Đóng BHXH tự nguyện một lần cho nhiều năm

Ngoài cách đóng hằng tháng hay theo quý, theo năm, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều năm không? Quy định cụ thể về việc này như thế nào? Nguyễn Văn Hồ (Hải Phòng)

Ngoài cách đóng hằng tháng hay theo quý, theo năm, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng một lần cho nhiều năm không? Quy định cụ thể về việc này như thế nào? Nguyễn Văn Hồ (Hải Phòng)

Trả lời:

Quy trình thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã hướng dẫn các phương thức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện.

Theo đó, ngoài việc được lựa chọn một trong các phương thức: đóng hằng tháng, ba tháng một lần, sáu tháng một lần, 12 tháng một lần, người tham gia BHXH tự nguyện được chọn:

- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

- Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4 và 1.5 Khoản 1 Điều này (đóng hằng tháng, ba tháng một lần, sáu tháng một lần, 12 tháng một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần) cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu.

Xử phạt vi phạm trong việc lập hồ sơ hưởng BHXH, BH thất nghiệp

Những hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ hưởng BHXH, BH thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt thế nào theo quy định hiện hành?

Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hà Nội)

Trả lời:

Theo Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7-10-2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hành vi vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ BHXH, BH thất nghiệp sẽ bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BH thất nghiệp.

2. Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với NLĐ có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về BH thất nghiệp sau đây:

a) Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi NLĐ có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp;

c) NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

3. Phạt tiền từ 2 triệu đến 4 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (SDLĐ) có hành vi không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc của người SDLĐ khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật.

4. Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với người SDLĐ có hành vi giả mạo hồ sơ BHXH, BH thất nghiệp để trục lợi chế độ BHXH, BH thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BH thất nghiệp giả mạo.

5. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với người SDLĐ có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc nộp lại cho tổ chức BHXH số tiền BHXH, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ đúng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 5 Điều này.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/34049502-dong-bhxh-tu-nguyen-mot-lan-cho-nhieu-nam.html