Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản với quân tình nguyện Việt Nam

ND - Mùa hè năm 1970, chiến sự ở mặt trận Cánh Đồng Chum diễn ra rất quyết liệt. Cơ quan Bộ Tư lệnh Mặt trận 959 chuyển đến Khe Thơi miền tây Nghệ An để chỉ huy các đơn vị tham gia chiến dịch.

Chiều 20- 5, chúng tôi được phổ biến nhiệm vụ đón phái đoàn cấp cao Lào với lễ nghi long trọng nhất. Đây là lần đầu tiên một lãnh tụ Lào đến thăm bản doanh đơn vị Quân Tình nguyện Việt Nam, mọi người đoán non, đoán già không biết Chủ tịch Xu-pha-nu-vông hay đồng chí Cay-xỏn, nhưng đều tự hào và phấn khởi. Dọc quốc lộ 7, những con cú vọ "OVIO" thường xuyên trinh sát, những tốp máy bay lồng lộn ban ngày bắn phá cầu đường, làng bản đã thành trơ trụi, thỉnh thoảng những chiếc xe trâu, xe ngựa và vài tốp người thưa thớt trên đường. Chủ nhiệm chính trị Lê Linh - Trưởng ban đón tiếp rải bản sơ đồ lên chiếc bàn tre phân công nhiệm vụ, tính toán khối lượng công việc với thời gian ít ỏi, yêu cầu khẩn trương, chu đáo, bảo đảm an toàn, mọi việc phải xong trong đêm. Tôi ở trong Ban tổ chức, được phân công trực tiếp phần nghi lễ. 5 giờ sáng, trên Bộ điện xuống: Đoàn cán bộ "Chim Én" đến sớm hơn, do bí mật cao, không làm cổng chào, không treo cờ, căng biểu ngữ. Hộ tống đoàn có đồng chí Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng. Thế là "lật cánh" rồi! Mọi công việc chuẩn bị suốt trong đêm để đón khách như cổng chào, căng biểu ngữ, luyện đội tiêu binh... nay phải dỡ bỏ, xong trước 6 giờ sáng. Trời vừa tảng sáng, lại một cơn mưa rừng ập đến, dòng suối ven Sở chỉ huy bỗng ào ào ập đến, cây đổ, lán trại ướt sũng. 9 giờ sáng ngày 21-5. Đoàn xe con cài lá ngụy trang đi lọt vào trong cửa rừng, trực ban báo cáo đoàn xe đã đến. Xe từ từ tiến vào và dừng lại. Từ trong xe, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản thong thả bước ra. Tất cả mọi cán bộ, chiến sĩ trong đội hình chỉnh tề, vỗ tay nhiệt liệt chào mừng Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản. Đồng chí Cay-xỏn nhận bó hoa tươi thắm, tươi cười vẫy chào cán bộ, chiến sĩ ra đón và ôm hôn thắm thiết Tư lệnh Vũ Lập, Chính ủy Huỳnh Đắc Hương. Đồng chí Cay-xỏn khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, bước đi nhanh nhẹn, với bộ quân phục mầu xanh giản dị, vui vẻ nhìn chúng tôi trìu mến. Đồng chí đi sát hàng quân rồi bỗng nhiên dừng lại thân thiết vỗ vai một đồng chí cán bộ và hỏi (qua phiên dịch): - Đồng chí hoạt động ở Cánh Đồng Chum mấy năm rồi? - Báo cáo, 5 năm rồi ạ! - Đồng chí về thăm gia đình lần nào chưa? - Báo cáo, một lần rồi ạ! Rồi đồng chí Cay-xỏn hỏi tiếp đồng chí đứng kế bên: - Đồng chí tên gì, ở đơn vị nào? - Báo cáo, tôi là Nguyễn Chí Nguyện, Trưởng phòng 2 Mặt trận. Đồng chí vui vẻ nói: - Phòng 2 mùa khô này đã chuẩn bị bao nhiêu dây thừng để bắt sống tướng phỉ Vàng Pao và quân địch? Mọi người cười vang, không khí buổi đón tiếp thật thân tình, vượt qua mọi lễ nghi. Riêng tôi, hết sức vinh dự vì lần đầu tiên được một lãnh tụ nước ngoài gần gũi đặt tay lên vai và nói chuyện tình cảm trìu mến. Sau khi làm việc với Bộ Tư lệnh mặt trận, đồng chí có buổi nói chuyện với cán bộ chỉ huy sư đoàn, trung đoàn và các cơ quan của Bộ Tư lệnh. Sau khi phân tích thế chiến lược nước Lào và bán đảo Đông Dương, đồng chí nói: "Trong lịch sử chiến đấu và bảo vệ đất nước Lào, nơi nào có máu của nhân dân Lào đổ, ở đó có máu của Quân Tình nguyện Việt Nam. Vì lẽ đó, chúng ta phải bảo vệ sự đoàn kết hai Đảng, hai dân tộc. