Đồng lương quá bèo bọt, khuyến nông viên mong được tiếp sức

LTS: Khuyến nông viên (KNV) cơ sở được xem là lực lượng đầu mối trong công tác khuyến nông, luôn đồng hành cùng nông dân trong các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ cho lực lượng KNV cơ sở hiện vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập, đã có nhiều người không trụ nổi với nghề vì đồng lương quá bèo bọt…

Trong bối cảnh nước ta đang triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ thì hệ thống khuyến nông, đặc biệt là đội ngũ KNV cơ sở có vai trò vô cùng quan trọng. Điều kiện làm việc của họ vất vả chẳng khác gì nông dân, tuy nhiên đồng lương nhận được hàng tháng vô cùng ít ỏi.

Ăn cơm cặp lồng, bám ruộng đồng

Cán bộ khuyến nông huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) hướng dẫn người dân quy trình chăm sóc gấc. Ảnh: T.N

Theo ông Nguyễn Thanh Hừng – Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông – Khuyến ngư TP.Cần Thơ, toàn bộ lực lượng KNV hiện được ký hợp đồng theo từng năm, trả lương theo bằng cấp và không có phụ cấp gì thêm. Việc này các tỉnh đã có đề xuất với Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhưng chưa có thay đổi, điều chỉnh chính sách thu nhập cho cán bộ KNV.

KNV là lực lượng tiếp nhận các chủ trương, chính sách, tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường, các nội dung có liên quan đến sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản… và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, lực lượng này còn tổ chức điều tra, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ; tư vấn dịch vụ khuyến nông cho nhân dân về chính sách pháp luật giống, phân bón… tại cơ sở. Với khối lượng công việc “khổng lồ” như vậy, đội ngũ KNV cơ sở là lực lượng sát cánh với nông dân trong hầu hết các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ông Đỗ Văn Nam - KNV xã Kế An, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) cho biết: “Cán bộ khuyến nông xã là lực lượng gần gũi với nông dân nhất, luôn theo sát quá trình canh tác của bà con tại địa phương. Bất cứ lúc nào có khó khăn, vướng mắc về kỹ thuật đều có thể liên hệ lực lượng khuyến nông xã, chúng tôi luôn sẵn sàng hướng dẫn bà con”.

Tại huyện miền núi Thanh Sơn (Phú Thọ), những năm qua người dân ở xã Cự Đồng đã quá quen thuộc với “ông khuyến nông” Đinh Văn Hùng, bởi nhà nào mới mua thêm con giống, hoặc cần tiêm phòng, hay có gia súc, gia cầm ốm là ông lặn lội đến ngay. Ông Hùng tâm sự: “Tôi làm công việc này hơn 16 năm nay, có công việc gì liên quan đến chăn nuôi là lãnh đạo xã rồi đến bà con nông dân đều gọi. Một năm chúng tôi phải triển khai ít nhất 2 đợt tiêm phòng, 3 đợt khử trùng tiêu độc… Ngoài những việc liên quan đến chăn nuôi thú y, tôi phụ trách chung cả lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật và kiêm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, công việc nhiều nhưng thu nhập thấp lắm”.

Anh Nguyễn Tiến Dần – nhân viên thú y cơ sở, phụ trách công tác chăn nuôi thú y ở xã Hưng Long (huyện Yên Lập, Phú Thọ) cho biết, những người làm thú y ở các xã miền núi cực kỳ vất vả bởi địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế nên việc chăm sóc đàn gia súc, gia cầm đúng kỹ thuật, hay công tác thú y đều phải hướng dẫn bà con rất tỉ mỉ. “Trong những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn xã ngày càng phát triển, tuy nhiên do bà con chưa chú trọng đến công tác thú y nên chúng tôi mất nhiều thời gian tuyên truyền, tập huấn, vận động tận nơi, thậm chí phải “ba cùng” là cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân” – anh Dần nói.

Đóng góp nhiều, thu nhập ít

Gần 20 năm làm KNV tại huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), chị Trần Thị Thanh Xuân được giao phụ trách công tác khuyến nông tại 3 xã là Nà Tấu, Nà Nhạn và Thanh Chăn. Để hoàn thành nhiệm vụ, hàng tháng chị phải đi lại tổng cộng hơn 500km đường bằng xe máy và dành phần lớn thời gian để gắn bó, tìm hiểu và hướng dẫn bà con nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đó là chưa kể có những bản cách xa trung tâm xã tới mấy chục km như Mường Nhà, Mường Lói, Pa Thơm..., nhưng hễ người dân gọi là chị lại có mặt.

Chị Xuân cho biết: “Có nhiều chuyến xuống cơ sở phải ở lại với bà con tới vài ba ngày, nhất là những khi các xã triển khai các giống cây trồng mới, con nuôi mới, xuất hiện dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, khi thời tiết đổi mùa, khi bão lũ… Nói thật là nhiều công sức và đóng góp như vậy, nhưng hiện nay chế độ đãi ngộ cho lực lượng KNV cơ sở rất thấp, ngoài khoản lương cứng 1,2 – 2 triệu đồng/tháng tùy vị trí, chúng tôi không có khoản phụ cấp nào khác”.

Trao đổi với phóng viên, một cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) cho biết, đội ngũ KNV cơ sở của Trấn Yên hiện phân bố ở 22 xã và thị trấn. Tất cả số cán bộ này đều có trình độ đại học. Trong những năm qua họ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy nhiên, lương của đội ngũ này rất thấp, người mới vào nghề thì lương khởi điểm khoảng 1,8 triệu đồng/tháng; một số người đang nhận 2,1 triệu đồng/tháng, ngoài lương thì không có thu nhập gì khác. Vì thế, nhiều cán bộ KNV cơ sở không thật sự gắn bó lâu dài với nghề, chủ yếu họ xác định làm để lấy kinh nghiệm, hễ có cơ hội chuyển ngành/nghề là họ chuyển ngay.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Nam – KNV phụ trách xã An Lạc Tây (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cũng cho biết: “Hiện nay tôi được ký hợp đồng ngắn hạn (1 năm), tiền lương hưởng theo hệ số bằng cấp, ngoài ra không có thêm phụ cấp nào khác, bảo hiểm thì phải tự chi trả. Trong khi đó, công việc của cán bộ khuyến nông xã rất nhiều, phải am hiểu đủ mọi lĩnh vực. Tiền lương hàng tháng thực sự không đủ cho chi phí hoạt động. Theo tôi, khi KNV trở thành viên chức, công chức của địa phương thì sẽ có nhiều thuận lợi cho công việc, nhất là khi chúng tôi xuống địa bàn thì cán bộ ấp sẽ phối hợp tốt hơn; đồng thời cuộc sống gia đình cũng đỡ cực”.

Ông Phạm Thanh Sơn – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Toàn tỉnh có 108 KNV ở 108 xã, phường, thị trấn. Hiện lực lượng này được hưởng phụ cấp theo hệ số bằng cấp và ký hợp đồng ngắn hạn, ngoài ra bảo hiểm cũng do KNV tự chi trả. Chúng tôi cũng đã có đề nghị lên cấp trên để có chính sách cho KNV cơ sở được hưởng chế độ như viên chức, còn nếu chưa thể có chính sách như vậy ngay thì cũng nên hỗ trợ chế độ bảo hiểm cho họ”.

Chúc Ly - Thiên Ngân

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/dong-luong-qua-beo-bot-khuyen-nong-vien-mong-duoc-tiep-suc-757631.html