Động lực để 'phượt' mỗi ngày gần 30, 40 km đến công ty làm việc

Môi trường làm việc ổn, đãi ngộ tốt hay đem lại nhiều cơ hội là những lý do khiến nhiều nhân sự không ngại làm việc ở công ty cách xa nhà.

 Nhà cách xa công ty, mỗi ngày đi làm đối với nhiều người như chuyến phượt. Ảnh minh họa: Thụy Trang.

Nhà cách xa công ty, mỗi ngày đi làm đối với nhiều người như chuyến phượt. Ảnh minh họa: Thụy Trang.

Là nhân viên văn phòng sinh sống tại huyện Đông Anh (Hà Nội) song công ty ở quận Cầu Giấy, đều đặn 5,5 ngày/tuần, Dương Văn Thảo (sinh năm 1994) phải vượt quãng đường khoảng 25 km để tới chỗ làm.

Di chuyển bằng xe máy, tất nhiên quãng đường này không phải lúc nào cũng dễ chịu đối với Thảo, nhất là những ngày gặp tình trạng tắc đường, thời gian hơn 1 tiếng di chuyển chắc chắn sẽ phải kéo dài hơn.

Tuy nhiên, chia sẻ với Tri thức - Znews, nam nhân viên văn phòng cho biết sẵn sàng chấp nhận bất lợi này để có thể tiếp tục với công việc hiện tại.

"Dù nhà cách công ty xa thật nhưng công việc này đáp ứng được nhiều mong muốn của tôi, chẳng có gì phải phàn nàn", Thảo nói.

Không riêng Thảo, vật lộn với quãng đường xa hàng chục km mỗi ngày như "đi phượt" để tới chỗ làm là hình ảnh chung của nhiều nhân viên văn phòng, đặc biệt tại các đô thị. Song mỗi nhân sự đều có những lý do riêng để quyết định gắn bó với công ty.

Tắc đường, mưa gió, tai nạn

Tự nhận là người có kinh nghiệm "phượt" đi làm mỗi ngày, Thảo cho biết công ty cũ của anh thậm chí cách nhà 38 km, ở quận Hà Đông. Với chỗ làm hiện tại, khoảng cách đã ngắn hơn gần chục cây số.

Thông thường, Thảo phải dậy từ 6h, 6h30 để kịp chuẩn bị đi làm. Với khoảng cách xa như vậy, chuyện xảy ra sự cố như tắc đường, tai nạn gây cản trở giao thông, hỏng xe... không phải chuyện lạ. Đặc biệt, Thảo đi theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp nối sân bay Nội Bài vào nội thành Hà Nội (quận Tây Hồ, Cầu Giấy) nên những khi có sự kiện quan trọng cấp quốc gia dẫn tới cấm đường, phong tỏa, hành trình sẽ càng khó khăn.

 Công ty cách nhà Thảo khoảng 25 km.

Công ty cách nhà Thảo khoảng 25 km.

"Nhưng mà đi nhiều cũng thành quen, tôi không thấy quá vất vả như hồi đầu", Thảo chia sẻ.

Cũng di chuyển bằng xe máy, Lê Hoàng Nhật (sinh năm 1997) đều đặn chạy 27 km 5 buổi/tuần tới công ty đang thực tập. Dù đã căn giờ đi sớm, chuyện đi làm muộn, không kịp có mặt lúc 9h là chuyện anh khó tránh khỏi.

"Hôm nào gặp sự cố xác định đến trễ, tôi phải báo trước với cấp trên xin phép. Vì là người ở xa nhất công ty, tôi cũng được mọi người thông cảm, tạo điều kiện, không quá khắt khe", Nhật nói.

Trong khi đó, không phải vất vả tự chạy xe tới chỗ làm, Quyên Nguyễn (nhân viên văn phòng, Bắc Ninh) được xe ôtô của công ty đưa đón quãng đường 43 km. Vì vậy, những ngày tắc đường đi làm muộn, cô cũng không bị trừ lương. Thông thường, Quyên dậy từ 5h50 mỗi sáng, vệ sinh cá nhân rồi lên xe đưa đón lúc 6h25.

"Tuy nhiên, cũng vì không chủ động trong phương tiện đi lại, tôi luôn phải chuẩn chỉ giờ đi làm hàng ngày. Không ít lần tôi gặp sự cố hay... ngủ quên để lỡ xe. Khi đó, tôi phải đi xe buýt từ nhà ở huyện lên thành phố Bắc Ninh, rồi đi tiếp đến chỗ làm vì không quen chạy xe máy", Quyên kể.

Cân nhắc thu hẹp khoảng cách

Cả Quyên, Nhật hay Thảo đều có những lý do riêng để chấp nhận việc công ty xa nhà. Với Quyên, điều níu chân cô 7 năm nay là vị sếp tốt, đồng nghiệp vui vẻ và chế độ đãi ngộ khá. Tuy nhiên nhằm tiết kiệm thời gian, nếu tương lai có điều kiện, cô sẽ mua nhà gần công ty để tiện di chuyển.

 Quyên được xe của công ty đưa đón đi làm mỗi ngày.

Quyên được xe của công ty đưa đón đi làm mỗi ngày.

Trong khi đó, Hoàng Nhật cho rằng thị trường việc làm vài năm trở lại đây ngày càng cạnh tranh khốc liệt, nhất là ngành công nghệ thông tin anh vừa chuyển sang, việc chấp nhận đi làm xa nhà là điều dễ hiểu. Thời gian tới, khi có nhiều kinh nghiệm hơn hoặc tìm được công việc ưng ý gần nhà, anh cũng có thể suy nghĩ chuyển địa điểm.

Còn đối với Thảo, mức lương ổn so với mặt bằng chung là động lực cho anh vượt 25 km mỗi ngày đi làm. Công ty hiện tại cũng cho anh nhiều cơ hội học hỏi và phát triển bản thân, đồng nghiệp dễ chịu.

Thảo từng có dự định thuê trọ khu nội đô để tiện đi làm và đi chơi với bạn bè, song có 2 lý do lớn vẫn khiến anh phân vân.

Thứ nhất, chi phí thuê nhà ở các quận nội thành Hà Nội, đặc biệt khu trung tâm khá cao. Thứ hai, nam nhân viên văn phòng cũng là người thích di chuyển và ngắm cảnh, nên trừ những sự cố khách quan, việc đi làm xa còn cho anh cơ hội ngắm quang cảnh mỗi ngày, "chill chill giống như khi đi phượt".

 Hình ảnh hoàng hôn Thảo ghi lại trong một buổi đi làm về.

Hình ảnh hoàng hôn Thảo ghi lại trong một buổi đi làm về.

"Tưởng tượng đi làm về, không khí nội đô rất ngột ngạt và bí bách. Đi đến đoạn cầu Nhật Tân về Đông Anh, tôi cảm giác mọi thứ khác hẳn: gió mát, không khí trong lành, thoáng đãng hơn, chưa kể có những ngày khung cảnh hoàng hôn và bình minh rất đẹp, tôi có thể tận hưởng trên đường", anh chia sẻ.

Mai An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dong-luc-de-phuot-moi-ngay-gan-30-40-km-den-cong-ty-lam-viec-post1475893.html