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu cũng đã căn dặn như vậy". Lòng tôi tràn đầy xúc động, liên tưởng đến bao chặng đường chiến đấu hy sinh của bộ đội mình đổ máu trên những cao nguyên, rừng già, khe suối của đất nước Lào anh em, nay được củng cố thêm lòng tin về nhiệm vụ. Đồng chí Cay-xỏn nêu gương vai trò Quân Tình nguyện Việt Nam đã cùng quân dân Lào chiến thắng ở Nậm Thà, Nậm Bạc, Pa Thí, Cánh Đồng Chum... Ở đó những người con "ưu tú" của nhân dân Việt Nam đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, sống chết có nhau, cùng một chiến hào - đó là những tấm gương mẫu mực thủy chung hiếm có trên thế giới, là viên ngọc quý của hai dân tộc... Mọi người vỗ tay nhiệt liệt, kéo dài. Đồng chí nói tiếp: Nước Lào dân số không đông nhưng lại rất kiên cường, có sức mạnh chiến tranh nhân dân, có truyền thống văn hóa dân tộc, là "quả ớt chỉ thiên", đế quốc Mỹ ăn vào bị cay đắng thất bại nuốt không trôi, phải rút lui thảm hại ra khỏi nước Lào. Tiếng vỗ tay lại vang dội kéo dài khi đồng chí Cay-xỏn giơ hai bàn tay dừng lời. Buổi trưa hôm đó, đồng chí Lê Linh phân công tôi cùng đi tháp tùng đồng chí Cay-xỏn. Đồng chí cùng đoàn cán bộ xắn quần lội suối hơn một giờ đến với Tiểu đoàn 41 đặc công anh hùng, đơn vị sẽ có vinh dự đánh vào sào huyệt địch. Khi đến hội trường, bộ đội đã tập trung đông đủ. Tổng Bí thư Cay-xỏn không ngồi ghế được bố trí sẵn mà đứng ngay giữa hai hàng ghế bộ đội và vui vẻ nói: Cho tôi nói chuyện như người nhà. Đồng chí đánh giá cao thành tích của Tiểu đoàn 41 đặc công và căn dặn phải chú ý một số phương thức đánh địch, chú trọng công tác dân vận, địch vận. Đồng chí Cay-xỏn hỏi đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn Bùi Tựa: - Đơn vị ta có bao nhiêu đồng chí biết nói tiếng Lào? - Báo cáo có hơn 100 đồng chí biết tiếng Lào, có 70 đồng chí biết tiếng Mẹo (Lào Xủng) ạ! - Đồng chí Cay-xỏn vui vẻ thân tình nói: Tôi xin phép được coi Tiểu đoàn 41 là người con thân yêu của nhân dân Lào, các đồng chí đồng ý chứ? Toàn thể hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Sau đó là các tiết mục văn nghệ chúc mừng Tổng Bí thư bằng những lời ca, điệu múa ca ngợi nước Lào tươi đẹp, những tiếng trống lăm-vông rộn ràng, đầm ấm, thắm tình hữu nghị. Đến nay, gần 40 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh, tác phong quần chúng, tình cảm nồng thắm của đồng chí Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản với Quân Tình nguyện Việt Nam vẫn in đậm trong trí nhớ và trái tim chúng tôi. ĐINH VĂN DUNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=159674&sub=130&top=37