Đơn giản và hạnh phúc

Triết gia danh tiếng người Ấn Độ, ông Rabindranath Tagore (1861 - 1941) đã để lại cho chúng ta một mệnh đề triết học có giá trị mãi mãi như sau: 'Để hạnh phúc, rất đơn giản. Nhưng để đơn giản, rất khó khăn'. Câu này tuy ngắn gọn, nhưng rất xúc tích và sâu sắc. Cặp đôi 'Hạnh phúc' và 'Đơn giản' quả thực thường đi song đôi với nhau nhưng tiến hóa khôn lường, kết quả không bao giờ biết trước được.

Nguồn: ITN.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Hạnh phúc là trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Thí dụ: Vì hạnh phúc của trẻ thơ. Gia đình rất hạnh phúc”. “Đơn giản là không có nhiều thành phần hoặc nhiều mặt, không phức tạp, rắc rối. Thí dụ: Phép tính đơn giản. Vấn đề không thể giải quyết một cách đơn giản”.

Thế kỷ trước, nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1989) đã viết: “Hạnh phúc ở đời là thứ phần thưởng chế tạo ra để riêng tặng cho những người đơn giản, hầu đền bù lại cho người ta những chỗ thiệt thòi khác”. Rõ ràng tổng kết đầy nhân ái và xót thương con người của Nguyễn Tuân đã bộc lộ hai ý rất quan trọng trong đời sống của con người. Thứ nhất, nếu ai sống đơn giản, không quá tham vọng, không quá phức tạp hóa cuộc đời thì sẽ tìm thấy hạnh phúc. Thứ hai, chính cái hạnh phúc tìm thấy trong phẩm chất sống đơn giản ấy là một cách đền bù tự nhiên cho những khó khăn, thiệt thòi mà mỗi con người phải chịu đựng trong cuộc sống hàng ngày.

Dưới con mắt của nhà tâm lý học cận đại, ông Dale Carnégie thì có sự khác nhau giữa “thành công” và “hạnh phúc”. Ông đã viết: “Thành công là đạt được thứ bạn muốn. Còn hạnh phúc là muốn thứ bạn đạt được”.

Hạnh phúc ở đời là thứ phần thưởng chế tạo ra để riêng tặng cho những người đơn giản, hầu đền bù lại cho người ta những chỗ thiệt thòi khác.

Nguyễn Tuân

Để rõ ràng và dễ hiểu hơn, triết gia La Cordaire (1802 - 1861) đã định nghĩa hạnh phúc như sau: “Hạnh phúc chỉ là cái hướng theo đuổi của con người”. Nếu thế thì “hạnh phúc” không có địa chỉ cụ thể mà trên thực tế cái “đơn giản”, dễ tìm, dễ thực hiện phù hợp với khả năng và sức lực của mình mới là cái dễ tìm thấy nhất, dễ đạt được nhất. Vì sao có những người dại dột, cứ phức tạp hóa cuộc đời, luôn tạo thêm khó khăn do tự mình gây ra nên để mãi mãi, hoặc mất đi nửa đời rồi, vẫn không tìm thấy hạnh phúc.

Triết gia De Sivry thì đã nói thẳng: “Nhầm lẫn tiền bạc với hạnh phúc nghĩa là lấy phương tiện làm chuẩn đích thì thật quá sai lầm. Có khác gì tưởng con dao và cái dĩa làm cho ta ngon miệng”. Thật là một thí dụ thú vị và đích đáng.

Một tác giả phương Tây khác lại xem xét “hạnh phúc” như là một ngôi nhà quá rộng nhưng bên trong chỉ toàn là những phòng chờ.

Triết gia Gustave Droz lại mô tả hạnh phúc rất dễ hiểu và đơn giản: “người ta đạt đến mức sung sướng được chỉ bằng cách góp nhặt cẩn thận từng mẩu vụn của hạnh phúc”. Câu này rất đáng được nhắc đi nhắc lại hàng ngày vì đó chính là chìa khóa. là bí quyết của hạnh phúc.

