Đồng muối trắng xóa giữa mùa mưa chờ giá lên

SGTT.VN - Sa Huỳnh (xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ nổi tiếng về di chỉ khảo cổ mà còn có một làng muối tồn tại hơn trăm năm qua. Muối nơi này cung cấp cho cả tỉnh Quảng Ngãi, vùng phía bắc của tỉnh Bình Định và tỉnh Kon Tum. Thế nhưng đến nay, giá muối Sa Huỳnh cứ bị rớt dài dài, đời sống của diêm dân bị lao đao mấy năm nay.

Diêm dân Sa Huỳnh gọi muối tồn không bán được là “mộ muối”. Ảnh: Phạm Anh

Mới bước vào sân, khi tôi hỏi về muối, anh Ngô Văn Điệp ở thôn Tân Diêm, xã Phổ Thạnh, từ nhà bước ra lắc đầu: “Muối mắm gì anh ơi. Chất hàng đống dọc đường mấy tháng nay, có ai ngó ngàng gì đến đâu”. Nói đoạn, anh Điệp dắt tôi ra cánh đồng muối. Giữa mùa mưa, cánh đồng muối ngập trắng nước, trên từng bờ thửa ruộng muối, có nhiều ụ lớn nhỏ cao hơn đầu người. “Muối rẻ quá, bà con không bán, để chờ giá lên. Ai dè, bốn năm tháng nay để đó. Muối nằm như... những ngôi mộ, còn giá thì hổng thấy lên”, anh Điệp than. Anh Điệp cho biết, muối không chỉ nằm dọc theo từng bờ ruộng, mà dọc theo quốc lộ 1, nơi nào thấy từng đống ụ được phủ bạt nilông hay lợp tranh, đó là muối.

Chưa có năm nào muối Sa Huỳnh lại bi đát như năm nay. Đầu năm thì bị không khí lạnh tăng cường, nên vào vụ trễ; đến khi vào vụ sản xuất chính thì muối bị ế. Lật một tấm bạt, lôi ra một bao muối, anh Điệp nói: “Mỗi ký muối 500 đồng, nên một bao 50kg chưa được một tô phở. Đời làm muối sao mà khốn khổ quá!” Theo anh Điệp, diêm dân chỉ mong muối Sa Huỳnh đạt giá từ 800 – 1.000 đồng/kg, gia đình anh cũng đang có 5 tấn muối đang chất đống, nằm chờ giá lên. “Dân làm muối có ai giàu đâu. Cứ nhìn các xóm, thấy nơi nào nhà cao cửa rộng là của dân đi biển; còn nhà thấp lè tè là của dân làm muối Tân Diêm”, anh Điệp nói.

Tạm biệt anh Điệp, tôi đi vào làng muối. Gặp tôi, ông Ngô Xuân Sanh ở xóm 5, thôn Tân Diêm cho biết: “Nhà nào cũng để dành từ 5 – 7 tấn muối, nhưng giá muối đến giờ cũng chỉ ở mức 700 đồng/kg, bán sớm thì tiếc lắm vì giá rẻ, còn không bán thì lấy gì để sống. Đám thanh niên thì không chịu nổi nên rủ nhau vào Nam theo nghề khác kiếm ăn”.

Sinh ra từ đồng muối, lớn lên nhờ muối, đời sống của diêm dân Sa Huỳnh hơn trăm năm nay là vậy. Những năm muối bán không được, khoảng năm đến bảy hộ diêm dân góp tiền thuê xe máy, xe đạp đi bán dạo ở khắp nơi. Cứ 8kg muối đổi lấy 1kg lúa. Nhọc nhằn là vậy, nhưng bao đời nay, có mấy ai bỏ quê, bỏ làng muối quê hương mà đi tha phương cầu thực đâu. Vậy mà, từ hai, ba năm nay, thanh niên của “muối Sa Huỳnh mặn mà tha thiết” đành phải tìm nghề khác để mưu sinh.

Chị Bùi Thị Gái ở xóm 3, thôn Tân Diêm kể rằng, nhà chị có sáu người sống nhờ ruộng muối, thế nhưng, khi muối bị rớt giá, cả nhà chị lao đao. Cách đây mấy năm, chồng chị vào Nam theo thuyền đi biển đánh cá để mong sẽ có tiền gửi về nuôi vợ, hai con nhỏ và người chị mù lòa. Vậy mà trong một lần ra khơi, chồng chị Gái đã vĩnh viễn nằm lại với biển.Từ đó, chị Gái một nách lo toan cho cả nhà. “Năm nay, muối rẻ quá, tui còn tồn 5 tấn muối lận, nhưng gọi bán mà hổng mấy tư thương nào chịu trả giá, nên tui đành để cả đống chờ tết này xem giá cả có lên không rồi bán”, chị Gái hy vọng.

