Đồng minh sát cánh

Sự kiện Nhật Bản đã soán ngôi Trung Quốc trở thành chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Lần gần đây nhất Tokyo giữ vị trí chủ nợ lớn nhất của Washington là vào tháng 2-2015. Còn Trung Quốc lần đầu vượt Nhật Bản thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ vào tháng 9-2008, thời kỳ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn cao điểm. Tính chung, cả Trung Quốc và Nhật Bản chiếm khoảng 37% tổng số nợ Mỹ do các chủ nợ nước ngoài nắm giữ.

Việc Nhật Bản trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ được cho là thuận lợi đối với mối quan hệ của hai bên.

Nguyên nhân là do mức nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm. Cụ thể, theo báo cáo hằng tháng của Bộ Tài chính Mỹ, Bắc Kinh nắm giữ số trái phiếu kho bạc Mỹ trị giá 1,12 nghìn tỷ USD trong tháng 10, giảm 41,3 tỷ USD so với tháng trước đó và là mức thấp nhất kể từ tháng 7-2010.

Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã chi hàng nghìn tỷ nhân dân tệ để mua trái phiếu kho bạc Mỹ nhằm bảo đảm đồng tiền nội tệ của mình không quá mạnh. Động thái này để giữ tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Tuy nhiên, việc đồng nhân dân tệ liên tục giảm giá mấy tháng gần đây buộc Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) phải rút dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá đồng nội tệ. Đây được xem là hệ quả của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có động thái tăng lãi suất thứ hai trong vòng một thập niên khiến tỷ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD giảm xuống mức thấp nhất 8 năm.

Tháng 11 vừa qua, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc cũng đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp còn 3,05 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3-2011.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã in thêm tiền để kích thích nền kinh tế. Lượng tiền mặt này đã nhanh chóng tiếp cận thị trường trái phiếu Mỹ và đưa đảo quốc Mặt trời mọc trở thành chủ nợ số một của Washington. Dù chưa có tác động lớn nào tới thị trường tài chính toàn cầu, nhưng việc Nhật Bản nắm giữ lượng lớn trái phiếu Mỹ sẽ thuận lợi hơn cho quan hệ đối ngoại của cả Tokyo và Washington, đặc biệt là trong bối cảnh chính trị quốc tế phức tạp như hiện nay.

Ngoài ra, nhiều năm qua, quan hệ Mỹ - Trung vẫn tồn tại nhiều khác biệt trong khi Nhật Bản vẫn luôn là đồng minh khăng khít của Mỹ ở Châu Á. Mặt khác, sự thâm nhập và nương tựa lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Nhật Bản gắn bó đến mức rất khó tách rời. Mỹ là thị trường xuất khẩu và là nơi đầu tư lớn nhất của Nhật Bản, đồng thời cũng là nơi cung cấp công nghệ mới, sản phẩm kỹ thuật và thông tin cho nước này.

Theo báo cáo đầu tư 2014 của Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO), Mỹ vẫn là điểm đến lớn nhất của doanh nghiệp xứ sở Hoa anh đào với tổng vốn đầu tư tích lũy của Tokyo vào Washington là 373 tỷ USD. Trong khi đó, các công ty Nhật Bản đang chuyển hướng đầu tư ra khỏi Trung Quốc và tăng cường hợp tác với các nước ASEAN giữa lúc hai quốc gia này vẫn luôn ngấm ngầm ganh đua với nhau về vị trí dẫn đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Giới đầu tư đang cá cược việc đồng nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục xuống giá trong bối cảnh dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm và chính quyền mới ở Mỹ chuẩn bị nhậm chức. Ông Donald Trump từng cáo buộc Bắc Kinh thao túng đồng nội tệ và sẽ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ khi ông nhậm chức.

Giới phân tích cho rằng những dự đoán về việc chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đáp trả các tuyên bố trên bằng việc bán trái phiếu Chính phủ Mỹ mà họ đang nắm giữ là điều khó xảy ra. Mặt khác, dù Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục giảm sở hữu trái phiếu Chính phủ Mỹ để bảo vệ đồng nhân dân tệ thì một sự tháo vốn ồ ạt vẫn nằm ngoài dự đoán.

Hoàng Khuê

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/858305/dong-minh-sat-canh