Đóng góp xã hội là xu hướng văn minh

Cách đây ít lâu trên một tờ báo mạng, tác giả Phan Thị Thùy Trâm có bài viết “Người giàu làm gì ?”. Nội dung mấu chốt của bài báo là cách thức nhiều người giàu thể hiện lòng tốt : Họ không làm từ thiện (charity) mà là đóng góp xã hội (philanthropy). Theo tôi, triết lý đó cần được phổ biến trong xã hội để định hướng hoạt động vì cộng đồng của tất cả mọi người, chứ không chỉ của những người giàu.

Tác giả tại sự kiện đầu tiên của dự án đóng góp xã hội do mình khởi xướng, tổ chức vào ngày 22/4/2016 tại trường Vinschool Times City tại Hà Nội.

Con người ta vốn hướng thiện. Các hoạt động từ thiện, chia sẻ với cộng đồng theo tinh thần « lá lành đùm lá rách », vì thế đã trở thành truyền thống ngay trong các trường phổ thông. Kể cả khi không vì mục đích từ thiện, hoạt động cộng đồng vẫn là điều đáng mong muốn, bởi “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Thông thường, các chương trình từ thiện được thực hiện dưới hình thức quyên góp tài chính hay hiện vật để ủng hộ cho những đối tượng khó khăn. Ban đầu xuất phát từ lòng hảo tâm, phong trào này dần trở nên hình thức. Những người đóng góp không phải lúc nào cũng quan tâm sâu sắc đến các đối tượng được giúp đỡ. Vì lý do phong trào, ai cũng ngại nếu không thể đóng góp theo mặt bằng chung của mọi người xung quanh. Tuy nhiên, điều kiện vật chất không phải là thế mạnh của mọi gia đình. Thực tế, hoạt động vì cộng đồng sẽ chỉ có hiệu quả cao nhất khi chúng ta dựa trên thế mạnh của chính bản thân mỗi chúng ta.

Có lẽ nói như vậy chưa thật cụ thể nên tôi xin phép lấy ví dụ của chính bản thân mình để minh họa. Tuy năm nay mới bước vào bậc THPT, tôi đã tích lũy cho mình được hơn chục giải thưởng thứ hạng cao về toán ở trong và ngoài nước. Vì vậy, tôi xác định thế mạnh của mình là kinh nghiệm học toán, dù không dám tự phụ về khả năng toán học của mình. Nhưng những thành tích bước đầu đạt được, cùng việc may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, là chắt nội của cố GS Nguyễn Lân, đã giúp tôi có được vị thế thuận lợi để chia sẻ niềm say mê và kinh nghiệm của mình. Tôi mong muốn nhiều bạn khác cũng yêu toán, học tốt môn toán và có thêm cơ hội thành công trong cuộc sống. Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng tôi vẫn xin phép đưa thêm một ví dụ khác để mình họa cho điều này. Ai cũng biết là bơi lội rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu lời kêu gọi tập bơi được một vận động viên giàu thành tích như chị Nguyễn Thị Ánh Viên đưa ra chắc chắc sẽ có sức thuyết phục đặc biệt. Dựa vào thế mạnh, thành công của bản thân để chia sẻ, đóng góp cho xã hội là mục tiêu của dự án mà tôi đang thực hiện. Vì thế, khẩu hiệu của dự án là « Chia sẻ thành công, nhân rộng tình thương ». Khi tổ chức hoạt động tình nguyện chia sẻ kinh nghiệm hữu ích trong học toán, tôi hy vọng rằng những ai tham dự và hài lòng với thông tin mà tôi sẻ chia cũng sẽ sẵn lòng tìm xem đâu là thế mạnh của mình để chia sẻ với cộng đồng một cách sáng tạo hơn, hào phóng hơn và hữu ích hơn. Trải nghiệm đầu tiên của dự án đã diễn ra đầy hứng khởi với tiêu đề “Nguyễn Nga Nhi – Câu chuyện toán học vào ngày 22/4/2016 để tạo động lực cho hơn 200 bạn học sinh khối 9 trường Vinschool Times City tại Hà Nội trước kỳ thi vào 10. Hoạt động tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra với tiêu đề “Khi toán học là niềm đam mê” vào ngày 23/9/2016 cùng 200 bạn học sinh từ lớp 4 đến lớp 7 của Hệ thống giáo dục Ngôi Sao Hà Nội.

Một câu hỏi cuối cùng đặt ra : Hình thức đóng góp xã hội này có khó khăn gì trong việc triển khai không ? Đáng ngạc nhiên, câu trả lời là có dù đây là hoạt động tình nguyện không thu phí. Khi có ý tưởng về dự án, tôi đã ngây thơ nghĩ rằng đã là hoạt động hữu ích và miễn phí thì mọi người đều sẽ ủng hộ. Tôi đã đề xuất hoạt động này với trường tiểu học nơi tôi từng theo học như một hình thức tri ân. Sau những hào hứng ban đầu của cô giáo chủ nhiệm cũ, đề xuất của tôi không được nhà trường thực sự quan tâm. Dường như trong lĩnh vực giáo dục, cái gì mới cũng tạo ra một sự e dè nhất định. Dù đây là hoạt động tình nguyện, phía nhà trường tiếp nhận cũng cần bố trí địa điểm và tổ chức mời học sinh, phụ huynh.

Như vậy, hình thức đóng góp xã hội đòi hỏi nỗ lực, sự sáng tạo từ cả những người đóng góp lẫn những người thụ hưởng. Nhưng tính hiệu quả bền vững của hình thức này khiến tôi tin rằng philanthropy sẽ là ngày càng phổ biến trong xã hội văn minh.

Nguyễn Nga Nhi (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam)

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/giao-duc/dong-gop-xa-hoi-la-xu-huong-van-minh-1052992.tpo