Đồng Nai 6 và 6A: Chặng đường tiếp theo sẽ là gì?

(CL)- Vượt qua tất cả những luồng ý kiến phản đối, kiến nghị dừng triển khai, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A tính đến thời điểm hiện nay đã đi được 7 năm trời. Trong suốt 7 năm ròng rã đó, chủ đầu tư tích cực công khai, minh bạch thông tin về dự án và cũng đã tốn kém không ít thời gian và tiền bạc. Nhưng chính nhờ vào sự kiên trì đó, họ cũng dần chứng minh dự án không tác động lớn đến môi trường như một bộ phận dư luận phản ánh, đồng thời, chứng tỏ được vai trò, ý nghĩa của việc đầu tư hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với nền kinh tế đất nước nói chung, với nguồn điện quốc gia nói riêng.

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không ảnh hưởng
đến vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên

Từ bài báo đầu tiên phản đối…

Mặc dù được phê duyệt hiệu chỉnh từ năm 2009 với sự thống nhất của lãnh đạo VQG Cát Tiên lúc bấy giờ (tháng 5/2009), nhưng đến năm 2011, dư luận mới bắt đầu dậy sóng sau khi bài báo đầu tiên thông tin về việc “VQG Cát Tiên mất 137ha” đăng trên báo Người lao động ngày 26/6/2011. Từ đây những vấn đề xung quanh dự án được mổ xẻ cặn kẽ từ tính pháp lý đến vấn đề đa dạng sinh học, môi trường, an sinh xã hội. Từ đây, cũng bắt đầu nảy sinh hai luồng ý kiến phản biện nhau trong việc nên hay không nên xây dựng dự án. Thế nhưng, càng tìm hiểu sâu hơn về hai dự án này, đánh giá một cách cặn kẽ những tác động cũng như lợi ích từ dự án, dư luận đã bắt đầu có cái nhìn thiện chí hơn về Đồng Nai 6 và 6A, đặc biệt trước những cố gắng của nhà đầu tư trong việc điều chỉnh dự án theo hướng giảm thiểu tối đa ảnh hướng đến môi trường. Ban đầu bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180MW, diện tích chiếm đất tới 1.954 ha, trong đó có 732 ha thuộc VQG Cát Tiên. Nhưng sau đó, chủ đầu tư đã hiệu chỉnh thành hai bậc thang thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với công suất 241 MW, diện tích chiếm đất chỉ còn 372,23 ha, trong đó, VQG Cát Tiên chỉ còn 137 ha thuộc vùng rìa phía Bắc khu Cát Lộc. Theo đó, diện tích chiếm đất trung bình của hai dự án (thuộc loại thủy điện lớn trên 100 MW) là 1,34 ha/MW, thấp nhất so với nhiều dự án thủy điện khác hiện nay. Đồng thời, chủ đầu tư cũng tích cực nghiên cứu công nghệ tiên tiến, thay vì sử dụng loại tuabin Francis có cánh cố định thông thường, Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã đầu tư vào loại tuabin Kaplan hướng trục, cột nước thấp, 2 tổ máy vận hành xả nước liên tục 24/24h có tác dụng điều hòa lại dòng chảy cho hạ du bị gián đoạn và dao động lớn do chế độ xả phát điện ngày không liên tục của thủy điện Đồng Nai 5 nằm ở phía trên.

Cùng với đó, những hiểu lầm xung quanh vị trí xây dựng, ảnh hưởng của dự án đến khu đất ngập nước Ramsar Bầu Sấu hay vấn đề đa dạng sinh học cũng dần được hé lộ. Trước đó, một số ý kiến vẫn khăng khăng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong vùng lõi VQG Cát Tiên, đây là khu vực rừng giàu có tính đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên theo báo cáo khảo sát thực địa của nhà đầu tư cũng như nhiều Bộ ngành khác, Đồng Nai 6 và 6A thuộc về vùng Cát Lộc (Bắc Cát Tiên), hoàn toàn cách biệt với vùng lõi, hiện trạng rừng khu vực này đến nay chỉ còn là rừng lồ ô, tre nứa và bãi đất ven sông, nhiều diện tích đã bị người dân xâm canh trồng hoa màu, điều, cà phê…Khu vực này cũng cách xa khu Ramsar Bầu Sấu gần 35 km, qua trung tâm huyện lỵ huyện Cát Tiên. Những luận điểm trước nay một số bộ phận dư luận cho rằng chủ đầu tư đưa ra để biện minh, thì qua 7 năm ròng rã, sự thật cũng dần được “phơi bày”. Thậm chí ngay trong báo cáo của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) cũng khẳng định điều này…

