Đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh

Tối 23/4, tại Quảng trường 24 tháng 4, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 45 năm ngày chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2017) và đón nhận Bằng di tích quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh.

. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liêntrao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh cho lãnh đạo tỉnh Kon Tum và huyện Đăk Tô. Ảnh: VGP/Trầm Hương

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng, trong đó Kon Tum là địa đầu phía bắc Tây Nguyên, án ngữ ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia; nối liền tuyến hành lang Bắc-Nam và tuyến hành lang giữa Đông và Tây Trường Sơn.

Với vị trí chính trị quan trọng này, đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã tập trung mọi lực lượng xây dựng vùng Bắc Kon Tum trở thành một khu vực phòng thủ kiên cố nhất ở phía bắc Tây Nguyên mà trung tâm là cụm phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh.

Từ năm 1957 đến năm 1972, Mỹ-chính quyền Sài Gòn đã cho xây dựng tại Đăk Tô-Tân Cảnh một hệ thống phòng ngự kiên cố nhất bao gồm căn cứ E42 ở Tân Cảnh và căn cứ Đăk Tô 2. Vì vậy, Đăk Tô-Tân Cảnh trở thành địa bàn diễn ra nhiều trận chiến quyết liệt giữa ta và địch.

Thực hiện chủ trương chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, khu ủy V và Tỉnh ủy Kon Tum đã quyết định mở chiến dịch Xuân-Hè 1972 nhằm tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum... để làm bàn đạp cho chiến dịch giải phóng Tây Nguyên sau này.

Chiến dịch Xuân-Hè năm 1972 diễn ra 68 ngày đêm, từ ngày 30/3-5/6/1972. Quân giải phóng của ta lần lượt tấn công và đập tan các tuyến phòng thủ của địch ở Chư Pao, Chư Thoi, Võ Định và dãy điểm cao ở bờ Tây sông Pô Kô.

Sau khi các cứ điểm ở bờ Tây sông Pô Kô bị tiêu diệt, đúng 4h30' ngày 24/4/1972, Trung đoàn 66 tiến công vào cứ điểm E42-Tân Cảnh. Sau 8 tiếng tấn công quyết liệt và thần tốc, 11h trưa ngày 24/4/1972 ta làm chủ hoàn toàn trận địa, cờ giải phóng tung bay trên cứ điểm E42-Tân Cảnh. Cụm phòng ngự Đăk Tô-Tân Cảnh, nơi được Mỹ-chính quyền Sài Gòn mệnh danh là “vành đai thép” ở Bắc Tây Nguyên bị quân ta tiêu diệt gọn.

Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh là một trận đánh tiêu biểu trong “chiến thuật đánh nhanh, diệt gọn”. Chiến thắng đã phá tung một mảng quan trọng trên tuyến phòng thủ cơ bản của địch ở Kon Tum, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở Tây Nguyên và làm suy yếu thế trận phòng ngự của đối phương.

Ảnh: VGP/Trầm Hương

Với chiến dịch Xuân Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên,ta đã giải phóng một vùng đất rộng lớn, mở rộng vùng giải phóng, tạo thành một căn cứ địa liên hoàn của ba nước Đông Dương từ Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia nối liền với Kon Tum và căn cứ Khu ủy V, nối liền tuyến đường Trường Sơn, rút ngắn nhiều cung đường vận chuyển hàng hóa, vũ khí, đạn dược vào chiến trường miền Nam.

Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ tạo ra một cục diện mới trên chiến trường miền Nam, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi Việt Nam.

Thắng lợi chiến dịch Xuân Hè năm 1972 mà đỉnh cao là chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ huy sáng suốt của các cấp ủy Đảng và của Bộ Tư lệnh chiến dịch; cùng tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm của các binh chủng, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Trong những năm qua được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương và các bộ ngành, di tích Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh đã từng bước được bảo tồn, tu bổ, tôn tạo. Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh trở thành địa chỉ về nguồn cho các thế hệ người Việt Nam, đặc biệt là nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum. Nơi đây cũng trở thành điểm đến ý nghĩa của du khách trong nước và quốc tế.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn của Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Việc trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đăk Tô-Tân Cảnh nói lên sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là trách nhiệm mà đảng bộ và chính quyền các dân tộc Kon Tum trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống để đẩy mạnh công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới của đất nước.

Để phát huy giá trị của di tích đặc biệt tiêu biểu này, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên đề nghị tỉnh Kon Tum bằng niềm tự hòa và tinh thần trách nhiệm, khẩn trương triển khai một số công việc như tiếp tục nghiên cứu giá trị của di tích để lập và từng bước triển khai Quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Kon Tum; đầu tư kinh phí chống xuống cấp, tu bổ, tôn tạo di tích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích; xây dựng kế hoạch sưu tầm các hiện vật gắn với di tích để phục vụ trưng bày tại di tích và Bảo tàng tỉnh; đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền về giá trị các mặt của di tích bằng những hình thức phù hợp, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát huy giá trị di tích trong cộng đồng để di tích trở thành điểm du lịch, địa chỉ đỏ có sức thu hút đối với mọi tầng lớp du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ...

Trầm Hương

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/don-nhan-bang-di-tich-quoc-gia-dac-biet-dia-diem-chien-thang-dak-totan-canh/304035.vgp