Đồng hành cùng em tới lớp

GD&TĐ - Từ nhiều năm qua, ngành Giáo dục thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phải đối mặt với áp lực từ việc HS THCS nghỉ học theo gia đình đi xa tìm việc hoặc “tắc bụp” vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền phụ gia đình, rồi dần dần cũng bỏ học luôn vì không theo kịp chúng bạn. Trước vấn đề cấp thiết này, các cấp, ngành của thị xã đưa ra những giải pháp nhằm kéo giảm tỉ lệ HS bỏ học một cách hiệu quả…

Khi kế mưu sinh khoác lên vai con trẻ

Tình trạng HS bỏ học đồng loạt và ngày càng có chiều hướng gia tăng bắt đầu xuất hiện ở Vĩnh Châu chừng 3 năm trở lại đây, chủ yếu rơi vào lứa THCS.

Theo ngành Giáo dục địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này, nhưng phổ biến nhất vẫn là do hoàn cảnh gia đình phải đi xa làm ăn.

Ông Lê Văn Vui - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu - cho biết: “Tuyến ven biển của thị xã có tỉ lệ HS cấp THCS bỏ trường, bỏ lớp rời địa phương, theo gia đình đi làm ăn xa nhiều hơn những khu vực khác.

Đây cũng là vùng tập trung đông đúc HS dân tộc người Khmer. Kinh tế ở đây chủ yếu là làm nông nghiệp, thu nhập không cao lại thiếu ổn định nên người dân dần chuyển đi nơi khác sinh nhai”.

Thị xã Vĩnh Châu được mệnh danh là “thủ phủ hành tím”, bà con đồng bào dân tộc Khmer tập trung nhiều ở các giồng cát tuyến ven biển, nguồn thu chủ yếu phụ thuộc vào việc làm rẫy như trồng hành tím, ớt, củ cải trắng…; một số ít hộ nuôi tôm, cá.

Tuy vậy không phải lúc nào việc trồng trọt cũng thuận lợi, có lúc sản phẩm thu hoạch mất mùa được giá, trúng mùa có khi bị ép giá xuống thấp.

Người dân làm lụng quanh năm nhưng vẫn gần như không đủ trang trải cuộc sống, đừng nói việc chăm lo cho con cái học hành. Các em HS bị cuốn vào vòng xoáy sinh kế, sớm rời ghế nhà trường để chia sẻ gánh nặng sinh kế với gia đình.

“Vài năm nay, xuất hiện phong trào người dân rời bỏ vườn ruộng để lên các thành phố lớn làm công nhân, thậm chí lên Tây Nguyên trồng cà phê, tiêu, cao su. Có gia đình mang theo cả con cái, có gia đình gửi con lại. Những cháu ở lại rồi cũng bê trễ học hành vì không có cha mẹ quản lý, dần dần bỏ học” - Ông Lê Văn Vui trăn trở.

Không chỉ riêng ở thị xã Vĩnh Châu hay cả tỉnh Sóc Trăng, nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng xuất hiện tình trạng người dân có xu hướng đi tìm việc làm tại những khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương, Bình Phước, TPHCM…

Mặc dù đây là phương án giải quyết sinh kế của người lao động, và thực tế đang mang lại cuộc sống khả dĩ hơn, nhưng đã có tác động rất lớn đến việc học tập của con trẻ.

“Vấn đề gián đoạn việc học là bước cản trở để các em theo đuổi học tập ở những cấp cao hơn. Nhất là trong độ tuổi THCS, các em có những chuyển biến rất lớn về tâm lí, nhu cầu học tập cũng trở nên cấp thiết.

Nếu các em nghỉ học thì khả năng quay lại để theo kịp chương trình học cũng khó, cơ hội tương lai cũng thu hẹp dần…” – Ông Vui cho biết.

Sự vào cuộc của cả hệ thống

HS không bám trường bám lớp là nỗi lo lớn của ngành Giáo dục thị xã Vĩnh Châu. Câu hỏi, làm thế nào để tìm ra giải pháp hữu hiệu giúp các em quay lại lớp học đã khiến các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trăn trở.

Trong đó, việc phối hợp các cấp, các ngành tập trung vận động HS trở lại lớp không phải đơn giản. Việc này không phải muốn ngay là được, còn phụ thuộc vào phương pháp tác động và phần lớn ở ý thức của các em HS và gia đình…

“Có một số em sau khi bỏ học theo cha mẹ đi làm ở nơi khác vài tháng lại về. Thấy vậy, chúng tôi tích cực vận động đi học, tuy nhiên do các em bỏ học lâu, không theo kịp mặt bằng kiến thức nên có em muốn nghỉ học để theo gia đình. Chính việc học không liên tục dễ khiến các em sao lãng buông xuôi!” - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Vĩnh Châu cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp kéo giảm tỉ lệ HS bỏ học hiệu quả, ông Lê Văn Vui nêu rõ hoạt động vận động HS trở lại trường lớp là việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành của thị xã.

Đặc biệt là ở nơi có đông cộng đồng dân tộc Khmer thì yêu cầu đem chữ đến cho con em càng trở thành nhiệm vụ cấp bách. Trong thời gian qua, UBND thị xã Vĩnh Châu đã chủ trì hội thảo về giải pháp phòng chống HS bỏ học.

Việc này đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Giáo dục. Từ đó đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc duy trì sĩ số HS và kéo giảm tỷ lệ HS bỏ học.

Từ thực tế ngành Giáo dục thị xã Vĩnh Châu cho thấy, giáo viên chủ nhiệm lớp có tác động lớn, là người đóng vai trò nòng cốt phải nắm rõ tình hình học tập, quan tâm tư tưởng, tâm lí của từng em HS.

Quan sát được những biểu hiện của HS trước khi dẫn đến nghỉ học để có những bước chuẩn bị bồi dưỡng về kiến thức lẫn tinh thần. Song song đó là tích cực khuyên bảo các em HS cũng như tư vấn cho gia đình các em góp phần tích cực trong việc ngăn chặn tư tưởng nghỉ học theo gia đình đi mưu sinh.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thị xã tích cực kết hợp với chính quyền địa phương, liên kết với các đoàn thể xã hội, hội khuyến học, tìm nguồn tài trợ, đỡ đầu cho các em về nhiều suất học bổng, xe đạp, hỗ trợ gạo ăn hàng tháng…

Ông Lê Văn Vui cho biết thêm: “UBND thị xã có sự quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác tuyên truyền, vận động các em trở lại học tập. Ngành Giáo dục kết hợp chặt chẽ với trưởng ấp, trưởng khóm để nắm cụ thể tình hình từng gia đình có con em nghỉ học để kịp thời cùng với chính quyền địa phương có những phương án hỗ trợ kịp thời.

Đối với những em HS đã bỏ học, khi được vận động đi học lại các em mất đi nhiều kiến thức học tập. Do đó các trường tiến hành lập danh sách và mở những lớp bồi dưỡng, lớp phổ cập dạy lại chương trình cho các em.

Nhất là những em HS dân tộc Khmer, chúng tôi dạy chương trình tiếng Việt kĩ hơn để giúp các em theo kịp. Nhờ cách làm này đã giúp các em HS bù đắp lại những kiến thức đã bỏ qua. Thông qua đó đã kéo giảm đáng kể tỉ lệ HS nghỉ học giữa chừng; các em cũng có ý thức hơn với việc học lâu dài”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/ket-noi/dong-hanh-cung-em-toi-lop-3336732-b.html