Đồng chí Lê Trọng Tấn với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi góp phần quyết định kết thúc 9 năm kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng đó đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, là chiến công chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, trong đó có vai trò, đóng góp của các cá nhân lịch sử, mà đồng chí Lê Trọng Tấn là một trong số đó.

Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc. Ảnh tư liệu

Được tôi luyện trong phong trào cách mạng, nổi lên là một nhà chỉ huy quân sự đầy tài năng, dày dạn kinh nghiệm qua nhiều năm chiến đấu, năm 1950, khi Đại đoàn 312 được thành lập, đồng chí Lê Trọng Tấn được Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy tin tưởng giao giữ chức Đại đoàn trưởng, lúc đó ông mới 36 tuổi.

Đại đoàn 312 - một trong những đại đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều thành tích nổi trội, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tên tuổi của đồng chí Lê Trọng Tấn gắn liền với Đại đoàn 312 in đậm dấu ấn trên khắp các chiến trường từ trung du, Việt Bắc, Tây Bắc... đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn chiến dịch và tiêu diệt cứ điểm Him Lam - một trung tâm phòng ngự kiên cố nhất của địch thuộc phân khu trung tâm, cách Mường Thanh hơn 2km, án ngữ con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ. "Pháo đài bất khả xâm phạm" Him Lam do một cố vấn Mỹ vừa ở chiến trường Triều Tiên về thiết kế và trực tiếp đôn đốc thi công.

Tướng Mỹ O'Daniel và tướng De Castries thân chinh bố phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Pleven đã đến tận nơi kiểm tra, khen ngợi. Một tù binh Pháp phòng thủ Him Lam bị bắt trước khi mở màn chiến dịch có nói: "Đánh được Him Lam thì các ông có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ".

Dưới sự chỉ huy tài giỏi của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn 312 đã chiến thắng trong trận mở màn, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Đồng chí Lê Trọng Tấn cũng là người chỉ huy đơn vị tiến công vào sở chỉ huy bắt sống tướng De Castries và Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tướng bại trận De Castries thú nhận: "Chúng tôi rất khâm phục đơn vị đánh đầu tiên Điện Biên Phủ và cũng chính là đơn vị đã bắt sống chúng tôi vào những ngày cuối cùng".

Sách "Đại đoàn 308 với Chiến dịch Điện Biên Phủ" của Phạm Chí Nhân, khi kể về "Những chân dung sống mãi với Điện Biên Phủ", ông viết những dòng tâm huyết, cảm phục vị tướng lừng danh Lê Trọng Tấn: "Nhớ về trận Điện Biên Phủ, không thể không ghi lại chân dung một vị tướng lừng danh: Đại tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy Đại đoàn 312 đánh thắng trận đầu tiên diệt cụm cứ điểm Him Lam và cũng là người chỉ huy bắt sống tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm. Mặc dù ít được trực tiếp làm việc với anh, nhưng tôi viết về anh với tất cả tấm lòng yêu mến và kính trọng. Bởi lẽ cuộc đời chiến trận của anh là một bản trường ca. Dấu ấn của anh đã in sâu vào chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam trên khắp các chiến trường Đông Dương. Bởi lẽ tầm nhìn chiến lược của anh, tài chỉ huy của anh, tấm gương trung thực và nhân hậu của anh đã tỏa khắp toàn quân, nhắc nhở, động viên chúng tôi sống và chiến đấu".

Tại lễ mừng công Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 vinh dự được nhận phần thưởng cao quý: Cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phần thưởng đó ghi nhận chiến công, đóng góp to lớn của Đại đoàn 312, mà đồng chí Lê Trọng Tấn là người chỉ huy quân sự cao nhất - Đại đoàn trưởng.

Điện Biên Phủ ngày ấy đã đi vào quá khứ, nhưng trong mỗi cán bộ, chiến sĩ và người dân cả nước khi "nhớ về trận Điện Biên Phủ, không thể không ghi lại chân dung của một vị tướng lừng danh: Đại tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy Đại đoàn 312 đánh thắng trận đầu tiên diệt cụm cứ điểm Him Lam và cũng là người chỉ huy bắt sống tướng De Castries cùng Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm", giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam.

Theo Báo Quân đội nhân dân/HUYỀN TRANG (lược trích)

1. Sách “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam”, NXB Quân đội nhân nhân, 2014.

2. Sách “Đại tướng Lê Trọng Tấn - Người của những chiến trường nóng bỏng”, NXB Văn học, 2014.

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/dong-chi-le-trong-tan-voi-chien-dich-dien-bien-phu-20202.html