Đờn ca tài tử - Mừng vui và trăn trở

1. Khi được mời đến thăm và nói chuyện nghề với lớp đào tạo “Đờn ca tài tử” của CLB tài tử – thuộc Trung tâm văn hóa TPHCM tổ chức, tôi thật sự vừa mừng vui, vừa ngỡ ngàng. Xưa nay, tôi cứ ngỡ rằng đờn ca tài tử chỉ là đặc sản của miền quê sông nước miệt vườn, nay đờn ca tài tử đã và đang hình thành, nở rộ giữa một thành phố công nghiệp, hiện đại.

Các thành viên của CLB tài tử TPHCM rất đa dạng, phong phú như: trí thức, viên chức, CNV các công ty, các cơ quan, các nhà doanh nghiệp, học sinh, sinh viên, tiểu thương, công nhân lao động... Trong đó có nhiều thành viên CLB đồng thời là các nhà tài trợ. Các “mạnh thường quân” này đã và đang góp phần lớn làm động lực thúc đẩy CLB hoạt động, phát triển và thu nhiều thắng lợi. CLB đã mở tại TPHCM 4 lớp dạy đờn ca - tài tử và mới tháng 7 qua, bế giảng một lớp 6 tháng cho huyện Lấp Vò – Đồng Tháp với số học viên đăng ký ban đầu chưa đến 50 nhưng khi vào học, có đến gần trăm người học đàn, học hát. Và càng đặc biệt hơn, CLB có mặt đông đủ các nghệ sĩ, nghệ nhân, soạn giả, danh cầm tên tuổi về đây vừa dạy, vừa làm cố vấn chuyên môn cho CLB. Điều mà ngày xưa, khi còn ở các nhóm tài tử làng quê, cũng như những năm trước đây, lúc hoạt động văn hóa ở sông nước đồng bằng, chúng tôi nằm mơ cũng không gặp được những tên tuổi lớn đó. Có chăng, chỉ gặp ở trong đĩa hát, ở sóng phát thanh, truyền hình. CLB đã hoàn thành bộ đĩa hình (VCD) với tất cả bài ca, bản nhạc tổ của tài tử để bảo tồn, truyền dạy. Đây là một công trình đáng ghi nhận. Trước đây, điều băn khoăn của chúng tôi mỗi lần được đi dự, đi chấm, đi xem các cuộc thi “Đờn ca tài tử” được tổ chức ở nơi này, nơi nọ là qua những cuộc thi đó, nghệ thuật đờn ca tài tử được đánh giá ra sao? Bài bản, nhịp nhàng đờn ca hay dở, đúng sai thế nào?... Trước tiên là nhiều thí sinh trước khi đi thi chưa được học cơ bản về đờn ca tài tử. Thậm chí có những đáp án từ phía Ban tổ chức cuộc thi chưa được chính xác! Vậy thì, sau những cuộc thi ấy đem lại lợi ích gì cho phong trào? Hôm nay, CLB tài tử TPHCM đã và đang làm một việc cơ bản nhất là muốn có phong trào, muốn có sự kế thừa và phát triển đúng đắn một loại hình âm nhạc, nghệ thuật của cha ông, trước tiên phải có học. Bởi nghệ thuật đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đầy tính khoa học và sáng tạo, sáng tạo trong khoa học. “Bảo tồn và kế thừa” là như vậy! 2. Nhưng còn “phát huy, phát triển”? Đây luôn là câu hỏi mà những bậc “tài tử – phong lưu” phải giải đáp và thực hiện. Ngày nay, trong nhịp sống công nghiệp, bận rộn, bộn bề, hối hả, con người không thể nào yên lòng để thả hồn vào cuộc chơi với khúc nhạc, lời ca mà mỗi bài, mỗi bản dài 3 - 4 lớp với hàng chục câu lê thê và gần như những bài bản ấy đều mang trong mình những “điệp khúc” kéo dài. Tài tử ngày nay, muốn tồn tại, để tồn tại, chúng ta cần cải tiến, trước tiên là rút ngắn bài bản lớp lang một cách hợp lý, cô đọng và hấp dẫn. Bên cạnh đó, để cho sự “kế thừa và phát triển” của loại hình nghệ thuật này trở thành hiện thực (chứ không chỉ là khẩu hiệu suông), điều không thể thiếu là sự tham gia đầy tâm huyết của các “thầy tuồng – soạn giả”. Bài “Dạ cổ hoài lang” từ nhịp 2 – 4 rồi trở thành vọng cổ nhịp 16 – 32 ngoài sự luôn luôn cải tiến, sáng tạo về mặt âm nhạc, nó còn cần kết hợp cả lời ca làm đậm thêm các điệu tâm hồn, đầy rung cảm cho những bài vọng cổ ấy. Bản vọng cổ phát triển và luôn hấp dẫn cho đến hôm nay là vì nó đã tập trung 3 yếu tố: đờn (cổ nhạc), lời ca (soạn giả) và giọng ca (nghệ sĩ) luôn làm cho người nghe đắm đuối. Ca nhạc tài tử chúng ta “bảo tồn” trong sự vận động, phát triển. Bảo tồn mà không “bảo thủ”. Phát triển, cách tân trên cơ sở kế thừa cái hay, cái đẹp, cái tuyệt vời của loại hình ca nhạc vừa dân gian, vừa bác học này. Phát triển, cách tân mà không đoạn lìa, mất gốc. Soạn giả NGÔ HỒNG KHANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2010/9/236111/