Đồng Nai: Sai phạm đang được bao che, dung túng?

(NB&CL) - Như số báo trước chúng tôi đã thông tin về việc buông lỏng quản lý đất đai tại địa phương nên một cán bộ địa chính xã Giang Điền (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) đã bán đất công. Rồi sau đó bán luôn cả phần đất của gia đình ông Nguyễn Văn Lãng. Sự việc trên khiến gia đình ông Lãng vô cùng bức xúc gửi đơn khiếu nại khắp nơi nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Sau khi báo đăng, chúng tôi tiếp tục làm việc với những người có trách nhiệm.

Riêng đối với vụ việc này, những cán bộ chủ chốt của xã Giang Điền ngày trước đã nói với chúng tôi trong trạng thái rất bức xúc. Bản thân những người này cũng cho biết rằng chính vì cảm thấy sự việc cán bộ địa chính xã bán đất của dân cũng như bán đất công là vi phạm pháp luật và đã lên tiếng.

Cây tràm này đến nay đã hơn 20 năm tuổi, vậy mà năm 2009 ông Say Đức Minh nói nó mới chỉ có 5 năm tuổi

Cấp đất gian dối cho người thân để chuyển nhượng sai mục đích

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Gia Khánh (nguyên Phó chủ tịch UBND xã Giang Điền) cung cấp cho chúng tôi danh sách mà cán bộ địa chính Lê Hoài Tanh lập để xét duyệt cấp GCNQSDĐ và cho biết: “Đó là trường hợp những người thân của cán bộ địa chính xã Giang Điền - Lê Hoài Thanh đã được ông này tìm cách hợp thức hóa đất công cho họ rồi chuyển nhượng cho vợ chồng ông Lê Kỳ Phùng – Lý Tố Trinh. Những người thân của ông Lê Hoài Thanh, gồm: Lê Thanh Chân (em trai ông Thanh, 9.085m2); Nguyễn Thị Thêu (vợ ông Thanh), Trần Thị Kim Loan (chị vợ ông Thanh, 31.836m2) và Lê Thị Minh Lý (em gái ông Thanh, 8.830m2). Ngoài những người thân, ông Thanh còn đưa vào danh sách đề nghị để hội đồng xét duyệt cấp đất một số hộ dân thực chất không có đất ở địa phương”.

“Đó là các hộ dân Lý Tố Lan (39.188m2), Dương Thị Chính (53.273m2), Lê Kỳ Phùng (78.587m2) và Lý Thị Tố Trinh (vợ ông Phùng, 91.821m2). Đây là những hộ dân không có hộ khẩu và cũng chẳng sinh sống ở đây trong thời gian đó. Vậy mà khi đưa vào trong danh sách xét duyệt cấp GCNQSDĐ thì ông Thanh để họ kê khai là đất của những người này tự khai phá. Chính vì việc đưa vào danh sách xét duyệt (năm 2001) những cá nhân không có đất để hội đồng xét duyệt khiến cho việc cấp GCNQSDĐ cho những người này là sai. Từ đây, tôi đã có báo cáo kiến nghị để xử lý những sai phạm trên. Đồng thời thông qua đơn tố cáo của một số hộ dân nên ngày 3/7/2003, UBND huyện Trảng Bom đã có văn bản chỉ đạo thu hồi GCNQSDĐ và kiểm tra xác minh để xử lý 4 hộ dân nêu trên. Được biết, ông Lê Hoài Thanh đã tìm cách hợp thức hóa và bán đất công lẫn đất của người dân là khoảng gần 100 héc ta”- ông Khánh nhấn mạnh.

Nói tiếp về vấn đề cán bộ địa chính xã Giang Điền - Lê Hoài Tanh bán đất của gia đình ông Lãng, ông Đinh Sỹ Quý (nguyên Bí thư xã Giang Điền) trình bày trong đơn kiến nghị: “Về phần đất của gia đình ông Lãng ở khu vực Suối Son, xã Giang Điền thì vào năm 1995 – 1996, lúc đó tôi là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã đi vào khu vực này để vận động ủng hộ đồng bào lũ lụt. Khi quay ra, tôi gặp gia đình ông Lãng đang canh tác có mời tôi uống nước. Chỉ đến khi có đơn khiếu nại của gia đình ông ấy, tôi mới biết được diện tích khoảng hơn 30 ngàn m2. Diện tích này, gia đình ông Lãng vẫn trồng cây tràm, làm ao cá và quản lý sử dụng cho đến nay. Tất cả gia đình ông Lãng quản lý, sử dụng 3 khu đất với tổng diện tích đất như trên”.

“Về khu đất hơn 20.000m2 đất của ông Lãng có cây lớn, làm ao đã bị ông Lê Hoài Thanh và ông Lê Đình Thức (nguyên chủ tịch xã, đã bị kỷ luật) đề nghị huyện cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Phùng, sau đó bị huyện thu hồi. Đến đợt 2 xét cấp GCNQSDĐ sau đó đã không có tên gia đình ông Phùng. Cũng tại biên bản hòa giải không thành ngày 12/2/2007, ý kiến ông Phong (đại diện của ông Phùng) cho biết được ông Lê Hoài Thanh chỉ ranh mốc. Như vậy, người bán đất cho ông Phùng không chỉ ranh mốc, phải chăng không có người cắm mốc(?)”- ông Quý đặt câu hỏi nghi ngờ.

