Đồng đội ơi, chúng tôi mãi không quên

Những ngày tháng 7/2017, hàng triệu người dân trên đất nước Việt Nam bằng nhiều hành động đã bày tỏ lòng biết ơn, thành kính với những người Mẹ Việt Nam Anh hùng, tưởng nhớ, tri ân người con anh dũng của dân tộc đã vĩnh viễn gửi lại tuổi xuân, hy sinh cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và mỗi người dân Việt Nam luôn ghi lòng, tạc dạ, mãi ghi ơn với những gia đình đã có công với đất nước. Và những ngày này, theo chân những cựu chiến binh, tôi lại có dịp về với mảnh đất Quảng Trị, địa danh đã làm lên những thiên anh hùng ca trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Lễ cầu siêu các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh tại Thành cổ Quảng Trị.ảnh: B.D

Đồng đội ơi, tôi đã về đây

Trải chiếc chiếu ngồi bên bến sông Thạch Hãn, ông Bùi Xuân Bảng (68 tuổi) ở xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang cùng đồng đội hướng ánh mắt đăm đăm về bên kia bến sông. 45 năm đã trôi qua, cảnh vật nơi đây đã có nhiều thay đổi, nhưng trong ký ức của anh lính quân nhu thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 18, Sư đoàn 35, diễn biến về cuộc chiến khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972 vẫn chưa thể phai mờ.

“Tháng 4/1972, tôi hành quân vào Quảng Trị. Đơn vị tôi được lệnh chốt ở khu vực gần bờ sông Thạch Hãn. Bến sông này giờ bình lặng là thế, nhưng 45 năm trước, ban ngày giao tranh ác liệt, đêm đến, chúng tôi được lệnh bí mật đưa- đón anh em, tiếp thêm nhu yếu phẩm. Cũng bến sông này, rất nhiều đồng đội của tôi đã hi sinh khi tuổi đời mới đôi mươi. Vì vậy, những ngày này tôi rất mong được trở lại nơi này để tưởng nhớ, tri ân đồng đội, thắp cho đồng đội nén nhang. Chúng tôi không bao giờ quên những năm tháng khốc liệt đó, dù tuổi đã cao và sức ép bom đạn đã khiến sức khỏe giảm sút đi nhiều”, ông Bảng tâm sự.

Ông Kiều Minh Thung (Vĩnh Phúc): “Chúng tôi không bao giờ lãng quên sự hi sinh của đồng đội”.

Đôi mắt người lính già ngấn lệ khi chỉ sang người bạn bên cạnh, cũng là lính Thành cổ Quảng Trị một thời, nay đã 2 lần bị tai biến, nay không còn nhớ gì hết. Bản thân ông Bảng trí nhớ cũng đã giảm sút nhiều do sức ép của làn bom đạn. Nhìn hai người lính già ngồi bên bến sông Thạch Hãn tưởng nhớ đồng đội năm nào, tôi chợt nhớ đến 4 câu thơ của nhà thơ Lê Bá Dương khi khắc họa về hình ảnh thấm đẫm nghĩa tình đồng đội nhưng cũng chạm đến nỗi đau tận cùng của sự hy sinh, mất mát trong những năm tháng chiến tranh ở Thành cổ Quảng Trị: “Đò xuôi Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Từng là lính Thành cổ Quảng Trị năm nào, từ huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, ông Kiều Minh Thung cùng 24 đồng đội hành trình trở lại thăm chiến trường xưa. Trong hành trình qua Nghĩa trang Quốc gia đường 9, Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn thắp hương cho đồng đội, lần đầu tiên ông ghé thăm Vũng Chùa- Đảo Yến nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để thắp cho “người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam” nén nhang.

Bày tỏ sự xúc động lần đầu tiên đến thăm khu mộ của vị tướng huyền thoại có tầm nhìn xa trông rộng, ông Thung nghẹn ngào: “Tôi đã đến các nghĩa trang, thắp nhang cho đồng đội đã hi sinh nén nhang, nói với đồng đội: Chúng tôi đã trở về đây. Chúng tôi không bao giờ lãng quên sự hi sinh của đồng đội. Mất mát của dân tộc Việt Nam là quá lớn, chúng tôi là những người may mắn được trở về, thấy mừng là cuộc sống hôm nay đã thay đổi và tốt đẹp hơn.

