Đón TPP, doanh nghiệp Pháp sản xuất rượu vang tại Việt Nam

BizLIVE - Đó là thông tin được Tham tán Thương mại Trưởng đại diện Cơ quan vì sự phát triển quốc tế của các doanh nghiệp Pháp (UBIFRANCE) Marc Cagnard trao đổi với BizLIVE bên lề Chương trình thử rượu Pháp lần 5 – năm 2014.

Ông Marc Cagnard, Tham tán thương mại Trưởng đại diện cơ quan UBIFRANCE tại Việt Nam trả lời phỏng vấn BizLIVE (ảnh: Minh Hằng)

Là một chuyên gia xúc tiến thương mại, ông nghĩ như thế nào về thị trường rượu vang Việt Nam hiện nay?

Ấn tượng đầu tiên của tôi là thị trường rượu vang Việt Nam phát triển rất nhanh và rất mạnh. Hệ thống phân phối rượu vang của Việt Nam hiện nay cũng phát triển rất tốt, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn rộng khắp ở cả nước. Đó là về phía nhà nhập khẩu, nhà phân phối; còn về phía người tiêu dùng thì càng ngày càng biết thưởng thức rượu vang hơn, sành điệu hơn.

Hiện Việt Nam đang là một trong những thị trường rượu vang năng động nhất châu Á với tỷ lệ tăng trưởng trung bình dự báo hàng năm là 10% đến năm 2016 nên chúng tôi có nhiều đất để khai phá.

Đặc biệt, dù những năm vừa qua rượu vang của Chi Lê, Úc… vào Việt Nam rất nhiều nhưng rượu vang Pháp vẫn cạnh tranh được. Qua bao nhiêu năm, Pháp vẫn là nước dẫn đầu trong số các nước xuất khẩu rượu vang tại Việt Nam. Giá trị xuất khẩu rượu vang chính ngạch của Pháp vào Việt Nam năm 2013 là 16 triệu Euros.

Hiện UBIFRANCE có con số chính xác về thị phần của rượu vang Pháp tại Việt Nam và số lượng các nhà sản xuất rượu vang Pháp đã xâm nhập thị trường Việt Nam không?

Chúng tôi không có một con số chính thức về thị phần của rượu vang Pháp tại Việt Nam. Nhưng có thể tham khảo con số của hải quan Việt Nam thì hiện nay thị phần của vang Pháp tại Việt Nam là khoảng 17%.

Song đây chắc chắn không phải là 1 con số chính xác bởi nhiều khi rượu vang Pháp không vào Việt Nam thông qua con đường chính ngạch mà còn được nhập thông qua các con đường khác như từ Singapore, Malaysia… nên thực tế thị phần của vang Pháp tại Việt Nam còn cao hơn nữa.

Cũng như vậy, khó để nói chính xác có bao nhiêu nhà sản xuất rượu vang Pháp đã xâm nhập thị trường Việt Nam nhưng chắc chắn là rất nhiều.

Tôi chỉ có thể nói rằng, thông qua chương trình thử rượu Pháp, chúng tôi đã và đang đưa nhiều hơn nữa những nhà sản xuất rượu vang Pháp danh tiếng đến Việt Nam. Riêng lần này, chương trình đã có 17 công ty rượu Pháp với nhiều loại rượu chất lượng cao như vang, rượu mạnh… đến Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh giới thiệu sản phẩm.

Vậy trên thị trường rượu vang Việt Nam, ông lo ngại đối thủ nào nhất?

Nếu nói về đối thủ có thể chia làm hai loại, thứ nhất là những nhà sản xuất ở châu Âu như vang Ý, Tây Ban Nha, Áo…

Thứ hai là những đối thủ mới, đang phát triển rất mạnh. Đó là những nhà sản xuất ở các nước mới nổi gần đây như Chi Lê, Áchentina, Úc, Newzeland…

Ông không nhắc đến các nhà sản xuất vang nội, liệu có phải họ yếu quá nên không phải là đối thủ của vang Pháp?

Tôi không nói là người sản xuất rượu vang Việt Nam kém mà vấn đề do cách sản xuất khác nhau. Người Việt Nam sản xuất rươu vang là từ hoa quả, có thể từ nho, có thể từ loại hoa quả khác hoặc hỗn hợp của nhiều loại hoa quả với nhau.

Trong khi ở Pháp, rượu vang thì 100% phải được sản xuất từ nho. Do đó sản phẩm khác nhau nên không thể so sánh được.

Vậy theo ông khi Việt Nam ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó có nhiều nước xuất khẩu vang đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam như Chi Lê, Úc, Newzeland… thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình xuất khẩu rượu vang vào Việt Nam của các doanh nghiệp Pháp?

