Đồng nhân dân tệ yếu: Đến lúc Trung Quốc phải sợ?

Theo chuyên gia, điều Trung Quốc sợ hiện nay là đồng nhân dân tệ yếu quá mức có thể đẩy kinh tế nước này vào hỗn loạn.

Không còn là mong muốn

Trong tháng 1/2017, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã rơi khỏi ngưỡng 3.000 tỷ USD, trong khi ở giai đoạn hoàng kim nhất (6/2014), con số này mấp mé 4.000 tỷ USD. Mức sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh đồng nhân dân tệ Trung Quốc vừa có năm giảm giá mạnh nhất trong 2 thập kỷ vào năm 2016.

Bình luận về những con số này, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng đây chính là dấu hiệu cho thấy đồng nhân dân tệ Trung Quốc đang ngày càng mất giá. Theo đó, trong hai năm 2015-2016, kinh tế Trung Quốc chững lại và các rủi ro bắt đầu tăng lên, đặc biệt các chính sách của Chính phủ Trung Quốc từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền dường như không còn ưu ái cho các nhà đầu tư nước ngoài nữa. Điều đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài bỏ chạy khỏi Trung Quốc, kéo theo cơn bão "di cư tiền" khỏi nước này và làm cho đồng nhân dân tệ sụt giá.

Để đối phó với tình trạng này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) buộc phải rút tiền từ kho dự trữ ngoại hối.

Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc đã gia tăng trong những tháng gần đây,

Không dừng ở đó, nền kinh tế trong nước cũng như chính sách của ông Tập, đặc biệt là chính sách chống tham nhũng cũng đẩy nhiều quan chức, người giàu Trung Quốc mang USD chuyển ra nước ngoài.

Riêng năm 2015-2016, ước tính khoảng 1.500 tỷ USD đã chạy ra khỏi Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc vẫn có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, nhưng giờ đây nó đã tuột khỏi mốc 3.000 tỷ USD. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc có ít hơn công cụ để ngăn đà giảm giá của nhân dân tệ.

Cũng theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, kịch bản Trung Quốc thả nổi giá đồng nhân dân tệ đã được đặt ra nếu dự trữ ngoại hối của nước này giảm liên tục.

"Trung Quốc sẽ tiến tới kịch bản đó nhưng bao giờ nó diễn ra thì chưa thể đoán trước. Trước đây Trung Quốc mong đồng nhân dân tệ yếu và chủ trương duy trì chính sách đồng nhân dân tệ yếu để kiếm lời, còn bây giờ họ chuyển sang giai doạn mới, đó là kiểm soát tình trạng yếu đó như thế nào để không tạo ra rủi ro cho hệ thống tài chính.

Như vậy, ở thời điểm này, không phải Trung Quốc mong muốn đồng nhân dân tệ yếu nữa mà chuyện ấy đã là đương nhiên. Bây giờ điều Chính phủ Trung Quốc sợ là đồng nhân dân tệ yếu quá mức có thể đẩy nền kinh tế nước này vào hỗn loạn. Chính vì thế, Trung Quốc không thể thả nổi đồng nhân dân tệ vào lúc này. Chừng nào họ cảm thấy đồng nhân dân tệ không cần kiểm soát nữa, nghĩa là Trung Quốc không cần phải lo rủi ro nữa, lúc ấy họ sẽ thả nổi", ông Sơn phân tích.

Vị chuyên gia nói thêm, khi kịch bản nói trên xảy ra, kinh tế Trung Quốc không gặp khó khăn vì điều đó, khó khăn hay không nằm ở các chính sách cải cách hệ thống tài chính và mô hình kinh tế của Trung Quốc. Khi Trung Quốc cải cách xong mô hình kinh tế, không còn dựa vào xuất khẩu quá nhiều thì câu chuyện về đồng tiền cũng không còn quá quan trọng như trước đây.

Mặt khác, khi nền kinh tế Trung Quốc đã ở trạng thái ổn định, các rủi ro qua đi, các nhà đầu tư tư bản nước ngoài đã cảm thấy yên tâm thì Trung Quốc chỉ cần giữ lại chính sách tiền tệ trong nước mà không cần quan tâm đến tỷ giá nữa.

Mớ bùng nhùng của Trung Quốc và sự ổn định của kinh tế Mỹ

Với những dấu hiệu mới của nhân dân tệ, cộng với những vấn nạn chưa được giải quyết của nền kinh tế Trung Quốc, điển hình là thị trường bất động sản, chuyên gia Bùi Ngọc Sơn dự báo năm 2017 sẽ là năm nguy hiểm đối với kinh tế Trung Quốc.

"Trung Quốc vẫn đang phải kìm hãm các chính sách. Chẳng hạn, họ phải sử dụng chính sách kiểm soát tiền ra để đẩy giá đồng nhân dân tệ lên thời gian qua, nếu không, người dân và nhà đầu tư vẫn cứ rút tiền khỏi Trung Quốc.

Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là phải ngăn chặn rủi ro tài chính từ vấn đề phá sản (phá sản xuất phát từ nợ xấu, nợ xấu bắt nguồn từ bất động sản và doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, theo tôi, Chính phủ Trung Quốc chưa làm được nhiều ngoài việc dùng các biện pháp để giải quyết vấn đề từ ngọn chứ không phải từ gốc.

Cụ thể, cái gốc Trung Quốc phải giải quyết là cải cách mô hình kinh tế. Thực sự họ cũng đã làm đôi chút như ra những chính sách giữ ổn định nền kinh tế, kích thích để kinh tế không giảm quá sâu và có dấu hiệu cho thấy khu vực dịch vụ đang tăng lên.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/dong-nhan-dan-te-yeu-den-luc-trung-quoc-phai-so-3328852/