Bao che sai phạm, chối bỏ trách nhiệm

Cũng theo lời ông Quý: “Về khu đất khoảng 13.400m2 của gia đình ông Lãng ở Suối Son hiện nay vẫn quản lý sử dụng nhưng lại được UBND xã xét duyệt, cấp cho ông Say Đức Minh (6.227m2) vào đợt 5 năm 2001. Tuy nhiên, về vấn đề này ông Trần Gia Khánh đã có báo cáo lên UBND huyện là xã chỉ xét cấp GCNQSDĐ có hai đợt. Vậy đợt xét cấp GCNQSDĐ đợt 5 là ở đâu ra, hay là ông Thanh tự ý xét cấp(?). Đối với diện tích 7.173m2 của thửa 136 tờ bản đồ số 14 cũng là của gia đình ông Lãng sử dụng từ trước đến nay, nhưng tại sao trên bản đồ địa chính lại là của ông Nguyễn Đức Thụy? Hơn nữa, vào tháng 1/2001, tôi và đồng chí Phạm Văn Trọng – Phó chủ tịch UBND xã (bây giờ là chủ tịch xã) vào Công ty Phú An gặp ông Lê Kỳ Phùng là tổng giám đốc để xin đất làm đường đi cho địa phương. Ông Phùng đã chỉ vào sơ đồ 74 héc ta mà UBND tỉnh giao cho công ty của ông Phùng phối hợp với Công ty Sonadezi để quy hoạch khu dân cư cao cấp và nói một phần đất là của gia đình ông Lãng”.

Tế nhưng, trong buổi làm việc với phóng viên, ông Phạm Văn Trọng - Chủ tịch UBND xã Giang Điền lại tìm cách chối bỏ trách nhiệm. Ông Trọng cho rằng thời điểm xảy ra tranh chấp vì ông là cán bộ đoàn xã nên không biết gì. Hơn thế nữa, vụ việc hiện đã có kết luận thanh tra nên ông không trả lời bất cứ điều gì mà phóng viên đặt câu hỏi. Khẳng định với chúng tôi, anh Nguyễn Đức Lợi, nói: “Ông Phạm Văn Trọng đã chối bỏ trách nhiệm một cách trắng trợn. Bởi trong một lần vào năm 2009, đoàn cán bộ gồm cả xã, huyện cùng ông Say Đức Minh đi chỉ thực địa ranh giới đất, ông Trọng với tư cách Phó chủ tịch xã cũng đi cùng đoàn vào đất của gia đình tôi. Khi ông Say Đức Minh chỉ vào cây tràm đã hơn 15 năm tuổi mà nói rằng chỉ có 5 năm tuổi. Bức xúc, tôi phản ứng lại thì cả đoàn bỏ về, còn ông Minh thì chờ tôi ở ngoài đầu đường để xin lỗi gia đình tôi vì việc chỉ thực địa là ông ấy được cán bộ xã nhờ đứng ra nhận giùm”.

Một số nhân chứng khác cũng xác nhận với chúng tôi về việc đã được anh Nguyễn Đức Lợi thuê về trồng cây tràm từ những năm 1992. Teo đó, ông Đoàn Văn Đô (ngụ thôn Đoàn Kết, xã Giang Điền), cho biết ông được gia đình anh Lợi thuê phát cây chồi để trồng tràm cả một năm trời. Tời điểm đó, ông Đô cùng với gia đình anh Lợi phát đến đâu rồi trồng lúa và bắp, sau đó mới trồng cây tràm.

Nhấn mạnh vấn đề, ông Quý yêu cầu cần làm rõ một số vấn đề như: “Phần đất hoán đổi của người dân với chính quyền xã Giang Điền đã cho ông Bùi Quốc Mẫn mượn nhưng lại hợp thức hóa cho ông ta. Diện tích đất của ông Nguyễn Đức Thụy xin UBND xã cải tạo chỉ có 0,6 héc ta nhưng trong bản đồ lại lên tới 27.000m2. Tiếp đến là những phần đất của Lý Thị Tố Trinh, Lý Tố Lan và Dương Thị Chính lại là vấn đề mà ông Lê Hoài Thanh đi chỉ ranh giới khu đất dẫn đến có sự chồng chéo, lấn sang đất của ông Lãng. Còn bà Lý Tố Lan (SN 1966), đã kê khai khai phá vào năm 1975, khi đó mới có 9 tuổi mà tự khai phá gần 4 héc ta lại càng là điều không thể”.

Qua bài viết này, chúng tôi cũng kiến nghị chính quyền tỉnh Đồng Nai cần vào cuộc để làm rõ đất công trên địa bàn xã Giang Điền (huyện Trảng Bom) đã bị bán là bao nhiêu? Còn hay mất? Mất vì lý do gì hay ai đã ký bán? Đất của gia đình ông Lãng đang sử dụng đã được chính quyền địa phương xác nhận thì ai ký bán để từ đó truy ra những sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.

HOÀNG PHƯƠNG

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tin-chi-tiet/10/49705/Dong-Nai-Sai-pham-dang-duoc-bao-che,-dung-tung.html