Chắc chắn điều này có ảnh hưởng bởi trong hiệp định TPP, hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên gần như gỡ bỏ hoàn toàn, về bằng 0 trong khi thuế suất đối với vang Pháp vẫn còn cao.

Do đó, cạnh tranh thị phần rượu vang ở Việt Nam sẽ gay gắt, quyết liệt hơn; thị trường rượu vang Việt Nam cũng sẽ sôi động và đa dạng hơn.

Nhưng hiện Liên minh Châu Âu, trong đó Pháp là một thành viên đang đàm phán với Việt Nam Hiệp định tự do thương mại EU – Việt Nam.

Nếu hiệp định này được ký kết thì thuế suất sẽ được giảm nhiều hơn so với bây giờ. Tôi nghĩ, đây là một cách để đối phó với tính cạnh tranh cao, lợi thế của các nước xuất khẩu rượu vang trong TPP.

Gần đây để đón đầu TPP với thuế suất gần như bằng 0 khi hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc xuất xứ từ các nước thành viên, một số nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan đã chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam.

Vậy ông có từng nghĩ đến việc các nhà sản xuất rượu vang Pháp tìm đến Việt Nam sản xuất để được hưởng lợi từ TPP trong khi Việt Nam cũng có những vùng địa lý thích hợp để trồng nho như Đà Lạt, Ninh Thuận, Bình Thuận…?

Vang Pháp nổi tiếng vì gắn liền với vùng, lãnh thổ, đất, nước, ánh nắng, độ ẩm, lịch sử, văn hóa, truyền thống sản xuất, quy trình, quy cách nên việc chuyển sản suất rượu nho sang nước khác là hầu như không thể. Với những ngành khác thì có thể nhưng với rượu vang thì rất khó.

Song một nhà sản xuất Pháp (VMVASIA) đã có sáng kiến trồng nho và sản xuất rượu vang Pháp tại Việt Nam. Cách đây 2 – 3 năm, họ đã tiến hành nghiên cứu và trồng nhiều loại nho ở Đà Lạt để xem loại nào phù hợp nhất, có hương vị ngon nhất. Hiện tại đã có hơn 25 ha nho kết trái, dự kiến sẽ chiết xuất loại rượu vang đỏ trứ danh của nước Pháp.

Nếu công ty VMVASIA thành công, theo ông, liệu có xuất hiện xu hướng các nhà đầu tư Pháp sẽ sang Việt Nam sản xuất rượu vang?

Dĩ nhiên, nếu VMVASIA thành công sẽ tạo nên một loại rượu vang Pháp được sản xuất tại Việt Nam và sẽ có sức cạnh tranh lớn, nhất là hưởng những lợi thế từ TPP. Tôi tin điều này sẽ tạo nên một xu hướng đầu tư ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông

Một số hình ảnh về Chương trình thử rượu Pháp lần 5 - năm 2014 tại Việt Nam

Chương trình lần này có 17 công ty rượu Pháp giới thiệu các loại rượu hảo hạng đến từ những vùng sản xuất rượu nổi tiếng nhất của Pháp như Bordeux, Burgundy, Cognac, Champagne... qua đó thiết lập các mối quan hệ hợp tác và thương mại giữa hai bên. (Ảnh: UBIFRANCE)

Trong đó, vang Pháp đặc biệt được nhiều nhà nhập khẩu Việt Nam quan tâm và chú ý. (Ảnh: UBIFRANCE)

Đại diện thương hiệu Vignerons Catalans - nhóm các nhà sản xuất rượu vang lớn nhất vùng Roussillon Adeline Moutier cho biết: Đây là năm thứ 3 liên tiếp, Vignerons Catalans tham dự chương trình này và nhờ đó, mỗi năm công ty bà lại tìm kiếm được thêm những hợp đồng mới, những đối tác mới". (Ảnh: UBIFRANCE)

Đại diện của thương hiệu Avoc Graves - thương hiệu lớn nhất ở Bordeaux thì cho biết: "Chúng tôi kinh doanh rượu vang trên khắp thế giới nhưng hiện chưa có mặt ở Việt Nam nên thông qua chương trình này chúng tôi muốn tìm kiếm một đối tác tốt tại đây". (Ảnh: UBIFRANCE)

Đây là chương trình thường niên do UBIFRANCE tổ chức và năm nay tại Việt Nam, chương trình được tổ chức vào ngày 3/3 ở Hà Nội và ngày 4/3 ở TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, chương trình này cũng sẽ được tổ chức tại Thái Lan và Myanmar. (ảnh: UBIFRANCE)

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/don-tpp-doanh-nghiep-phap-san-xuat-ruou-vang-tai-viet-nam-108573.html