“Muối bán hổng được, lấy gì ăn?”, tôi hỏi. Chị Gái nói giọng buồn: “Xong vụ mặn (muối), tui xoay qua vụ ngọt (làm ruộng lúa nước) để kiếm gạo ăn”. Nói thì vậy, nhưng với hai sào ruộng (sào/500m2 – PV), nhà chị Gái mỗi năm chỉ làm được vụ đông – xuân, bởi lẽ, ở vùng này tất cả là muối, nên hệ thống kênh mương thủy lợi cho lúa nước không có. “Trúng mùa thì một vụ cũng kiếm được 6 bao lúa/sào (bao: 50kg), không thì ba bao là may mắn lắm rồi, còn nếu lỡ mất trắng, thì trông vào... cứu trợ của Nhà nước”, chị Gái nói.

Cạnh nhà chị Gái là nhà bà Lê Thị Thuận (60 tuổi). Vì không còn sức bươn chải, cuộc sống của bà Thuận quanh năm chỉ trông vào muối. Tuy nhiên, hễ cứ trông vào muối thì muối càng bị rớt giá, cuộc sống của bà Thuận ngày càng nghèo hơn. Theo bà Thuận, năm 2010, gia đình bà làm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, nhưng chỉ thu được 6 triệu đồng tiền muối; năm 2011, cứ nghĩ rằng giá muối sẽ khá hơn, ai ngờ cái khốn khó của nghề làm muối lại quay về. “Năm nay, nhà nông cái gì cũng được giá, chỉ có dân làm muối bọn tui là lẹt đẹt miết thôi”, bà Thuận than.

Do giá muối quá rẻ, nên tiền công làm muối cũng tương ứng. Nhìn những gánh muối trên vai của các bà, các chị, cứ oằn xuống sau mỗi bước đi, chúng tôi không hiểu vì sao giá muối ở Sa Huỳnh bán ra lại không lên. Qua hai mùa mưa rồi, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo cho các ngành và các tỉnh, thành phố là phải mua giá bao tiêu muối tồn đọng cho diêm dân. Thế nhưng, ở đâu hưởng được chính sách này, còn riêng với Sa Huỳnh thì chỉ biết nó... trên tivi. Nhiều người mừng, không bán muối mà trữ lại và cuối cùng, cũng chẳng có ai đến mua. “Năm ngoái trữ muối, nước triều lên, muối tan hết xuống biển. Vái trời năm nay đừng có nước triều lên”, bà Thuận ước mong.

Đồng muối Sa Huỳnh khi vào mùa vụ. Ảnh: Phạm Anh

Ông Nguyễn Duy Trinh, phó chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh cho biết, Sa Huỳnh có 551 hộ làm muối trên diện tích 116ha, trong đó đa số đều nghèo; năm nay, có 44 hộ được vay vốn để thực hiện bêtông hóa 10.000m2 ruộng muối, nhằm cải thiện năng suất và chất lượng muối, tuy nhiên, số diện tích này chỉ như “muối bỏ bể”. “Do giá muối bấp bênh, nên đời sống của diêm dân mấy năm qua luôn gặp khó. Cứ hết vụ, diêm dân lại chuyển đổi sang ngành nghề khác như: làm nông nghiệp, đi biển, đi chẻ đá, nhưng nhiều nhất là vào Nam tìm việc làm; đến vụ muối mới, họ lại trở về, hết vụ lại đi, cứ như vậy từ nhiều năm nay”, ông Trinh nói.

Theo ông Trinh, diêm dân ở Sa Huỳnh đã từng vui mừng khi nghe tin nhà máy sản xuất muối tinh chất lượng cao của công ty dược và vật tư y tế Quảng Ngãi về đây xây dựng trên địa bàn. “Vách nhà máy này dựng lên sát cánh đồng muối, vậy mà suốt năm, sáu năm hoạt động, nhà máy này chỉ tiêu thụ của diêm dân không tới 1/4 sản lượng, phần còn lại, nhà máy này đi mua ở ngoài tỉnh về sản xuất, đóng gói ghi tên “muối Sa Huỳnh”. Khi diêm dân hỏi, nhà máy trả lời: muối không đạt chất lượng, tạp chất như rác, cát ở trong muối quá nhiều”, ông Trinh nói.

Ông Nguyễn Kỳ, chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, cho biết: “Diêm dân nghèo, không có tiền đầu tư, nên tất cả phải đi vay của ngân hàng.” Việc vay tiền cũng gặp cảnh trớ trêu như, vừa qua, ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho diêm dân Sa Huỳnh 2 tỉ đồng để đầu tư xây dựng ruộng muối, tuy nhiên, khi bà con vay tiền về đến nhà, thì nhà máy muối cũng giải thể luôn.

Đầu tháng 10.2011, làng muối Sa Huỳnh được công nhận thương hiệu, tuy nhiên, nhiều người lo ngại đằng sau thương hiệu này, liệu “đầu ra” của muối Sa Huỳnh có ổn định lâu dài hay không?

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/155704/dong-muoi-trang-xoa-giua-mua-mua-cho-gia-len.html