Đóng BHXH “thiệt” hơn gửi tiết kiệm: Cách tính không chính xác!

Ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) - khẳng định: Tham gia BHXH mang lại quyền lợi tốt nhất cho người lao động (NLĐ)

Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) Trần Hải Nam

Ông Trần Hải Nam: - Tôi xin khẳng định phương pháp tính đó là chưa đầy đủ và không chính xác, vì đưa ra cách tính toán chỉ dựa trên thông số một cách rất đơn giản. Đó là số tiền đóng, tỉ lệ đóng và tính toán trượt giá theo thời gian, mức hưởng. Đồng thời, bài toán đó chưa tính đến các yếu tố như: Khi tính trợ cấp bảo hiểm trong chính sách quy định rất rõ là tính toán tiền trợ cấp theo giá trị của đồng tiền, theo trượt giá thì toàn bộ số tiền đóng của NLĐ đã được tính vào điều chỉnh theo trượt giá.

Gần đây nhất là ngày 28-12-2016, Bộ LĐ-TB-XH ban hành Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với người hưởng lương hưu trong năm 2017. Theo đó, mức điều chỉnh cao nhất áp dụng đối với số tiền đóng trong khoảng thời gian trước năm 1995 là 4,4 lần. Như vậy, rõ ràng không thể lấy số tiền tuyệt đối đã đóng BHXH của 20 năm, 30 năm về trước ra để tính hưởng lương hưu, mà số tiền đó phải được điều chỉnh để bù đắp yếu tố lạm phát. Đơn cử như theo quy định tại Thông tư 42, thì một người đóng 1 triệu đồng tiền BHXH ở năm 1994, thì đến năm 2017 khi về hưu, số tiền này sẽ được điều chỉnh thành 4,4 triệu đồng khi tính mức lương hưu. Việc tính lương hưu như trên mạng xã hội (lấy tỉ lệ 75% nhân với giá trị tuyệt đối của số tiền đã đóng mà không có giả định về tỉ lệ lạm phát và áp dụng hệ số điều chỉnh) là không đúng với chính sách BHXH.

Bên cạnh đó, chính sách BHXH có quy định về việc điều chỉnh lương hưu trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với NSNN và quỹ BHXH. Thực tế thời gian qua, mức lương hưu của người nghỉ hưu đã liên tục được nâng lên. Nếu tính cho giai đoạn từ năm 2003- 2016, Chính phủ đã 14 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 7,4- 9,2 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 2002. Như vậy, việc tính toán nhưng không có giả định về tốc độ tăng trưởng kinh tế và chỉ số giá tiêu dùng để xác định mức điều chỉnh lương hưu sẽ không phản ánh đúng và đầy đủ quyền lợi mà người tham gia BHXH được thụ hưởng.

Ngoài ra, việc lấy tỉ lệ đóng góp 26% hay 30,5% để tính toán số tiền đóng vào quỹ làm cơ sở để so sánh với số tiền được nhận sau này là không hợp lý. Vì trong tổng tỉ lệ đóng góp trên bao gồm cả 3% đóng vào quỹ ốm đau, thai sản; 1% đóng vào quỹ TNLĐ-BNN và 4,5% đóng vào quỹ BHYT- là những quỹ ngắn hạn, có tính chất chia sẻ rủi ro cao giữa người khỏe mạnh với người ốm đau, bị TNLĐ-BNN. Trong những trường hợp NLĐ mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, mắc các bệnh đòi hỏi chi phí điều trị kỹ thuật cao, bị TNLĐ hoặc mắc các bệnh với tỉ lệ suy giảm khả năng lao động cao, thì số tiền chi trả cho những rủi ro như vậy là vô cùng lớn. Như vậy, khi so sánh, chỉ nên lấy tỉ lệ đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất là 22%.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là ngoài quyền lợi về lương hưu, người nghỉ hưu còn được hưởng BHYT do quỹ BHXH chi mua thẻ BHYT (mức chi bằng 4,5% mức lương hưu). Khi qua đời, người lo mai táng còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm NLĐ chết; thân nhân còn được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, thì tối đa được 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già hưởng cho đến khi qua đời.

Theo tính toán của các chuyên gia, với những quy định về đóng- hưởng BHXH như hiện nay, một NLĐ tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8- 10 năm. Như vậy, với kỳ vọng sống của những người sống sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm, thì rõ ràng quyền lợi mà NLĐ đang được hưởng là rất lớn.

Với cách đóng - hưởng lương hưu như hiện nay, thì NLĐ có bị thiệt thòi như thông tin đưa trên mạng không, thưa ông?

- Bài toán cân đối đóng- hưởng trong chính sách BHXH của Việt Nam hiện nay vẫn đang được các tổ chức quốc tế khuyến nghị phải thay đổi. Thậm chí, nhiều chuyên gia quốc tế còn đề xuất Việt Nam nghiên cứu giảm tỉ lệ hưởng lương hưu xuống (mặt bằng tỉ lệ chung trên thế giới chỉ vào khoảng từ 45%-50%). Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn đang duy trì chính sách với tỉ lệ hưởng cao, đang rất có lợi cho NLĐ.

Tôi cũng nói rõ hơn, nhìn vào tỉ lệ đóng- hưởng hiện nay có thể thấy quyền lợi của NLĐ được đặt lên hàng đầu. Ví dụ như, đối với người tham gia BHXH tự nguyện, họ phải đóng toàn bộ cả phần của chủ SDLĐ và NLĐ. Tuy nhiên, nhìn vào tỉ lệ đóng- hưởng cho thấy, hiện nay nhóm tham gia BHXH tự nguyện chỉ đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất 22% tỉ lệ đóng; trong khi tỉ lệ hưởng tối đa họ có thể nhận được lên tới 75%. Cùng với tuổi thọ đã gia tăng nhiều so với trước đây cho thấy rõ, quyền lợi hưởng của NLĐ sẽ có lợi hơn rất nhiều so với đóng.

* Như ông phân tích thì đây là cách tính toán cho NLĐ chỉ đóng 8% tiền BHXH. Vậy, đối với trường hợp NLĐ tham gia BHXH tự nguyện phải đóng với tỉ lệ 22% thì sao?

- Theo tính toán của chúng tôi, ngay cả khi NLĐ đóng toàn bộ với tỉ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất (tham gia BHXH tự nguyện), thì họ vẫn rất có lợi khi tiếp cận lương hưu với tỉ lệ hưởng lên đến tối đa là 75% (tỉ lệ tích lũy của Việt Nam hiện nay là 2,5% cho mỗi năm đóng đối với nam và 3% cho mỗi năm đóng đối với nữ- đang là cao so với các nước trên thế giới). Còn đối với những NLĐ có quan hệ lao động và được người SDLĐ đóng 14%, bản thân NLĐ chỉ phải đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất, thì lợi ích trong việc tham gia BHXH lớn hơn rất nhiều.

Tôi xin khẳng định, chính sách BHXH hiện nay, trong đó có BHXH tự nguyện hoàn toàn mang lại quyền lợi tốt cho NLĐ, đảm bảo thu nhập khi đến tuổi nghỉ hưu.

Theo Tạp chí Bảo hiểm Xã hội

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/dong-bhxh-thiet-hon-gui-tiet-kiem-cach-tinh-khong-chinh-xac-20170311083009322.htm