Dồn điền đổi thừa, nhìn từ Phúc Thành

Với diện tích đất tự nhiên 1.594 ha, trong đó 500 ha đất lúa, dân số 11.182 người, xã Phúc Thành là địa phương đi tiên phong trong dồn điền đổi thửa (DĐĐT) của huyện Yên Thành (Nghệ An).

Đến nay, toàn bộ đất canh tác xã này đã DĐĐT thành công, đem lại sinh khí mới trong SX và là cơ hội cho nông dân làm giàu từ đồng ruộng. Trước đây gia đình ông Trần Văn Lý ở thôn Nam Thịnh có 7 thửa ruộng tại 4 cánh đồng, tổng diện tích 3.400 m2. Sau khi DĐĐT, diện tích như cũ nhưng chỉ còn 2 thửa tại 1 cánh đồng.

Mấy vụ vừa qua, tại 2 thửa ruộng ấy, gia đình ông Lý vừa canh tác lúa thường vừa SX lúa lai F1 làm giống. Lão nông đang giữ cương vị trưởng thôn này cho biết: Hồi chưa DĐĐT, làm ra hạt thóc gian nan lắm. Đồng nào cũng có một vài thửa, nhưng chỉ 400 - 500 m2/thửa là nhiều. Có thửa ở đồng xa, đi lại tốn thời gian mà đón nước vào ruộng, phòng trừ sâu bệnh vô cùng khó khăn.

Không ít lần, chỉ vì đón nước mà mất đoàn kết với các hộ có ruộng lân cận. Nay ruộng nào cũng lớn, lại ở một cánh đồng, SX rất tiện. 3 vụ vừa qua, vụ nào cũng bội thu, năng suất trên 70 tạ/ha.

Cánh đồng lúa ở Phúc Thành sau DĐĐT

Phải nói rằng, chủ trương của địa phương đã đem lại cơ hội làm giàu cho nông dân. Hiện nay, lúa lai F1 cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Năng suất 2,2 tạ/ha/ vụ, nhiều hộ ăn nên làm ra. Năm ngoái, hộ ông Trần Văn Tiến thu 1,8 tấn trên 8 sào, bán được 48 triệu đồng. Quả là nguồn thu kỷ lục ở vùng thuần nông này.

Dẫn chúng tôi tham quan cánh đồng mẫu lớn của thôn, ông Lý cho biết thêm: Cùng với quá trình DĐĐT, xã đã triển khai xây dựng các tuyến giao thông nội đồng. Đồng nào cũng vậy, cứ 140 m có một tuyến thẳng tắp, rộng 5 - 7 m. Hệ thống giao thông nội đồng ra đời, nông dân đua nhau sắm máy cày, máy gặt đập liên hợp. Đến nay, 100% khâu làm đất và thu hoạch do máy móc đảm nhiệm.

Nông dân đã vĩnh viễn chấm dứt cảnh đầu vụ gánh phân ra đồng, cuối vụ gánh lúa về nhà. Ô tô đã thay thế cho đôi vai của họ. Ruộng diện tích lớn, ai nấy đầu tư thâm canh, năng suất cao, đời sống nông hộ đổi thay nhanh chóng. Năm 2010, thu nhập bình quân chỉ 18 triệu đồng/người/ năm, thế mà năm 2013 đã tăng lên 25 triệu.

Nói về thành tựu của công tác chuyển đổi ruộng đất, ông Đinh Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho hay: Trước đây, khi thực hiện Nghị định 64 của Chính phủ, hộ nào cũng 8 - 9 thửa tại nhiều cánh đồng. Chủ trương của xã là DĐĐT để mỗi hộ chỉ còn 1 -2 thửa tại 1 cánh đồng. Nghị quyết đã thông qua, song khâu thực hiện vô cùng gian nan. Người dân do quen với nếp canh tác cũ, không phải ai cũng đồng tình với chủ trương này.

Với quyết tâm phải triển bằng được, địa phương đã có những bước đi hợp lý. Trước hết, tổ chức họp thôn lấy ý kiến nhân dân. Có cuộc họp trên 2.000 người tham gia. Tiếp theo là thông qua đề án DĐĐT với tỷ lệ quy đổi hợp lý cho các loại đất. Khi toàn dân đã đồng thuận, chính quyền xã bắt tay vào đo đạc, giao lại ruộng đất cho từng hộ.

Đến nay, có thể nói kết quả rất mỹ mãn. Từ 6 - 9 thửa/hộ tại nhiều cánh đồng, nay 1.657 hộ chỉ còn 1 thửa; 506 hộ nhận 2 thửa đều tại 1 cánh đồng. Diện tích sau chuyển đổi 484 m2/khẩu.

“Thành công lớn nhất của DĐĐT là vận động mỗi khẩu hiến 55 m2, để có quỹ đất 49,3 ha xây dựng hệ thống giao thông nội đồng và thủy lợi, nếu không triển khai công tác này sẽ không thể nào làm được”, ông Dương khẳng định.

Hiện tại, hệ thống giao thông nội đồng trên địa bàn xã có tổng chiều dài 109,8 km (rộng 7 m, trong đó 5 m đường, 2 m kênh mương). Sau chuyển đổi, điều nhận thấy rõ nhất là đồng ruộng được đầu tư thâm canh và máy móc cơ giới phát triển rất mạnh. Thời điểm hiện tại toàn xã có 267 máy cày đa chức năng, 85 máy gặt, trong đó 3 - 4 máy gặt đập liên hoàn. 5 cánh đồng mẫu lớn đã hình thành.

Xã đang chú trọng SX lúa lai F1 làm giống trên diện tích 35 ha. Với giá 30.000 đ/kg đem lại cơ hội làm giàu cho nông dân khi mức thu nhập kỷ lục 140 triệu đồng/ha/năm. Tiếp đến là quy hoạch cánh đồng lúa nếp N87 là 50 ha. Với năng suất 70 tạ/ha, mỗi năm lúa nếp sẽ đem lại lượng của cải trị giá 245 tỷ đồng...

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/2/2/113953/don-dien-doi-thua-nhin-tu-phuc-thanh.aspx