“Từng mẩu vụ của hạnh phúc” mà hàng ngày chúng ta có được chính là niềm vui cố gắng trong học tập, lao động sản xuất dù là ở nông thôn hay thành thị. Đó chính là lòng biết ơn quê hương, đất nước, ông bà, cha mẹ, những người hàng xóm cạnh nhà mình mà hàng ngày đã giúp đỡ mình vượt qua bao khó khăn để từng bước trưởng thành. Ai có lòng biết ơn, người đó có hạnh phúc.

Một khi ta làm được một điều hay, điều tốt, giúp đỡ được những người nghèo, người khó khăn, thiếu thốn vượt qua được một khó khăn, vất vả cụ thể cũng chính là những mẩu vụn của hạnh phúc như lời dạy của Gustave Droz.

Ông bà ta thường khuyên ta: “Thương người như thể thương thân”, hoặc “Lá lành đùm lá rách”, hoặc “Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn”... chính là dạy ta biết cách tích cóp những mẩu vụn của hạnh phúc mà nếu cố gắng ta có thể có được.

Mẹ Teresa Calcuta người Ấn Độ là một bậc thánh về lòng nhân ái. Mẹ đã cống hiến trọn đời cho người nghèo và người bệnh. Mẹ đã từng nói: “Chúng ta là những con người nhỏ bé, chúng ta không thể làm được những việc to lớn, nhưng chúng ta có thể hoàn thành những công việc nhỏ bé với một tình yêu lớn lao”. Chính lời dạy thiêng liêng này của mẹ Teresa Calcuta đã động viên hàng triệu triệu con người cần lao trên toàn thế giới nhẫn nại, kiên trì vượt khó để giành lấy cuộc sống cho chính mình và cho cộng đồng xã hội.

Để phân biệt kỹ hơn, triết gia Emile de Giradin (1806 - 1881) đã hướng dẫn cụ thể: “Có hai loại hạnh phúc. Hạnh phúc vật chất và hạnh phúc tình cảm. Thứ này có tính chất xã hội, thứ kia có tính chất nội tâm”.

Chao ôi, cao quý thay cách phân biệt hạnh phúc của Giradin bởi vì nó đã an ủi đến tận những người cùng khổ trong xã hội, bởi vì nó đã động viên và khích lệ được những công dân lương thiện yên tâm sống trong mọi hoàn cảnh trớ trêu và khốn khổ của cuộc sống đời thường. Chính cái hạnh phúc nội tâm mới thật sự là của con người, của những hoàn cảnh cụ thể là “Bây giờ và ở đây”.

“Bây giờ và ở đây” chính là cách suy nghĩ cụ thể, đơn giản cho tất cả những ai muốn thực sự phấn đấu để đạt được những ao ước, những hạnh phúc tự thân, do bàn tay mình làm nên, do tự thân mình nhắc nhở và kiên trì phấn đấu. Nó sẽ bền vững và ít bị phá hủy hơn là trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, từ bên ngoài tác động vào.

Đến đây, có thể nghĩ đến một thói quen đơn giản có thể áp dụng trong sinh hoạt đời thường như khi ta ăn, khi nói, khi suy nghĩ. Với câu cách ngôn cổ của người Pháp mà nhiều người đã được học, đã biết, đã thuộc là: “Người ta ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn”. Vì thế việc ăn, việc uống cốt là đủ chất, đúng giờ, ăn chậm, nhai kỹ, ăn chín, uống sôi là được. Nếu ai coi trọng miếng ăn hàng ngày quá, sa đà vào bia rượu, nhậu nhẹt thì sẽ gánh lấy cái họa bệnh tật như người xưa đã dạy “bệnh tòng khẩu nhập”, nghĩa là người ta mắc bệnh nọ tật kia là do con đường ăn uống mà nên.

Khi nói cũng nên học cách nghĩ cho thật kỹ rồi hãy nói. Đáng nói hai chỉ nên nói một thì tốt hơn. Lời nói ra cần ngắn, gọn, đủ ý cốt để đối tác hiểu được vấn đề và dễ dàng đáp ứng lại. Nên tránh cách nói vòng vèo, ví von vớ vẩn, nói dài, nói dai làm cho cuộc trò chuyện trở nên mất hứng thú và chẳng có được kết quả gì.

