Đòn bẩy tài chính đang bị lạm dụng?

Thời gian gần đây, Thị trường chứng khoán (TTCK) đang có những dấu hiệu “ấm” dần, chỉ số VN-Index đã lên hơn 600 điểm; giá trị giao dịch nhiều phiên lên đến lên tới 3.000 - 4.000 tỷ đồng/phiên, cá biệt có phiên lên đến gần 6.000 tỷ đồng.

CôngThương - Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chứng khoán cho rằng, chỉ số VN- Index lên điểm một phần không nhỏ đến từ đòn bẩy tài chính dưới các hình thức: bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán, cầm cố, hợp đồng hợp tác đầu tư… Đa dạng “đòn bẩy” trên TTCK Đòn bẩy tài chính mà các CTCK phối hợp với ngân hàng cung cấp cho nhà đầu tư (NĐT) chủ yếu dưới dạng hợp đồng hợp tác đầu tư. Tùy đặc thù của mỗi công ty, đòn bẩy được thực hiện dưới các hình thức khác nhau, phổ biến nhất là hình thức cho vay ký quỹ. Khi giá trị cổ phiếu giảm khoảng 20% hoặc 30% so với giá mua, ngân hàng sẽ yêu cầu NĐT đóng thêm tiền hoặc giải chấp chứng khoán để thu hồi vốn. Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) mời chào các sản phẩm cho vay đầu tư chứng khoán với tỷ lệ khá hấp dẫn, một số nơi lên đến 300% giá trị khách hàng ký quỹ. Ngoài ra, các CTCK cũng đưa ra một số dịch vụ cho vay khác như cho vay ứng trước ngay sau khi có kết quả khớp lệnh; cầm cố chứng khoán chưa niêm yết; cho vay bảo chứng; cho vay 100% thời gian T+1, T+2, thậm chí đến T+7… Lãi suất phụ thuộc thời gian khách hàng sử dụng dịch vụ ít nhất là 0,04-0,05%/ngày. Thời gian vay tùy loại chứng khoán và phụ thuộc vào giá trị tài khoản, tiềm lực tài chính của NĐT. Cụ thể, CTCK Bảo Minh (BMSC) đã hợp tác với các ngân hàng như BIDV, Vietinbank cung cấp dịch vụ cầm cố chứng khoán, ứng trước tiền bán chứng khoán. Theo đó, tùy vào từng danh mục chứng khoán do BMSC đưa ra, NĐT có thể được cầm cố từ 30 - 45% giá trị chứng khoán cầm cố để đầu tư. Ngoài ra, những loại chứng khoán có tính thanh khoản cao sẽ được cầm cố với tỷ lệ lớn. Ví dụ: trong tài khoản có 100 triệu đồng, NĐT có thể được ngân hàng hỗ trợ đến 150 triệu đồng để đầu tư. Tài sản thế chấp chính là số chứng khoán NĐT đã đầu tư. Tại CTCK Vincom (VincomSC) vừa tung ra thị trường sản phẩm cho vay vốn mua chứng khoán T+4. Tham gia dịch vụ này, NĐT được phép vay tối đa 300% giá trị khách hàng ký quỹ đối với các chứng khoán niêm yết tại Sở GDCK Tp. Hồ Chí Minh và tối đa 185% tại Sở GDCK Hà Nội. Còn đại diện CTCK Quốc tế Việt Nam (VIS) lại cho biết, với quy mô nhỏ, hạn mức tài chính dành cho đòn bẩy hỗ trợ NĐT tại công ty chỉ ở mức 50-70 tỷ đồng. Tỷ lệ hỗ trợ phụ thuộc từng mã cổ phiếu, song tính trung bình là 60:40 (NĐT có 60% tiền mặt, được vay 40%). Hiện tại chưa có quy định nào cho phép hoặc không cho phép các CTCK thực hiện nghiệp vụ giao dịch ký quỹ. Hơn nữa hình thức hợp tác giữa CTCK và NĐT cũng không thể hiện trên giấy tờ là nghiệp vụ ký quỹ, nên các CTCK không phải báo cáo nghiệp vụ này với cơ quan quản lý. Thực tế này là nguyên nhân khiến thị trường không có số liệu chính thức mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT và không biết có bao nhiêu CTCK cung cấp dịch vụ này. Lạm dụng đòn bẩy…? Trước thực tế nêu trên, nhiều chuyên gia chứng khoán lo ngại, nếu NĐT lạm dụng đòn bẩy tài chính thì áp lực bán ra sau mỗi đợt tăng của thị trường rất lớn. Theo T.S Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR- ĐHQG Hà Nội): để có được các con số chứng minh đòn bẩy tài chính đang bị lạm dụng thái quá không đơn giản. Hầu như không một NĐT nào công khai thừa nhận họ đi vay tiền ngân hàng, hay của người thân để mua chứng khoán. Thêm vào đó, ngoài không dễ kiểm soát luồng tiền ngân hàng “đổ” vào thị trường, nhiều luồng vốn khác, nhất là vốn nhàn rỗi trong dân cũng khó biết nó đang được hút vào thị trường ra sao. Về phía CTCK, lãnh đạo một CTCK cho rằng, khi hỗ trợ đòn bẩy tài chính cho NĐT, rủi ro thuộc về người cung cấp tín dụng, do vậy CTCK phải có quy định chặt chẽ. Mỗi mã chứng khoán trong danh sách được phép dùng “đòn bẩy” được phân tích, cân đo đong đếm kỹ lưỡng để định ra tỷ lệ thích hợp, đảm bảo tới mức tối đa an toàn trong trường hợp diễn biến thị trường thay đổi. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cảnh báo: Thực tế của việc sử dụng đòn bẩy tài chính vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, UBCK Nhà nước cần sớm nghiên cứu để ban hành văn bản pháp lý điều chỉnh việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Về phía NĐT, đặc biệt là NĐT mới, cần tìm hiểu kỹ thị trường, tốt nhất hãy sử dụng nguồn vốn của mình để đầu tư, đừng hùa theo “tâm lý bầy đàn” mà sử dụng đòn bẩy tài chính với mong muốn kiếm lời nhanh như những NĐT có kinh nghiệm. Nhật Quang

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/tai-chinh-chung-khoan/don-bay-tai-chinh-dang-bi-lam-dung/32/0/23589.star