Đến những chuyên gia lên tiếng ủng hộKhông dễ dàng gì đối với chủ đầu tư khi phải đối diện với những hiểu lầm trong suốt nhiều năm trời. Chủ đầu tư đã phải tổ chức họp báo nhằm công khai, minh bạch thông tin với hy vọng tự minh oan cho mình. Cùng với đó, chủ đầu tư nhiều lần gửi công văn mời các Bộ ngành tham gia các chuyến khảo sát thực địa tại vị trí xây dựng thủy điện để có cái nhìn thực tế làm cơ sở cho việc đánh giá tác động của hai dự án. Những cố gắng đó, cuối cùng cũng đưa lại nhiều kết quả, giá trị kinh tế hàng ngàn tỷ đồng và khả năng đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước từ hai dự án cũng dần được ghi nhận. Từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên môi trường, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho đến các các nhà khoa học, giáo sư tiến sĩ nhiều lĩnh vực sau chuyến đi thực địa đều có cái nhìn khác hẳn với những nghi ngại của một bộ phận dư luận về hai dự án này.

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã có Công văn số 218/HMTg ngày 30/9/2011 gửi Quốc Hội và Chính phủ nhận định các tác động đến môi trường của hai dự án này là không lớn và đề nghị tiếp tục triển khai hai Dự án ĐN6 và ĐN6A.

Mới đây, GS.TS Nguyễn Ngọc Lung- Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng khẳng định :”Tôi đã trực tiếp đi khảo sát thực địa tại vị trí xây dựng hai dự án này, khu vực Cát Lộc nơi xây dựng hai dự án thủy điện ĐN6 và ĐN6A là khu vực rừng đã bị tàn kiệt, chủ yếu là tre nứa, đất trống đồi trọc, không còn nhiều cây lớn, trước đây được đưa vào VQG là để bảo tồmn tê giác. Tuy nhiên, hiện nay tê giác đã không còn, đa dạng sinh học rừng ở đây không còn giá trị như rừng đặc dụng. Vị trí hai dự án này lại còn cách xa 35 km và tách biệt với khu rừng Nam Cát Tiên của VQG Cát Tiên nằm ở tỉnh Đồng Nai”.

Sau chuyến đi thực địa đầu năm 2012, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã có công văn số 228/BNN-TCLN ngày 06/02/2012 báo cáo Thủ tướng nêu ”Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững của VQG Cát Tiên đã được phê duyệt tại Quyết định số 1535/QĐ-BNN-TCLN ngày 11/7/2011 của Bộ NN PTNT, trong đó đã dự kiến có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất và rừng của Vườn này để xây dựng hai công trình thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Quy hoạch này cũng phù hợp với Quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai tại Quyết định số 5117/Q Đ-BCT ngày 14/10/2010 của Bộ CôngThương và Kế hoạch sử dụng đất đai của các địa phương. Về tổng quát thì ảnh hưởng do xây dựng hai công trình thủy điện này không đến mức làm thay đổi tiêu chí, mục tiêu xác lập VQG cát Tiên nhất là khu vực đất ngập nước Bàu sấu và khu rừng phòng hộ Nam Cát Tiên”.

Bên cạnh đó, chính quyền và nhân dân 3 tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Phước (Khu vực xây dựng dự án) đều thể hiện quan điểm đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao các hiệu ích kinh tế xã hội của hai dự án đối với địa phương và Quốc gia. Ông Hoàng Sĩ Sơn – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng đã công khai thể hiện quan điểm trên mặt báo: “Với góc độ là địa phương liên quan trực tiếp tới dự án, nhận thấy đây là một công trình thủy điện nên được tạo điều kiện để thực hiện đầu tư vì với công suất 241 MW, nhưng diện tích chiếm đất chỉ có 372 ha, trong đó chủ yếu là rừng trung bình, nghèo, hỗn giao, lồ ô, cây bụi, đất trống…, là dự án được xây dựng theo cơ chế điều tiết ngày, do vậy, không tạo ra các hồ, đập lớn, không ảnh hưởng đáng kể đến việc xả lũ cũng như khô hạn ở vùng hạ du. Dự án này có đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, đời sống nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện Cát Tiên”.

Và chặng đường tiếp theo sẽ là gì?

Dù hiểu lầm đã được lý giải, giá trị kinh tế của dự án ngày càng cho thấy tính thuyết phục, các Bộ ban ngành lên tiếng ủng hộ, nhưng đến nay, sau 7 năm ròng rã, dự án vẫn chưa có được một “kết thúc có hậu”. Như thế nào mới là công bằng với nhà đầu tư khi họ đã đổ không biết bao nhiêu tiền bạc và công sức vào dự án này nhằm đảm bảo hài hòa bài toán đánh đổi giữa môi trường và phát triển kinh tế, được và mất sẽ cân nhắc ra sao còn chờ vào quyết định của Chính phủ. Đến đây, tôi xin mượn lời phỏng vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang để kết thúc bài viết này: “Chúng ta cũng phải thấy là đang kêu gọi đầu tư, nhà đầu tư vào rồi thì cũng phải trân trọng, xử lý hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân”.

Bài và ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/Thoisu/2013/9/616D5F40C7ECE36E/