Song chỉ mong các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ không bao giờ quên ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc và hạnh phúc bình yên của mỗi gia đình hôm nay”.

Những ngày tháng 7, tham gia cùng đồng đội trong hành trình “Trở lại chiến trường xưa - Tri ân đồng đội". Đến nghĩa trang, thắp hương cho đồng đội, bà Nguyễn Thị Thái- Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La chia sẻ: “Thời gian đã lùi xa, khổ đau đã là quá khứ nhưng trong sâu thẳm ký ức của mỗi cựu chiến binh vẫn vẹn nguyên những kỷ niệm về tình quân dân, tình đồng đội, về những ngày tháng vào sinh ra tử để giữ trọn lời thề giữ nước. Chúng tôi hôm nay vẫn lấy đó là niềm tự hào, là động lực để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống”.

Cũng như bao người lính trên đất nước Việt Nam, rời tay súng trở về đời thường, những cựu chiến binh Trường Sơn vẫn tiếp tục phát huy truyền thống bộ đội Trường Sơn anh hùng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, trách nhiệm đối với dân tộc.

Giữ vững tinh thần đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng kinh tế gia đình, kinh tế địa phương… Với tâm niệm đó, các thành viên trong Hội luôn đẩy mạnh các hoạt động, tạo cơ hội để các thành viên tăng cường giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh và tích cực tham gia các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, hoạt động từ thiện, an sinh xã hội tại địa phương.”

Đảng, Nhà nước sẽ làm những gì tốt nhất

Chia sẻ về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với những gia đình có công với cách mạng, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Suốt 70 năm qua, kể từ Sắc lệnh số 20/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành ngày 16/2/1947 đặt “chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm đến công tác tri ân liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh.

Đặc biệt, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định chọn ngày 27/7/1947 là Ngày Thương binh toàn quốc nay là ngày Thương binh liệt sĩ, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, Đảng, toàn quân và toàn dân ta luôn tưởng nhớ, tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước, những người đã cống hiến, hy sinh, vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đến nay, công tác xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tưởng niệm liệt sĩ được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Hiện, cả nước có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, bao gồm: Tượng đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; xác định danh tính liệt sĩ đã được Đảng, Nhà nước, quân đội quan tâm, chú trọng.

5 năm qua, đã tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 75.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó từ Lào về là 16.613 hài cốt; Campuchia 15.148 hài cốt. Bằng phương pháp thực chứng và giám định ADN, chúng ta đã xác định danh tính cho 3.423 liệt sĩ gửi tới thân nhân và tổ chức gắn bia ghi tên liệt sĩ. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, đã cấp, đổi trên 42.000 Bằng “Tổ quốc ghi công”; xác nhận và công nhận 585 liệt sĩ trong số hồ sơ tồn đọng, xác nhận trên 2.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn 9 triệu người, trong đó có 1,2 triệu liệt sĩ, 127.000 Mẹ Việt Nam anh hùng, 800.000 thương binh, 110.000 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và 312.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận.

Nhiều chế độ ưu đãi được bổ sung so với trước như chế độ trợ cấp người phục vụ đối với Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống tại gia đình; chế độ trợ cấp người phục vụ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống tại gia đình; chế độ thờ cúng liệt sĩ…

“Chúng ta không bao giờ tự cho phép mình được ngưng nghỉ, hay tự hài lòng về kết quả chăm sóc người có công và trên thực tế vẫn còn đó, rất nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt và lâu dài cần được tổ chức thực hiện thật tốt với tất cả lòng tri ân chân thành, với những tình cảm cách mạng sâu sắc đối với những hy sinh to lớn mà hàng triệu người có công đã mang lại cho cuộc sống, xã hội hôm nay”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dong-doi-oi-chung-toi-mai-khong-quen-56944.html