Động lực to lớn của hai nữ tiến sĩ đam mê khoa học

Động lực lớn nhất để nghiên cứu khoa học của TS Phạm Bảo Yên xuất phát từ mong muốn tìm hiểu cơ chế, cách kiểm soát, khuyến cáo việc mọi người sử dụng thuốc kháng sinh.

Ngày 7/3, Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ phối hợp với Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ vinh danh và trao thưởng cho 9 nhà khoa học nữ tiềm năng năm 2017. Đặc biệt, có 3 nhà khoa học nữ tiềm năng được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu 100 triệu đồng/ứng viên để phát triển các sản phẩm đang nghiên cứu.

Đó là TS. Phạm Bảo Yên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) với đề tài “Nghiên cứu cơ chế kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh viêm phổi nhằm phát triển các chỉ thị phân tử phục vụ cho điều trị”; TS. Nguyễn Thị Phương Dung (Trường Đại học Kinh tế) với đề tài “Định vị trình độ phát triển và các nhân tố ảnh hưởng đến kế toán quản trị Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới”;

TS. Phạm Bảo Yên (áo dài xanh) và TS. Lê Thị Hiên (đứng thứ 2 từ trái qua phải) chụp ảnh lưu niệm tại lễ trao thưởng của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Và TS. Lê Thị Hiên (Trường Đại học Công nghệ) với đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ vật liệu nano sinh học ứng dụng trong hệ thống phân phối kiểm soát các hóa chất nông nghiệp”.

Là 1 trong 3 nhà khoa học nữ tiềm năng được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu 100 triệu đồng với đề tài “Nghiên cứu cơ chế kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh viêm phổi nhằm phát triển các chỉ thị phân tử phục vụ cho điều trị”, TS. Phạm Bảo Yên - hiện đang làm việc tại Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein (trường Đại học Khoa học Tự nhiên) - chia sẻ: “Động lực lớn nhất để thực hiện đề tài này xuất phát từ mong muốn tìm hiểu cơ chế, cách kiểm soát, khuyến cáo việc mọi người sử dụng thuốc kháng sinh. Bởi, tôi nhận thấy ở Việt Nam mọi người sử dụng kháng sinh một cách không có quy định, không có kiểm soát.

Đó là việc nhiều người cứ ra hiệu thuốc mua kháng sinh để tự chữa bệnh. Nhưng việc tự chữa bệnh mà không theo đúng liều lượng, không đúng hướng dẫn của bác sĩ rất nguy hiểm bởi sẽ rất dễ nảy sinh chủng kháng kháng sinh. Nếu gặp phải tình trạng này, sẽ không có thuốc nào chữa trị được, tỷ lệ tử vong cao. Và hiện nay, khoa học đã tìm ra một loại vi khuẩn kháng toàn bộ các loại kháng sinh và người nhiễm loại vi khuẩn này sẽ tử vong”.

Cùng với đó, đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ vật liệu nano sinh học ứng dụng trong hệ thống phân phối kiểm soát các hóa chất nông nghiệp” của TS. Lê Thị Hiên (sinh năm 1982) - hiện đang là giảng viên bộ môn Công nghệ Nano sinh học, Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội - cũng nhận được kinh phí nghiên cứu 100 triệu đồng để phát triển đề tài.

TS. Lê Thị Hiên cho biết: Từ lâu, cô nhận thấy hiệu suất sử dụng phân bón tại Việt Nam – một trong những hóa chất nông nghiệp, không cao, hiện chỉ khoảng 40%, còn lại khoảng 60% lượng phân bón bị mất đi do rửa trôi, bay hơi do phân bón vừa bón xuống ruộng là tan ngay. Điều này vừa lãng phí phân bón, vừa ô nhiễm môi trường và nguồn nước quanh khu vực trồng trọt.

“Do đó, tôi nghĩ đến việc cần tạo ra hệ phân phối phân bón nói riêng và hóa chất nông nghiệp nói chung có thể phân hủy trong đất và có thể kiểm soát được tốc độ phân phối theo thời gian đối với từng loại hóa chất thì sẽ tăng hiệu suất sử dụng của phân bón lên rất nhiều lần.

Và tôi nhận thấy, đây là một hướng phát triển tốt của công nghệ nano sinh học và đã đề xuất đề tài này. Thật may mắn, đề tài được Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ kinh phí để thực hiện”, TS Hiên nói.

Với TS. Lê Thị Hiên, khó khăn nhất của cô khi theo đuổi đề tài này là... con nhỏ. "Vì có con nhỏ nên việc sắp xếp thời gian đi công tác xa nhà là rất khó. Nhưng may mắn, tôi luôn được được chồng và bố mẹ hai bên nội ngoại thấu hiểu công việc tôi đang làm. Đây cũng chính là động lực to lớn, tạo điều kiện để tôi hoàn thành và phấn đấu trong công việc”, TS Hiên bày tỏ.

Linh Hương

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dong-luc-to-lon-cua-hai-nu-tien-si-dam-me-khoa-hoc-c7a505425.html