Đơn giản hóa thủ tục, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của mọi người

Trong phiên làm việc ngày 8-9, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đã thảo luận về hai dự án luật “khó” là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật về Hội. Đây là những dự án đã được đưa ra bàn luận tại những kỳ họp trước, nhưng vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UB VHGDTNTN&NĐ), rất nhiều góp ý của đại biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIII về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được tiếp thu. Dự án luật đã được chỉnh lý theo hướng đơn giản hơn các thủ tục quản lý và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Dự án đã có có chương riêng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, gồm 4 điều quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng những nội dung quy định và sự tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhà nước trong dự thảo Luật còn chưa tương xứng và thiếu cụ thể cũng đã được tiếp thu, dự thảo mới nhất đã khẳng định và cụ thể hóa nội hàm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, tổ chức và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam, quy định về nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bổ sung quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.

Đại biểu Hoàng Ngọc Giao phát biểu tại phiên thảo luận

Nhiều đại biểu không nhất trí với quy định về điều kiện để một tổ chức được công nhận là tổ chức tôn giáo phải hoạt động ổn định trong 10 năm; Một số đại biểu đề nghị quy định theo hướng khi tổ chức đã đăng ký hoạt động tôn giáo và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một tổ chức tôn giáo thì được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét và công nhận ngay... nên tại dự thảo mới nhất, thời gian này đã được rút ngắn xuống 5 năm.

Lý do vẫn giữ thời hạn trên được UB VHGDTNTN&NĐ cho rằng việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động ổn định mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết, nhằm kiểm nghiệm thực tế hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn chưa thống nhất quan điểm này, như đại biểu Bùi Sỹ Lợi, cho rằng không có căn cứ nào để đưa ra thời hạn 5 năm, chỉ nên quy định các điều kiện chặt chẽ, tổ chức nào đáp ứng được các điều kiện sẽ công nhận.

Ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật còn quá nhiều quy định mang nặng tính hành chính, “xin - cho” và đề nghị quy định theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tăng hình thức thông báo cũng được tiếp thu. Ủy ban VHGDTNTN & NĐ đã phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại dự thảo Luật, điều chỉnh các thủ tục hành chính phù hợp hơn. Đến nay, rất nhiều nội dung trong dự thảo đã chuyển từ hình thức đăng ký - cấp phép hoặc đề nghị - chấp thuận sang hình thức thông báo.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ các trường hợp cơ quan có thẩm quyền được từ chối đăng ký, đề nghị của tổ chức, cá nhân có tín ngưỡng, tôn giáo, minh bạch hóa các thủ tục hành chính, thẩm quyền và thời gian xử lý... Những điểm mới này nhằm góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; đồng thời thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với những vấn đề thuộc về nội bộ của tổ chức tôn giáo. Về cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đa số đại biểu đều cho rằng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý là phù hợp.

Đối với dự án Luật về Hội, một số đại biểu cũng đề nghị làm rõ mục tiêu của việc xây dựng luật: Để đảm bảo quyền lập hội cho người dân hay để quản lý, kiểm soát hội hay cả hai. Luật nên được xây dựng theo hướng không xem nhẹ vai trò quản lý của Nhà nước, nhưng không theo hướng triệt tiêu quyền lập hội, kiểm soát quyền lập hội. Luật này sẽ giải quyết những vấn đề phát sinh trong hoạt động của các tổ chức ngoài nhà nước.

Nêu ra thực trạng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hôi, xã hội nghề nghiệp hiện nay là hoạt động ngày càng hình thức, hành chính hóa và thiếu hiệu quả, tiêu tốn ngân sách, đại biểu Hoàng Ngọc Giao dẫn nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho thấy kinh phí hoạt động của các tổ chức này năm 2016 đến 14.000 tỷ đồng, quản lý tổng giá trị tài sản là lên tới 68.000 tỷ, bằng 1,7% GDP. chưa nói nguồn nhân lực và cán bộ. Do đó, cần hướng tới việc các tổ chức này phải tự đảm bảo kinh phí hoạt động… Các dự án luật này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa ra Quốc hội thảo luận trong kỳ họp tới.

V. Hân

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/don-gian-hoa-thu-tuc-ton-trong-quyen-tu-do-tin-nguong-cua-moi-nguoi-407310/