Khi suy nghĩ cũng nên học cách nhìn thẳng vào vấn đề, chớ nghĩ lung tung, lan man. Ví dụ: sức học của mình kém thì cố gắng cho việc tốt nghiệp lớp 12 để có cái mốc hoàn thành Trung học phổ thông. Cứ có cái bằng đã rồi sẽ suy nghĩ, tính toán đoạn đường tiếp theo. Có em học sinh học kém, ép cha mẹ bán đất bán nhà để lên thành phố học lớp luyện thi nọ, khóa luyện thi kia. Rút cuộc tiền mất, tật mang, mất tiền của và mấy năm xa nhà, lông bông, vô ích.

Tập cách ăn, cách nói, cách suy nghĩ cho ngắn gọn là những kỹ năng mãi mãi theo ta đến suốt cả cuộc đời.

Đại thi hào Pháp, ông Nicolas Boileau (1636 - 1711) đã từng khuyên bảo: “Hãy giản dị trong suy nghĩ. Hãy cao thượng mà không kiêu hãnh. Hãy xinh đẹp tự nhiên mà không phấn son”. Lẽ dĩ nhiên đây là cái mốc của mọi sự phấn đấu, nhưng cũng rất dễ hiểu, rất thực tế và có thể áp dụng được trong cuộc sống đời thường.

Trên các chương trình về ca ngợi người tốt, việc tốt ai cũng nhận thấy rõ một điều: Đó là những con người bình thường, những quần chúng lao động chân tay vất vả phải kiếm sống hàng ngày. Nhưng cái khác biệt lớn lao trong mỗi con người ấy chính là tình yêu quê hương, đất nước, yêu mến những người đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, những người lao động còn vất vả, khó nhọc.

Cái tình đồng bào ấy là sức mạnh giúp cho các chiến sĩ thi đua, các anh hùng lao động phấn đấu và cống hiến đúng như Boileau đã phân tích là “Cao thượng mà không kiêu hãnh”. Chúng ta mãi mãi biết ơn những người đã đem lại hạnh phúc cho người khác trong một xã hội “mình vì mọi người” của chúng ta.

Triết gia Ralph Waldo Emerson đã khẳng định: “Không ai có thể ban cho bạn sự bình an và hạnh phúc ngoài chính bạn”. Câu danh ngôn này càng phân tích, càng mổ xẻ, càng thấy đúng. Vì sao? Vì nó đã hướng con người đến một kỹ năng cao hơn, đó là “từ chỗ cho mình đến chỗ tự mình”.

Con người vượt qua thời kỳ thanh thiếu niên đến độ trưởng thành, vượt qua được thời trung niên thì sẽ rất vững vàng và đã thể nghiệm được cái cơ chế “tự mình” là hoàn toàn đúng và hoàn toàn xác thực. Mọi sự trông cậy, nhờ vả, dựa dẫm, chống lưng đều thất bại thảm hại nếu như chủ thể không tự đứng vững trước những thực tế phũ phàng của thời gian, của biến động thiên nhiên và tình hình xã hội.

Khép lại bài viết về “Đơn giản và hạnh phúc”, để tìm kiếm hạnh phúc nên nhớ đến cầu danh ngôn của William Hazlitt (1778 - 1830): “Bản chất của sự đơn giản là quy kết tự nhiên của tư tưởng sâu sắc”. Chính vì là quy kết tự nhiên của tư tưởng sâu sắc nên “đơn giản” mới khó tìm, khó thấy trong cuộc sống hàng ngày của mỗi con người bình thường chúng ta. Chỉ còn cách cố gắng, nỗ lực, nhẫn nại để học lấy cách suy nghĩ đơn giản trong mọi vấn đề để đạt được hạnh phúc cho bản thân mình.

TRẦN HỮU THĂNG

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/don-gian-va-hanh-phuc-10278480.html