các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế hướng xuất khẩu vào Mỹ cần sẵn sàng cho những khó khăn khi đồng nội tệ tiếp tục mất giá, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa vào thị trường lớn nhất hành tinh này.

Nguồn InfoTV: http://infotv.vn/quoc-te/29862-dollar-suc-ep-con-tang